Các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu triển khai thực hiện các giải
pháp tích cực để bảo vệ, phục hồi và phát triển rừng Tây Nguyên nhằm phấn đấu
đến năm 2020 có 2,71 triệu ha rừng, tăng trên 143.000 ha và nâng độ che phủ
rừng lên 49,8%, tăng 4% so với hiện nay.
Lâm tặc công khai bốc xếp, vận chuyển gỗ lậu
trên địa bàn xã Đăk Nhoong huyện Đăk Glei, Kon Tum ngày 20/6. Ảnh: Cao
Nguyên/TTXVN
Giảm diện tích, chất lượng rừng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn tài nguyên rừng
Tây Nguyên đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng, đa
dạng sinh học rừng cũng bị suy giảm. Tỷ lệ rừng gỗ loại giàu chỉ còn 10,4%,
loại trung bình là 22,7%, còn lại gần 67% thuộc loại rừng nghèo kiệt, các loại
gỗ quý có giá trị cao còn rất hiếm, chỉ có ở các vùng xa xôi, hiểm trở, các
loại thảo dược quý hiếm cũng bị khai thác cạn kiệt, số lượng động vật rừng giảm
mạnh…
Hiện nay, tổng diện tích rừng và đất quy hoạch cho lâm nghiệp của 5 tỉnh Tây
Nguyên chỉ còn hơn 3,354 triệu ha, trong đó, diện tích có rừng trên 2,567 triệu
ha, với độ che phủ rừng chỉ còn đạt 45,8%. Chỉ riêng từ năm 2010 đến năm 2014,
các tỉnh Tây Nguyên đã giảm 307.000 ha rừng và độ che phủ cũng giảm nhanh từ
51,9% xuống còn 45,8%...
Khai thác, chặt phá rừng trái phép vẫn tiếp diễn trong nhiều năm và có xu hướng
ngày càng phức tạp hơn, cháy rừng, đốt rừng do các hoạt động cá nhân thường
xuyên xảy ra.
Cũng theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc mất rừng
còn do chuyển đổi đất rừng sang đất sản xuất, chuyển đổi rừng nghèo sang trồng
cao su với hơn 72.000 ha, chuyển hơn 8.000 ha đất rừng để xây dựng khoảng 50
công trình thủy điện, đồng thời, làm cho hàng nghìn ha rừng bị ngập trong lòng
hồ, hàng chục nghìn ha rừng bị triệt phá….
Trong khi đó, công tác quản lý, khôi phục rừng cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể,
55 công ty lâm nghiệp chuyển đổi từ đơn vị sự nghiệp nhưng với nguồn nhân lực
mỏng, năng lực và trách nhiệm có hạn, cơ chế quản lý bất cập…dẫn đến kinh doanh
kém hiệu quả, buông lỏng quản lý rừng để cho “lâm tặc” phá rừng.
Bên cạnh đó, ở các tỉnh Tây Nguyên hình thành hàng loạt cơ sở chế biến gỗ không
theo quy hoạch (hiện có 2.062 cơ sở), không gắn với vùng nguyên liệu dẫn đến
tình trạng tiêu thụ gỗ bất hợp pháp, làm gia tăng tình trạng khai thác gỗ trái
phép, thậm chí, tạo thành đường dây khai thác, tiêu thụ gỗ trái phép có hệ
thống.
Để rừng phát triển bền vững
Trong hội nghị bàn về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên
nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 – 2020 được tổ chức mới đây,
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên,
không chuyển trên 2,253 triệu ha rừng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả
các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng các loại cây công nghiệp.
Bên cạnh việc tiến hành sắp xếp lại các nông, lâm trường để đảm bảo rừng, đất
rừng có chủ, Thủ tướng cũng ra lệnh ngừng cấp phép các công trình thủy điện
liên quan đến chính sách rừng, đất rừng, dừng hoạt động đối với các chủ dự án
không chấp hành việc trồng rừng thay thế hoặc không chi trả chi phí bồi thường
đất rừng, rừng…
Thực hiện nghiêm chỉ đạo trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sớm
phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên hoàn thành việc rà soát, lập quy hoạch bảo vệ,
khôi phục và phát triển rừng khu vực Tây Nguyên vào năm 2017. Thực hiện điều
chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng
phòng hộ, rừng tự nhiên là rừng sản xuất, xem xét chuyển diện tích đất chưa có
rừng quy hoạch phát triển rừng phòng hộ ở những khu vực thực sự không xung yếu
hiện có sang rừng sản xuất để có quỹ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số tại
chỗ gắn với trách nhiệm khôi phục, phát triển rừng của chính quyền cơ sở.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng rà soát, đánh giá cụ thể bố trí cây trồng nông nghiệp
(bao gồm cả cây trồng nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp), đề xuất cơ cấu
cây trồng hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Chủ tịch
UBND các tỉnh Tây Nguyên chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt các biện pháp
quản lý bảo vệ rừng, xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương.
Cụ thể, giao trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng đến Chủ tịch UBND cấp huyện,
cấp xã và chủ rừng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn tình trạng phá rừng lấy gỗ,
lâm sản và đất sản xuất trái pháp luật, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp
luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ.
Tại Đắk Lắk, UBND tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp tích cực để thu hồi gần
51.000 ha đất rừng bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng. Hiện nay, các tỉnh
Tây Nguyên cũng kiên quyết xử lý nghiêm, đúng pháp luật đối với các tổ chức, cá
nhân lợi dụng chủ trương cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt để trục lợi, đồng
thời, giám sát, giải quyết kịp tời tình trạng di dân đến ngoài kế hoạch ngay
trước khi người dân phá rừng lấy đất sản xuất…
Từ nay đến năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên phấn đấu trồng mới 58.350 ha rừng tập
trung, bình quân mỗi năm trồng 11.600 ha, trồng 15.751 ha rừng thay thế diện
tích đất lâm nghiệp có rừng chuyển sang mục khác...
Các tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn nghiên cứu, ban hành một số cơ chế, chính sách về tài chính, chi phí, cơ
chế hưởng lợi trong giao khoán quản lý bảo vệ rừng hợp lý, thực sự bảo đảm ổn
định sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, doanh nghiệp, tạo động lực
cho đồng bào gắn bó với rừng; nghiên cứu sửa đổi các quy định về quyền hạn, chế
độ chính sách đối với các lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng , thống nhất
mô hình lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Nâng mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng từ 15
triệu đồng /ha/năm tăng lên 35- 50 triệu đồng /ha tuỳ với từng địa bàn từng đối
tượng rừng…
Nguồn: Quang Huy (TTXVN) – Báo Tin tức
Web: http://baotintuc.vn/