Phục hồi rừng bằng nông - lâm kết hợp

10/01/2019

Một trong những nguyên nhân quan trọng gây mất rừng và suy thoái rừng là tình trạng người dân xâm canh đất rừng để sản xuất cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cây cà phê. Ðể khôi phục lại môi trường rừng bị mất, bị suy thoái, giải pháp khả thi là thông qua chia sẻ lợi ích sinh kế cho người dân.


Cây muồng đã trồng xen với cây cà phê ở huyện Di Linh

Theo kết quả rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng toàn tỉnh Lâm Đồng được UBND tỉnh phê duyệt, đến tháng 10/2018, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất bị xâm canh để sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp trên địa bàn tỉnh vào khoảng 52.060 ha. Đã đến lúc khẩn trương có giải pháp khôi phục rừng; và cũng phù hợp với định hướng của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 191 ngày 22/7/2016. Tinh thần này cũng nằm trong khuôn khổ Hành động REDD+ mà tỉnh Lâm Đồng đã ban hành từ ngày 21/1/2015... Giám đốc Ban quản lý (BQL) Chương trình UN-REDD Lâm Đồng Lê Quang Nghiệp cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, một số địa phương và đơn vị chủ rừng, người dân đã có những mô hình thực tế triển khai hoạt động trồng xen cây lâm nghiệp vào diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp. Các hoạt động mô hình triển khai thông qua nghị quyết của địa phương cấp huyện, sự hỗ trợ của các chương trình dự án trong nước và quốc tế; trong đó có hoạt động hỗ trợ của Chương trình UN-REDD giai đoạn II, các chính sách hỗ trợ lâm nghiệp và người dân tự phát trồng”. Trong khuôn khổ hợp tác hỗ trợ tài chính, kỹ thuật cho tỉnh Lâm Đồng thực hiện Kế hoạch hành động REDD+, Chương trình UN-REDD đã hỗ trợ tỉnh xây dựng Đề án “Phục hồi rừng trên đất lâm nghiệp đang sản xuất cây nông nghiệp, cây công nghiệp bằng giải pháp lâm nông kết hợp, giai đoạn 2018 - 2020”.

Ngoài những yếu tố thuận lợi nêu trên, Đề án là sự cần thiết để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu. Phạm vi thực hiện thuộc lâm phần quản lý của chủ rừng nhà nước trên địa bàn 12 huyện, thành phố; đất lâm nghiệp quy hoạch thuộc đất rừng phòng hộ và đất rừng sản xuất tại Quyết định 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Cùng đó, thuộc đối tượng đất người dân đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp đã lâu năm (kết quả rà soát theo Thông báo số 125/TB-UBND ngày 16/05/2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Với phạm vi trên, đối tượng tham gia Đề án bao gồm các đơn vị chủ rừng nhà nước, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân và cơ quan đơn vị liên quan.

Thời gian thực hiện thí điểm trong 2 năm 2019 và 2020, Đề án nhằm tới các mục tiêu cụ thể như: Trồng xen cây mật độ thấp phù hợp với cây nông nghiệp, công nghiệp để đảm bảo thành rừng nhằm phục hồi môi trường rừng, nâng độ che phủ rừng. Kết hợp giải quyết nhu cầu đất sản xuất và phát triển sinh kế cho người dân và cộng đồng theo hướng phát triển tăng trưởng xanh; đảm bảo bền vững và hiệu quả về kinh tế - xã hội - môi trường bằng giải pháp nông lâm kết hợp. Mặt khác, xây dựng và thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách và biện pháp kỹ thuật trồng xen phục hồi rừng trên diện tích đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp, trồng cây công nghiệp tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh…

Diện tích triển khai là gần 46.192 ha, chiếm 88,76% tổng diện tích đất lâm nghiệp đang sản xuất nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó, chủ rừng nhà nước quản lý có 8 công ty lâm nghiệp với diện tích hơn 8.591 ha và 16 BQL rừng phòng hộ với diện tích hơn 37.600 ha; đất rừng phòng hộ có hơn 16.924 ha và đất rừng sản xuất hơn 29.265 ha.

Thông qua tư vấn từ Viện Sinh thái rừng và môi trường (Trường Đại học Lâm nghiệp), BQL Chương trình UN-REDD tỉnh Lâm Đồng, Sở NN&PTNT đã khảo sát, thu thập số liệu, tham vấn và làm việc với các địa phương, Đề án cũng định hướng cụ thể các nội dung khác như: chọn lựa danh mục 17 loài cây phù hợp để trồng xen; phương thức trồng, mật độ trồng và các giải pháp kỹ thuật; cơ chế chính sách; lộ trình thực hiện (dự kiến thực hiện 5.510 ha và năm 2020 thực hiện 750 ha);…Cùng đó là kinh phí đầu tư (người dân tự đóng góp và vay vốn từ các chính sách 55,1 tỷ đồng (năm 2019) và 7,5 tỷ đồng (năm 2020).

Dĩ nhiên, để thực hiện thực sự có hiệu quả như mong đợi không phải đơn giản. Nhưng nói như ông Lê Quang Nghiệp: “Khó nhưng không vì thế mà không triển khai. Có triển khai mới đúc kết được những bài học kinh nghiệm, cái gì cần bổ sung, chỉnh sửa; cái gì cần phát huy, để sau đó triển khai trên diện rộng thì rừng mới khôi phục lại được”. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2019 này, các bên liên quan như: đơn vị tư vấn, các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chủ rừng, UBND huyện, thành phố và các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân… đồng thuận vào cuộc. Cùng đó là triển khai đồng bộ những giải pháp như thông tin, tuyên truyền, vận động; quản lý sử dụng giống và mở rộng cơ cấu loài cây trồng xen; thực hiện khuyến nông và tăng cường năng lực các bên tham gia; các giải pháp về hỗ trợ kinh phí, thị trường…

“Chấp nhận nông nghiệp trú ẩn dưới lâm nghiệp, không được trên lâm nghiệp, đó là hai mục tiêu môi trường rừng và sinh kế của người dân” được tiến sĩ Lã Nguyên Khang đến từ đơn vị tư vấn của Đề án nhận định. Bà Hoàng Công Hoài Nam - Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng qua mô hình trồng thí điểm 10 ha cây muồng dưới tán rừng ở huyện Đức Trọng cũng rất tán đồng chủ trương cần đầu tư kinh phí để triển khai trồng xen. Mặc dù vẫn biết rằng, còn nhiều khó khăn, trở ngại được nhiều đơn vị chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước ở Lâm Đồng nêu ra nhưng tiếp tục tháo gỡ để đạt được mức độ khả thi cao nhất. Đó là các BQL rừng phòng hộ Sêrêpôk, Hòa Nam, Di Linh, Phòng NN&PTNT huyện Đức Trọng… nêu về danh mục giống liệu đã phù hợp với nhu cầu của người dân chưa và có kịp tiến độ không; các chế tài xử lý đối với quá trình vi phạm hợp đồng..

Nguồn: Minh Đạo – Báo điện tử Lâm Đồng