Phú Yên: Cần xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng

26/07/2016

Rừng tại tiểu khu 90 thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) bị tàn phá - Ảnh: ANH NGỌC

Thời gian qua, tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều vụ phá rừng có tính chất và mức độ thiệt hại rất nghiêm trọng. Mới đây, tại Kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa VII, nhiều cử tri và đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị ngành NN-PTNT tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Điển hình, tại xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa), từ đầu năm 2016 đến nay đã phát hiện 18 vụ phá rừng với diện tích hơn 9,8ha, tập trung tại các khu vực Vực Véo, Thác Gà, Suối Phèn, Mũi Thuyền thuộc các tiểu khu 356, 357, 358 và V9.2. Còn tại các tiểu khu 83 và 90 thuộc xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) đã xảy ra vụ phá rừng rất nghiêm trọng, gây thiệt hại gần 110ha, trong đó có 33ha đất có rừng (chức năng phòng hộ 25ha, chức năng sản xuất 8ha) và gần 77ha đất trống có cây gỗ tái sinh. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố vụ án vào ngày 29/5 và đang điều tra xử lý theo quy định.

Theo Sở NN-PTNT, một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép là do đời sống của người dân sống gần rừng còn khó khăn, thiếu đất sản xuất nên bị một số đối tựng thuê mướn, xúi giục tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Thời gian qua, công tác giao đất cho dân để phát triển lâm nghiệp còn nhiều bất cập, diện tích giao chưa phù hợp và đúng với thực địa, chưa hướng dẫn người dân thực hiện nên khi phát dọn thực bì dẫn đến nhiều sai phạm. Trong khi đó, chế tài áp dụng xử lý các đối tượng vi phạm chưa kịp thời nghiêm minh, nhất là những người tham gia phá rừng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện để thi hành quyết định, không có tài sản để cưỡng chế. Thêm vào đó, đến nay hầu như các địa phương chưa thống nhất quan điểm xử lý cưỡng chế việc phá hủy cây trồng trên đất phá rừng trái phép. Ngoài ra, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước về rừng, nhất là trên diện tích đã được UBND tỉnh thu hồi đất của các ban quản lý rừng phòng hộ giao trả lại cho các xã quản lý, lập thủ tục giao cho dân.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, ngành Nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn quản lý bằng các hình thức phù hợp, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng, các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và tổ chức điều tra xác định đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định. Sở NN-PTNT đã phân công và chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn làm tốt chức trách nhiệm vụ, tích cực tham mưu cho UBND các xã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng theo Quyết định 07 ngày 8/2/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng, đồng thời quản lý chặt chẽ hoạt động, nguồn lâm sản nhập xuất của các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, các trại, cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn. Ông Nguyễn Trọng Tùng cho biết: “Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh ban hành chỉ thị chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ cũng như của UBND tỉnh về tăng cường các biện pháp cấp bách ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sử dụng đất rừng trái pháp luật… Sở NN-PTNT tiếp tục phối hợp cơ quan công an, các ngành chức năng và chính quyền địa phương điều tra xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm và đối tượng tham gia phá rừng để tham mưu cho UBND tỉnh có hướng chỉ đạo cụ thể, đồng thời điều tra làm rõ đối tượng chủ mưu, cầm đầu tham gia phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ trái phép để xử lý nghiêm theo quy định”.

Nguồn: Anh Ngọc - Báo Phú Yên online

Web: http://www.baophuyen.com.vn/