Phú Yên: Khu rừng phòng hộ Hòn Cô tiếp tục bị tàn phá

26/06/2017

Khu rừng phòng hộ Hòn Cô, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên trước đây cây đan dày đến nỗi hiếm khi thấy mặt trời, giờ thì những khoảng trống lan rộng.

Một năm sau quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối từng diễn ra từ những năm trước đến năm nay vẫn còn dai dẳng đó là nạn khai thác gỗ lậu, là những đường dây gỗ lậu với những biến tướng phức tạp, đi ngược với chủ trương đóng cửa rừng.

Trong những ngày qua, phóng viên VTV đã có mặt ở rừng Hòn Cô, xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên - khu rừng phòng hộ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng không chỉ đối với thủy điện La Hiêng mà cả một vùng hạ du rộng lớn bên sông Kỳ Lộ.

Phóng viên mất một buổi đi bộ mới đến được giữa rừng, với sự trợ giúp của người dân địa phương, những người rất bức xúc về những gì đang xảy ra ở khu rừng này nhưng lại không dám lên tiếng vì lẽ đang có một luật rừng khá ghê gớm bên trong rừng này.

Khu rừng trước đây cây đan dày đến nỗi hiếm khi thấy mặt trời, giờ thì những khoảng trống lan rộng. Những cây rừng 2-3 người ôm mới vòng hết gốc cây, đã bị cưa hạ. Vết cắt cũ có. Vết cắt mới cũng có, thậm chí có những vết cưa chỉ cách đây 3 - 4 ngày.

Theo những người dân trong vùng, xe đặc chủng chở gỗ của lâm tặc vào tận trong. Đường kéo dài đến đâu, những cây gỗ quý đều bị cưa hạ. Một cây rừng ngã xuống, mất trắng cả một khoảnh rừng.

Huyện Đồng Xuân đứng đầu tỉnh Phú Yên về diện tích rừng tự nhiên với 34.000 ha. Hòn Cô là rừng phòng hộ quan trọng nhất, được giao cho xã Phú Mỡ quản lý.

Sau những đợt tăng cường kiểm tra của ngành chức năng, đường dây gỗ lậu ở Hòn Cô biến tướng tinh vi hơn. Những vựa gỗ ẩn mình, nhưng lại mạnh tay vung tiền thuê người dân các nơi về đây cưa gỗ, chở gỗ về điểm tập kết. Đường dây gỗ lậu càng trở nên khó kiểm soát bởi tham gia đường dây gỗ lậu có cả những người trong vùng. Những người khác nhìn thấy rừng chảy máu, bức xúc nhưng không dám lên tiếng. Rừng phòng hộ bị khoét rỗng, bị phá nát. Chỉ mới đầu mùa khô, sông suối qua rừng đã khô cạn.

Nguồn: Báo điện tử VTV

Đọc bản đầy đủ bấm link dưới đây