Do địa bàn rộng,
địa hình bị chia cắt gây khó khăn cho việc tuần tra, quản lý bảo vệ, nên nhiều
khu rừng giáp ranh giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai bị lâm tặc tàn phá nặng nề.
Vùng giáp ranh giữa
2 tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai trải dài 145,6 km qua 4 huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông
Năng, Ea Kar (Đắk Lắk) và 5 huyện Chư Pưh, Chư Prông, Ayun Pa, Phú Thiện, Krông
Pa (Gia Lai). Đây là những cánh rừng có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài gỗ,
thú quý hiếm và là rừng phòng hộ đầu nguồn của các con sông lớn đóng vai trò
quan trọng trong cảnh quan môi trường và quá trình phát triển kinh tế-xã hội
không chỉ cho Tây Nguyên mà còn cho cả một số tỉnh Nam Trung Bộ. Tuy nhiên thời
gian qua, một số khu vực rừng này đã trở thành điểm nóng do tình trạng khai
thác, vận chuyển lâm sản trái phép diễn ra thường xuyên.
Kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
tuần tra, bảo vệ rừng ở khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai).
Huyện Ea Súp và
Ea H’leo có rừng giáp ranh với các huyện Chư Pưh, Chư Prông, Phú Thiện, Krông
Pa, thị xã Ayun Pa (Gia Lai), tổng chiều dài 107 km. Trong vòng 3 năm trở lại
đây, những khu rừng giáp ranh này luôn là điểm nóng của nạn khai thác, vận chuyển
lâm sản trái phép. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm
2013 đến cuối 2015, tại khu vực giáp ranh trên đã xảy ra 650 vụ vi phạm lâm luật,
cơ quan chức năng qua kiểm tra xử lý đã tịch thu 2.347 m3 gỗ các loại, trong
đó, chỉ tính riêng địa bàn 2 xã Ia J’lơi, Ya Lốp (Ea Súp) đã phát hiện 320 vụ
vi phạm lâm luật, tịch thu 1.684 m3 gỗ các loại. Không chỉ khai thác lâm sản
trái phép, một số hộ dân ở tỉnh Gia Lai còn kéo sang phá rừng làm rẫy. Điển
hình như năm 2015, trong lâm phần do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea H’mơ quản
lý có 29 hộ dân từ Gia Lai kéo sang xâm canh; khoảng 10 ha rừng đã bị những hộ
này phun thuốc diệt cỏ, ken cây lớn và đã xuống giống lúa. Hạt Kiểm lâm huyện
Ea Súp đã cử lực lượng phối hợp với chủ rừng vận động người dân dỡ lán trại,
không được canh tác trên đất rừng đã có chủ. Về phía tỉnh bạn, ông Lê Anh Dục,
Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, tình trạng người dân ở
huyện này kéo sang địa phận các huyện Ea Súp, Ea H’leo thường xuyên xảy ra.
Theo thống kê của đơn vị thì từ đầu năm 2014 đến cuối 2015 huyện Chư Pưh đã
phát hiện xử lý 211 vụ vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép, trong đó có tới
148 vụ các đối tượng vận chuyển lâm sản từ Đắk Lắk vào địa bàn huyện, chiếm
70,4%. Ngoài ra, địa bàn giáp ranh giữa các huyện Krông Năng, Ea Kar (Đắk Lắk)
và huyện Krông Pa (Gia Lai) nạn phá rừng cũng nhức nhối không kém. Trong đó, tại
vùng giáp ranh của huyện Krông Năng có khoảng 958 ha do UBND xã Ea Tam và Cư
Klông quản lý cũng thường xuyên bị lâm tặc xâm nhập khai thác gỗ trái phép. Những
cây gỗ lớn có giá trị bị đốn hạ xẻ hộp, sau đó dùng trâu kéo ra các bãi tập kết
rồi vận chuyển bằng xe máy ra khỏi rừng. Còn tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô
(huyện Ea Kar), ở những khu vực giáp ranh với huyện Krông Pa (Gia Lai), tình trạng
săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ quý hiếm diễn ra hết sức phức tạp. Ở những
khu vực này, lâm tặc thường sử dụng xe máy độ chế, cưa máy đi theo các đường
mòn nhỏ luồn sâu vào rừng cấm để khai thác gỗ. Không chỉ vậy, chúng cũng rất liều
lĩnh, sẵn sàng tấn công lực lượng kiểm lâm khi bị phát hiện. Điển hình, ngày
2-12-2014, khoảng 70 lâm tặc từ huyện Krông Pa vào khai thác gỗ tại Tiểu khu
617, khi bị kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô truy bắt chúng đã dùng đá và
gậy gộc chống lại, chỉ khi lực lượng chức năng nổ súng chỉ thiên chúng mới chịu
rút ra khỏi rừng. Gần đây, vào sáng 17-11-2015, cũng tại Tiểu khu 616, trong
lúc chặn bắt đoàn xe chở gỗ ra khỏi rừng, kiểm lâm Khu Bảo tồn đã bị khoảng 30
đối tượng dùng súng tự chế, gậy gộc uy hiếp. Do lực lượng mỏng, lâm tặc manh động
nên các kiểm lâm buộc phải rút lui, sau đó thông báo cho lực lượng chức năng
huyện Krông Pa để làm rõ vụ việc. Theo ông Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc Khu Bảo
tồn thiên nhiên Ea Sô, vùng giáp ranh bên phía tỉnh Gia Lai đã hết rừng, chỉ
còn rừng trồng nên người dân bên đó kéo sang bên này để khai thác lâm sản.
Trong khi đó, khu vực rừng giáp ranh với huyện Krông Pa chưa có đường tuần tra
nên muốn kiểm soát những khu vực này, lực lượng kiểm lâm phải cắt rừng đi bộ
khoảng 7-8 tiếng mới đến nơi. Hoặc phải chạy xe máy khoảng 70 km xuống tỉnh Phú
Yên rồi vòng lên huyện Krông Pa mới vào được những khu vực rừng cần tuần tra…
Một cây gỗ bị lâm
tặc “xẻ thịt” tại khu vực giáp ranh giữa xã Cư Klông (huyện Krông Năng, Đắk Lắk)
và huyện Krông Pa (Gia Lai)
Theo ông Y Sy
H’Dơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk, nguyên nhân dẫn đến tình trạng
phá rừng là do đời sống kinh tế của đa phần người dân sống ở khu vực này còn
khó khăn, phần nhiều thu nhập phụ thuộc vào rừng; một số đơn vị chủ rừng trong
khu vực còn lỏng lẻo trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; việc phối hợp tuần
tra, chia sẻ thông tin giữa lực lượng chức năng hai tỉnh ở khu vực giáp ranh thời
gian qua còn nhiều bất cập… Để từng bước lập lại an ninh rừng ở những khu vực
giáp ranh, ông Y Sy H’Dơk cho rằng: các ngành chức năng, chính quyền địa
phương, chủ rừng cần tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số
1685/CT-TTg ngày 27-9-2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, thực
hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người
thi hành công vụ; thường xuyên tổ chức tuyên truyền pháp luật về quản lý, bảo vệ
rừng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, nhất là tăng
cường kiểm tra các xưởng chế biến gỗ, cơ sở mộc. Chính quyền hai tỉnh cần kiểm
tra chặt chẽ các đối tượng tạm trú, tạm vắng, tình hình dân di cư tự do và phân
loại, xử lý các đối tượng lâm tặc cộm cán trên địa bàn, tăng cường chia sẻ
thông tin, phối hợp tuần tra, truy quét, xử lý các đối tượng phá rừng…
Nguồn: Vạn Tiếp - Báo Đăk Lăk điện tử