Trong những năm qua, ngành
lâm nghiệp và các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi, nhất là các huyện miền núi
đã tập trung thực hiện Đề án giao rừng, cho thuê rừng. Vì vậy, việc sử dụng đất
rừng ở Quảng Ngãi có bước chuyển tích cực. Song, đất rừng giao cho các doanh
nghiệp sử dụng không hiệu quả, dù đã thu hồi nhưng vẫn chưa giao lại cho dân để
phát triển rừng.
Chậm triển khai dự án
Theo Đề án giao rừng, cho thuê
rừng của tỉnh giai đoạn 2009-2013 thì diện tích rừng dự kiến giao, cho thuê
trên địa bàn tỉnh là 34.120ha. Trong đó giao, cho thuê theo diện tích thực tế
các huyện đã điều tra, rà soát trong quá trình thực hiện phương án 18.025ha và
diện tích tự nhiên sản xuất hiện do các doanh nghiệp nhà nước quản lý
8.984ha... Kết quả đến nay đã giao được 17.158ha (rừng tự nhiên 15.143ha và
rừng trồng 2.015ha). Trong đó có 5 huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa,
Nghĩa Hành đã hoàn thành thủ tục giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng
đất (GCNQSD) lâm nghiệp với diện tích 4.467ha. Còn lại 6 huyện: Tây Trà, Trà
Bồng, Ba Tơ, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ đã cơ bản hoàn thành thủ tục giao rừng,
đang làm thủ tục giao đất và cấp GCNQSDĐ với diện tích 12.691ha...
“Cần phối hợp chặt chẽ trong quá trình xử lý
những tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác giao rừng giữa các Sở Ban ngành
liên quan trong việc cho thuê rừng, để đẩy nhanh tiến độ giao đất rừng" -
ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở TN-MT Quảng Ngãi cho biết
Có thể nói, thực trạng công tác
giao đất, giao rừng ở Quảng Ngãi ì ạch kéo dài nhiều năm nay. Năm 2009, UBND
tỉnh đã phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng giai đoạn 2009 - 2013 với tổng
nguồn kinh phí thực hiện đề án gần 17 tỷ đồng. Mục tiêu là đến năm 2013 cơ bản
hoàn thành việc giao, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh đến chủ rừng thuộc các
thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên
rừng. Dù vậy, đến nay Quảng Ngãi mới chỉ giao và cho thuê được khoảng hơn
3.200ha, đạt khoảng 21% kế hoạch của Đề án. Công tác giao đất, giao rừng chưa
kịp thời đã gây lãng phí rất lớn trong sử dụng đất rừng. Người dân không có đất
canh tác, trong khi đất rừng sau khi thu hồi lại bỏ hoang. Chỉ tính riêng Ba Tơ
và Trà Bồng hiện có hơn 3.000 hộ thiếu đất sản xuất, trong khi số diện tích thu
hồi của các doanh nghiệp chưa được bàn giao cho các hộ nghèo thiếu đất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trưởng
tỉnh Quảng Ngãi, nhìn chung công tác giao rừng, cho thuê rừng đã đạt được một
số kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với mục tiêu kế hoạch đề ra thì tiến độ
thực hiện vẫn còn chậm, do việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan
chuyên môn trực thuộc và UBND các huyện trong quá trình triển khai thực hiện
chưa quyết liệt. Thủ tục cấp GCNQSDĐ gắn với giao rừng ở một số huyện chưa có
sự thống nhất giữa ngành nông nghiệp với Sở Tài nguyên và Môi trường làm ảnh
hưởng đến tiến độ chung.
Cần sớm hoàn thành để phát huy
hiệu quả đất rừng
Hiện Quảng Ngãi còn 17.929ha rừng
và đất lâm nghiệp chưa giao và chưa cấp GCNQSDĐ cho các ban quản lý rừng phòng
hộ trong tỉnh. Trong đó, phần diện tích đất nhân dân đang chiếm dụng canh tác
khá lớn (khoảng 7.252ha) nhưng tiến độ rà soát, xác định chủ sử dụng của các
đơn vị còn chậm. Tại các huyện: Mộ Đức, Đức Phổ, Bình Sơn tiến độ lập thủ tục
giao đất, giao rừng phòng hộ cho huyện quản lý vẫn còn chậm vì phải tháo gỡ
vướng mắc về trình tự và thủ tục giao rừng gắn với giao đất. Số diện tích rừng
cần giao do chuyển đổi chức năng 3 loại rừng với khoảng 1.160ha đến nay hầu hết
các huyện vẫn chậm triển khai, nên chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra và còn 6
huyện chưa hoàn thành các thủ tục về giao đất và cấp GCNQSDĐ, với tổng diện
tích 12.691ha.
Thực trạng công tác giao đất, giao rừng ở Quảng Ngãi
còn ì ạch kéo dài nhiều năm nay
Theo ông Lê Mỹ Liên - Giám đốc Sở
Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi: “Cần phối hợp chặt chẽ trong quá
trình xử lý những tồn tại vướng mắc liên quan đến công tác giao rừng giữa các
Sở Ban ngành liên quan trong việc cho thuê rừng, để đẩy nhanh tiến độ giao đất
rừng. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập thủ tục giao và cấp GCNQSDĐ cho
các ban quản lý rừng phòng hộ đối với những diện tích không còn vướng mắc.
Ngoài ra, các địa phương, các sở ngành, đơn vị hữu quan cần tăng cường đẩy mạnh
công tác vận động, tuyên truyền cho cá nhân, hộ gia đình được giao đất, giao
rừng quản lý tiếp tục phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp để đạt
hiệu quả cao”.
Nguồn, ảnh: Xuân Lam - Báo Tài nguyên & Môi trường
Web: http://baotainguyenmoitruong.vn/