Quảng Ngãi: Phòng cháy chữa cháy rừng nhiều thách thức

23/03/2019

Diện tích rừng lớn, lực lượng kiểm lâm mỏng, cơ sở vật chất thiếu, một bộ phận người dân chưa thực hiện các biện pháp phòng cháy chữa cháy (PCCC) rừng... là những thách thức của ngành lâm nghiệp trong việc PCCC rừng mùa khô 2018 – 2019.

“Chưa bước vào mùa khô, nhưng nắng nóng kéo dài, cộng với việc người dân đang ồ ạt khai thác rừng keo để bán, nên nguy cơ xảy ra cháy rừng là rất cao. Bởi, nhiều chủ rừng khai thác xong rồi tranh thủ phát dọn, đốt thực bì để trồng mới”, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Nguyễn Đại cho biết.

Vì vậy, ngay từ những tháng đầu năm 2019, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương phối hợp với các Ban quản lý rừng phòng hộ, tích cực tuyên truyền người dân và chủ rừng không đốt rừng làm nương rẫy. Đồng thời, hướng dẫn chủ rừng áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh trong quá trình phát dọn, đốt thực bì.

Song song với đó, ngành kiểm lâm cũng tăng cường xây dựng và duy trì đường băng cản lửa; bố trí lực lượng và phương tiện thường xuyên túc trực và tuần tra ở những khu vực có nguy cơ cháy cao, để kịp thời phát hiện và ứng phó, nếu xảy ra cháy rừng.

Nắng nóng, cộng với tình trạng người dân phá rừng đốt than rất dễ xảy ra nguy cơ cháy rừng. (Ảnh: Thanh Phong)

Toàn tỉnh hiện có gần 334 nghìn hecta rừng, trong đó diện tích rừng sản xuất trên 143 nghìn hecta. Song lực lượng kiểm lâm quá mỏng, bình quân mỗi cán bộ kiểm lâm quản lý hơn 1.000ha, nên công tác tuần tra, phát hiện và ứng phó PCCC rừng nhiều lúc chưa kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức PCCC rừng của một bộ phận chủ rừng chưa cao, tình trạng người dân phá rừng đốt than vẫn chưa được kiểm soát triệt để, nhiều chủ rừng bất hợp tác trong việc xây dựng đường băng cản lửa, hoặc sử dụng lửa bất cẩn trong quá trình đốt thực bì... là nguyên nhân chính gây ra những vụ cháy rừng trong thời gian qua. Năm 2018, toàn tỉnh đã xảy ra 24 vụ xâm hại rừng và 3 vụ cháy rừng, gây thiệt hại gần 13ha rừng, chủ yếu là rừng sản xuất. So với năm 2017, số vụ cháy rừng tăng 1 vụ, diện tích thiệt hại tăng gần 3,4ha.
Ngoài ra, hệ thống “đường băng trắng” ở nhiều cánh rừng cũng mất dần tác dụng, do không được duy tu. Cơ sở vật chất phục vụ công tác PCCC rừng còn thô sơ và thiếu thốn. “Nhiều vụ cháy rừng huy động cả nghìn người tham gia, nhưng hiệu quả chữa cháy thấp. Phần vì thiết bị sơ sài, phần do không được trang bị về kỹ năng, kỹ thuật chữa cháy rừng, lại thiếu sự phối hợp, nên lúng túng, mạnh ai nấy làm”, ông Đại cho biết.
Mùa khô 2018 – 2019, được dự báo là nắng nóng gay gắt kéo dài, chính vì vậy, Chi cục Kiểm lâm đã chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí lực lượng trực và tuần tra 24/24 giờ ở các khu vực trọng điểm; sẵn sàng phương tiện, dụng cụ để tham gia ứng cứu khi xảy ra sự cố cháy rừng. Đồng thời, rà soát phương án PCCC rừng theo phương châm “4 tại chỗ”, để kịp thời khống chế nhanh nhất, giảm thiểu thiệt hại... Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả công tác PCCC rừng, về lâu dài, cần đầu tư phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng cho lực lượng chuyên trách về PCCC rừng; chú trọng công tác tổ chức diễn tập, tập huấn, huấn luyện kỹ thuật PCCC rừng và bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cháy rừng cho lực lượng chuyên môn và chủ rừng.

Bài, ảnh: Thanh Phong – Báo điện tử Quảng Ngãi