Phục hồi cảnh quan rừng lưu vực sông Sêrêpôk gắn với đảm bảo sinh kế người dân

01/11/2019

Ngày 31-10, tại huyện Krông Bông, Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (Tropenbos Việt Nam) và UBND huyện Krông Bông đã tổ chức Hội thảo "Phục hồi cảnh quan rừng ở lưu vực sông Sêrêpôk: Từ nghiên cứu đến thực hành".

Trong 2 năm 2017, 2018, Tropenbos Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thực hiện 3 nghiên cứu về phục hồi cảnh quan rừng lưu vực sông Sêrêpôk, tập trung ở 2 huyện Lắk và Krông Bông.



Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Đinh Văn Long phát biểu khai mạc hội thảo

Các nghiên cứu cho thấy, chỉ trong vòng 20 năm (1999 – 2019) huyện Lắk và Krông Bông mất khoảng 36.650 ha rừng tự nhiên, bình quân mất 1.357 ha rừng tự nhiên/năm. Việc tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các chủ thể trong vùng xảy ra ở cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất. Nguyên nhân chủ yếu là do lấn chiếm rừng lấy đất sản xuất, di dân ngoài kế hoạch và bất cập trong khâu quản lý.

Quý III năm 2019, Tropenbos Việt Nam đã phối hợp với UBND huyện Krông Bông và Vườn Quốc gia Chư Yang Sin xây dựng mô hình phục hồi rừng theo hình thức hỗ trợ 100% cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để người dân thực hiện trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp tại các xã : Hòa Lễ, Hòa Phong, Khuê Ngọc Điền. Mô hình triển khai tại 42 hộ dân, trên diện tích trên 90 ha đất lâm nghiệp hiện đang sản xuất nông nghiệp. Các hộ dân đã trồng gần 40.000 cây bản địa có giá trị, gồm: cẩm lai, trắc, giáng hương, cà te, sao đen, gáo vàng và sưa đỏ.



Hộ dân tham gia mô hình phục hồi cảnh quan rừng tham gia ý kiến tại hội thảo

Tại hội thảo, các hộ dân tham gia mô hình phục hồi rừng đã bày tỏ sự phấn khởi khi thấy cây rừng giống bước đầu thích nghi và sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao; mong muốn tiếp tục được hỗ trợ nhân rộng diện tích mô hình trồng rừng kết hợp với các loại cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn trái để tăng độ che phủ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân.

Các đại biểu cũng thảo luận những giải pháp phục hồi cảnh quan rừng ở vùng lưu vực sông Sêrêpôk như: lựa chọn giống cây trồng phù hợp với hình thức phát triển nông lâm kết hợp; quy hoạch cảnh quan khi phục hồi rừng; thực hiện đầy đủ chính sách hỗ trợ phát triển cộng đồng; xây dựng cơ chế nhằm bảo vệ và phát triển bền vững rừng gắn với cải thiện sinh kế cho người dân…

Nguồn: Đinh Nga - Báo Đăk Lăk điện tử

Web: http://www.baodaklak.vn