Phú Yên: “Báo động” nạn phá rừng để... trồng rừng

27/11/2015

Kỳ 1: Những điều mắt thấy, tai nghe

Rừng tự nhiên bị phá để trồng rừng, lấy đất sản xuất đang diễn ra tại nhiều địa phương trong tỉnh với quy mô lớn. Mặc dù ngành chức năng, nhất là lực lượng kiểm lâm và công an đã tích cực vào cuộc ngăn chặn, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp.


DIỄN BIẾN PHỨC TẠP

Mới đây, tại huyện Sông Hinh, Hạt Kiểm lâm huyện phát hiện một vụ khai thác gỗ trái phép với khối lượng lớn tại bốn tiểu khu thuộc địa bàn hai xã Ea Bar và Ea Trol. Trong đó, hai tiểu khu 299 và 305, phát hiện 22 lóng gỗ tròn với khối lượng hơn 34m3 và 106 khúc gỗ hộp khối lượng gần 15m3; tiểu khu 306 và 307 phát hiện 13 cây gỗ chò bị chặt hạ trái phép, đường kính mỗi cây từ 30 đến 95cm. Đối tượng khai thác dùng cưa lốc cắt gỗ, xẻ hộp, sau đó dùng trâu vận chuyển ra khỏi rừng để tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Sông Hinh, cho biết, vụ việc đang được các ngành chức năng trưng cầu giám định thiệt hại về rừng để xử lý.

Tại huyện miền núi Đồng Xuân cũng vừa xảy ra vụ phá rừng thuộc địa bàn hai xã Xuân Quang 1 và Xuân Quang 2 với diện tích bị phát, đốt hơn 7,7ha. Đối tượng là người dân địa phương chiếm dụng, phát đốt thực bì trên đất lâm nghiệp trái phép. Trong quá trình điều tra mở rộng vụ việc, ngành chức năng của huyện Đồng Xuân tiếp tục phát hiện vụ phát gần 5ha rừng tại tiểu khu 121, xã Xuân Quang 2. Rừng ở tiểu khu này chủ yếu là cây gỗ lâu năm, có đường kính từ 9 đến 46cm, gồm các loài cây cồng, cầy, thành ngạnh, sổ, cốc đá, giẻ… với mật độ từ 200 đến 300 cây/ha. Qua đấu tranh khai thác, ông M.L ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, thừa nhận hành vi phá rừng trái phép của mình. “Đây là vụ phá rừng có tính chất đặc biệt lớn, nhiều người tham gia, tình tiết phức tạp. Đơn vị đã chuyển hồ sơ vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đồng Xuân để xử lý hình sự”, ông Vũ Công Tâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, nói.

Trong khi đó, tại huyện miền núi Sơn Hòa cũng xảy ra vụ phá khoảng 23ha rừng ở khu vực Hòn Đát thuộc địa bàn xã Sơn Nguyên. Theo chi cục kiểm lâm, qua điều tra sơ bộ cho thấy, đây là diện tích rừng được giao khoán cho ba hộ dân bảo vệ. Tuy nhiên, khi đoàn kiểm tra liên ngành hỏi ai chặt phá thì các hộ này đều phủ nhận và không biết ai phá. Ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết, vụ việc trên đã được Công an huyện Sơn Hòa điều tra làm rõ. “Việc giao khoán rừng cho người dân bảo vệ là chủ trương đúng. Nhưng trên thực tế, nhiều người đã lợi dụng, lén lút phát dọn để trồng rừng kinh tế, làm đất canh tác, gây xâm hại rừng tự nhiên”, ông Nguyên chia sẻ.

Không chỉ tại các huyện miền núi, thời gian gần đây, tại huyện Tây Hòa cũng liên tiếp xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa còn nhiều bất cập. Rừng tại xã này đã và đang bị chặt phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép diễn ra trong thời gian dài với diện tích lớn, nhất là đối với diện tích xã nhận chuyển giao từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bàn Thạch. Diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trong khoảng 5 năm trở lại đây ở các khu vực Dốc Lô, Mũi Thuyền, Thả Gà, Suối Tre, xã Sơn Thành Tây lên đến 163ha; trong đó riêng năm 2015, diện tích rừng bị phá gần 40ha.

RỪNG PHÒNG HỘ CŨNG KHÔNG THA

Nhiều ngày qua, người dân huyện Sông Hinh bức xúc trước việc những cánh rừng tự nhiên đầu nguồn gần khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Hinh bị đốn hạ, đốt cháy hàng loạt một cách công khai. Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh (Sở NN-PTNT), cho biết, đây là những diện tích phục vụ trồng rừng thay thế phần rừng tự nhiên bị mất khi thi công dự án Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ. Tuy nhiên, ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, lại cho rằng, nên giữ lại khu rừng này, vì nó đang trong thời kỳ tái sinh, khả năng phòng hộ, môi sinh tốt hơn rừng keo trồng mới.

Để tìm hiểu thực hư vụ việc, nhóm phóng viên có chuyến mục sở thị, vượt hơn 10km đường đèo dốc hiểm trở, băng qua những khu rừng có độ che phủ tương đối lớn, thỉnh thoảng bắt gặp các biển báo “Cấm chặt phá rừng, lấn chiếm đất. Cấm khai thác lâm sản trái phép” được đóng rất chắc chắn trên thân cây. Những khu rừng này có nhiều loại cây gỗ đường kính từ 15 đến 40cm, thảm thực vật dày và khá phong phú. Điều đáng nói là nhiều tháng qua, khu rừng này liên tục bị xâm hại, phát đốt để trồng keo.

Tại tiểu khu 310 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý, trước đây, khu rừng này bạt ngàn những cây gỗ lớn đường kính từ 20 đến hơn 40cm, rộng hàng trăm héc ta, nhưng giờ đây chỉ còn lại những cành cây cháy xém, nằm trơ trọi trên đống tro tàn với diện tích khoảng 10ha. Ông Võ Đông Sang, người dân ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông, huyện Sông Hinh, bức xúc: “Họ phát, đốt rừng cháy hết gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến việc giữ nước lòng hồ Thủy điện Sông Hinh và phòng hộ đầu nguồn”. Kề bên, hàng chục héc ta rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 311 cũng chịu chung số phận. Ông Nguyễn Đình Phú ở thôn Hòa Phú, huyện Tây Hòa, cho biết: “Đây là rừng đầu nguồn sông Thạch Thảo. Trước đây, khu rừng này nhiều cây gỗ lớn, nay rừng bị phát, đốt. Những cây gỗ lớn, người ta cắt đem đi tiêu thụ. Sau này có trồng lại rừng keo hoặc những cây gỗ lớn lâu năm cũng không bao giờ bằng rừng tự nhiên. Những khu rừng phòng hộ gần lòng hồ thủy điện Sông Hinh này vẫn còn gắn biển cấm người dân xâm hại, nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh lại thuê người phát, đốt để trồng cây keo. Người dân chúng tôi chỉ cần phá vài trăm mét vuông là đã bị ra tòa, còn đây mấy ổng (Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh-PV) cho phát cả hàng chục héc ta. Tôi đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, xử lý”.

Rời tiểu khu 310 và 311, theo lối mòn, chúng tôi tiếp tục đi sâu khoảng 5km vào bên trong khu rừng cũng thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Hinh quản lý. Tại hiện trường, gần 10 người đang dùng cưa lốc, rìu, rựa vô tư cắt hạ không thương tiếc những cây gỗ có đường kính từ 15 đến hơn 20cm. Là một trong nhóm người được thuê phát khu rừng này, ông Y Lỳ ở thôn Tân Lập, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, phân bua: “Người ta gọi chúng tôi vô làm thuê, trả công 160.000 đồng/ngày, chứ bình thường không ai dám phá rừng”.

Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phát hiện 419 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Đáng chú ý là số vụ phá rừng làm rẫy tuy có giảm (19 vụ, giảm 9 vụ) nhưng diện tích rừng bị phá hơn 150ha, tăng 134ha so với năm 2014.

Ông Phan Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh


Nguồn: Phương Nam - Báo Phú Yên Online

Web: http://www.baophuyen.com.vn/