Khai thác rừng trồng ở huyện Sông Hinh - Ảnh:
ANH NGỌC
UBND tỉnh vừa tổ chức hội thảo khoa học công
nghệ góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lâm nghiệp, nhằm tái cơ cấu và phát
triển ngành Lâm nghiệp Phú Yên theo hướng bền vững. Tại hội thảo này, các đơn
vị quản lý, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp đã phân tích,
đánh giá và đưa ra những kinh nghiệm trong quản lý rừng bền vững…
Năng suất, chất lượng trung bình
Ông Cao Chí Công, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục
Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), cho hay: Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao việc phát
triển trồng rừng ở Phú Yên thời gian qua và đến nay, tỉ lệ độ che phủ rừng đã
đạt 43,43%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Phú Yên
có diện tích đất được quy hoạch nhưng chưa có rừng là tương đối lớn, với hơn
70.250ha và sản phẩm đồ mộc tham gia xuất khẩu chưa nhiều. Để ngành Lâm nghiệp
phát triển theo hướng bền vững, Phú Yên cần thu hút các nhà đầu tư xây dựng các
cơ sở chế biến gỗ chuyên sâu, tham gia phát triển rừng trồng theo hướng bền
vững. Tỉnh Phú Yên cần nghiên cứu phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, phát triển
trồng rừng cây gỗ lớn và xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi
giá trị gia tăng.
Theo Sở NN-PTNT, diện tích đất quy hoạch cho
lâm nghiệp ở Phú Yên hơn 276.000ha, chiếm khoảng 54,95% tổng diện tích tự nhiên
toàn tỉnh; diện tích rừng trồng trên địa bàn tỉnh khoảng 90.200ha, trong đó
rừng đặc dụng hơn 1.435ha, rừng phòng hộ khoảng 8.265ha, rừng sản xuất hơn
59.455ha, ngoài quy hoạch lâm nghiệp khoảng 21.050ha, tỉ lệ che phủ rừng đạt
43,43%.
Trong những năm qua, tỉnh luôn tạo điều kiện
thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, nhằm thúc
đẩy liên kết, đầu tư trồng rừng sản xuất và thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.
Các chủ rừng đã áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn giống có
chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng.
Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước,
năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên vẫn còn ở mức trung bình, khoảng
80-120m3/ha (trong 7-8 năm). Hiện ngành Công nghiệp chế biến lâm sản trên địa
bàn tỉnh phát triển còn chậm, sản phẩm chủ yếu là nguyên liệu thô, thị trường
tiêu thụ không ổn định. Một số chủ rừng, đặc biệt là các ban quản lý rừng phòng
hộ, rừng đặc dụng chưa được đầu tư đầy đủ về trang thiết bị nên hiệu quả quản
lý chưa cao, vẫn còn tình trạng phá rừng trái phép.
Trong khi đó, tình trạng sử dụng đất lâm
nghiệp không đúng mục đích xảy ra ở nhiều địa phương nhưng chưa có giải pháp
thu hồi hoặc tuyên truyền để người dân trồng lại rừng…
Ông Dương Tử Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty
TNHH MTV Bảo Châu Phú Yên, cho biết: Đến nay, diện tích vùng nguyên liệu gỗ
được chứng nhận FSC của công ty khoảng 4.000ha trên tổng số vùng nguyên liệu
khoảng 9.000ha. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong khâu tuyển
chọn giống cây trồng mà trữ lượng bình quân rừng trồng đạt từ 80-100m3/ha, đáp
ứng nhu cầu sản xuất, chế biến của công ty khoảng 60%.
Sản phẩm gỗ chế biến của công ty được xuất
khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước EU với
khối lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn nguyên liệu, thu về hàng chục triệu USD.
Hiện công ty đang xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp nhằm thực
hiện quản lý rừng bền vững, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, chế biến,
nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.
TS Nguyễn Đức Kiên, Viện trưởng Viện Nghiên
cứu giống và công nghệ sinh học lâm nghiệp (Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam),
cho biết: Để cải thiện năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng thì khâu giống cũng
rất quan trọng, chiếm khoảng 60% thành công và 40% còn lại là khâu kỹ thuật lâm
sinh.
Thời gian qua, Viện Nghiên cứu giống và công
nghệ sinh học lâm nghiệp không ngừng nghiên cứu cải thiện giống nhằm tăng năng
suất, chất lượng một số loài cây chủ lực phục vụ trồng rừng. Viện cũng đã
chuyển giao giống và công nghệ nhân giống cho các cơ sở, vườn ươm và từng bước
nhân giống thành công. Viện sẵn sàng phối hợp với các địa phương và đơn vị
trồng rừng triển khai xây dựng các mô hình trình diễn giống cây mới, từ đó chọn
ra các giống thực sự phù hợp cho từng địa phương để phát triển sản xuất.
Phú Yên đang tập trung đầu tư các vườn ươm cây
giống lâm nghiệp đạt chất lượng để phục vụ trồng rừng - Ảnh: ANH NGỌC
Bảo tồn gắn với phát triển
Theo ông Nguyễn Lý Nguyên, Phó Giám đốc Sở
NN-PTNT, để phát triển ngành Lâm nghiệp, sở tham mưu UBND tỉnh quy hoạch phát
triển trồng rừng gỗ lớn, đến năm 2020 hình thành và phát triển vùng trồng rừng
kinh doanh gỗ lớn đáp ứng nhu cầu chế biến và quy hoạch trồng cây lâm sản ngoài
gỗ dưới tán rừng, rừng tự nhiên. Đồng thời đưa năng suất bình quân rừng trồng
kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt khoảng 20m3/năm, bảo tồn gắn
với phát triển những loài lâm sản có giá trị kinh tế cao.
Ngành Nông nghiệp tiếp tục hướng dẫn các chủ
rừng xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, thúc đẩy các đơn vị trồng rừng lập
thủ tục cấp chứng chỉ FSC quốc tế và xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong
lâm nghiệp. Đồng thời đề nghị các địa phương đẩy nhanh công tác giao đất lâm
nghiệp, giao rừng cho người dân tham gia quản lý và rà soát lại toàn bộ diện
tích đất nương rẫy thuộc quy hoạch lâm nghiệp để xây dựng dự án hỗ trợ giống
cây thúc đẩy trồng rừng sản xuất. Tỉnh cũng kiến nghị Hiệp hội Gỗ và lâm sản
Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc tiếp cận
thị trường, liên kết chuỗi trong sản xuất và chế biến gỗ…
Theo Viện TN-MT, Đại học Huế, phát triển nguồn
nguyên liệu gỗ phù hợp với thị trường xuất khẩu và tiêu dùng nội địa là chiến
lược phát triển kinh tế - xã hội ổn định của từng địa phương. TS Hồ Đắc Thái
Hoàng, Viện trưởng Viện TN-MT, Đại học Huế, cho biết: Nhiều mô hình trồng rừng
gỗ lớn đã triển khai ở miền Trung bước đầu thành công, trong đó có Phú Yên.
Để phát triển rừng trồng cây gỗ lớn, đơn vị
sẵn sàng phối hợp với các địa phương để phổ biến kỹ thuật và mô hình trình
diễn, thực hành nuôi dưỡng rừng bằng kỹ thuật đơn giản là tỉa thưa và tỉa cành,
định hướng sản phẩm gỗ xẻ cho rừng trồng. Các địa phương cần chú ý trồng các
loại cây bản địa, đây là giải pháp lâm sinh bền vững, phù hợp với điều kiện tự
nhiên ở từng địa phương, đáp ứng tiêu chí đa dạng sinh học, tạo sản phẩm mang
tính độc đáo riêng để nâng cao giá trị sản phẩm.
Việc phát triển rừng định hướng gỗ lớn không
chỉ dừng lại ở rừng sản xuất mà nên mở rộng đến diện tích rừng phòng hộ, rừng
đặc dụng nhằm nâng cao hiệu quả, tạo sản phẩm gỗ tiềm năng cho địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết:
Quản lý và bảo vệ rừng luôn là vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia, bởi rừng có
tác dụng to lớn đến đời sống, môi trường cũng như kinh tế - xã hội của mỗi
nước. Nhận thức được vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Lâm nghiệp tỉnh
trên quan điểm phát triển bền vững và nâng cao giá trị.
Muốn vậy, ngành Lâm nghiệp nói riêng và ngành
Nông nghiệp của tỉnh nói chung cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, ưu
tiên công nghệ cao, công nghệ sinh học, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc
cách mạng công nghệ 4.0. Sở NN-PTNT tiếp tục rà soát, phân vùng phù hợp cho
từng loại cây trồng mang lại hiệu quả cao để tỉnh có định hướng đầu tư, phát
triển cụ thể.
Phú Yên đề nghị Bộ NN-PTNT, các nhà khoa học,
các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao cho
tỉnh các giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng cao, xây dựng mô hình phát triển
lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh… Phú Yên khuyến khích các doanh
nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến, đổi mới thiết bị công nghệ, cải tiến
quy trình chế biến, áp dụng các quy trình quản lý chất lượng sản phẩm tiên
tiến, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên
thị trường…
Nguồn: Anh Ngọc – Báo Phú Yên Online
Web: http://www.baophuyen.com.vn