Do nhiều nguyên nhân khác
nhau, rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đang bị xâm hại với mức độ ngày
càng phức tạp. Cùng với chính sách đóng cửa rừng của Chính phủ, chính quyền địa
phương và các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk, trong đó có BĐBP đang nỗ lực
bảo vệ, hồi sinh rừng biên giới.
Cán bộ BĐBP và Kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn
tổ chức tuyên truyền pháp luật cho nhân dân biên giới. Ảnh: Ngọc Lân
BĐBP Đắk Lắk được giao nhiệm vụ quản lý, bảo
vệ đoạn biên giới dài hơn 73km, tiếp giáp với tỉnh Mondulkiri, Vương quốc
Campuchia. Trên tuyến biên giới gồm có 7 đồn Biên phòng được bao bọc bởi những
cánh rừng già, trong đó, có 5 đồn Biên phòng tiếp giáp với Vườn quốc gia Yok
Đôn - một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam với hệ sinh thái động,
thực vật đa dạng hàng đầu cả nước. Cùng với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền,
an ninh biên giới, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk còn phối hợp với các lực lượng đứng
chân trên địa bàn trong quản lý và bảo vệ rừng.
Thượng tá Bùi Quốc Lượng, Trưởng phòng Phòng
chống ma túy và tội phạm, BĐBP Đắk Lắk cho biết: Tình hình an ninh trật tự, an
toàn xã hội trên địa bàn các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định, tuy
nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên các hoạt động
như khai thác lâm sản, chặt phá rừng làm nương rẫy, săn bắt động vật rừng trái
phép...
Trong thời gian qua, BĐBP Đắk Lắk đã có nhiều
hoạt động bảo vệ, phục hồi rừng trên địa bàn biên giới. Để kịp thời phát hiện,
ngăn chặn các hành vi phá rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, Vườn quốc gia
Yok Đôn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã có quy chế phối hợp. Đồng thời, các đồn Biên
phòng và các trạm Kiểm lâm thuộc Vườn quốc gia Yok Đôn và Hạt Kiểm lâm 2 huyện
biên giới Buôn Đôn, Ea Súp đã ký quy chế phối hợp và xây dựng kế hoạch phối hợp
cụ thể từng tháng trong năm. Hai bên thường xuyên cử cán bộ, chiến sỹ tuần tra,
kiểm soát bảo vệ tài nguyên rừng, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phát
sinh; vận động nhân dân tham gia bảo vệ, gìn giữ, phát triển tài nguyên rừng
trên địa bàn; tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao công tác bảo vệ rừng trong
từng năm...
Trên cơ sở nội dung quy chế phối hợp, các đồn
Biên phòng cùng với các trạm Kiểm lâm địa bàn đã tiến hành hàng trăm buổi tuần
tra, bảo vệ nguồn tài nguyên rừng, kịp thời phát hiện, xử lý các vụ việc phát
sinh. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đơn vị trong BĐBP Đắk Lắk đã phối hợp xử lý
9 vụ với 11 đối tượng, tịch thu 11,8m3 gỗ và khoảng 2,3 tấn than củi. Điển
hình, ngày 14-10-2019, Tổ tuần tra của Đồn Biên phòng Ea H’leo trong quá trình
thực hiện nhiệm vụ tại bờ sông Ea H’leo (trong khu vực biên giới) đã phát hiện
25 lóng gỗ xẻ vô chủ, với khối lượng 5,832m3.
Ông Phạm Tuấn Linh, Phó Giám đốc phụ trách
Vườn quốc gia Yok Đôn cho biết, thời gian qua, các trạm Kiểm lâm, lực lượng cơ
động của Vườn quốc gia Yok Đôn đã phối hợp rất chặt chẽ, nhịp nhàng với các đồn
Biên phòng, nhất là hoạt động phối hợp tuần tra, kiểm soát; trao đổi, cung cấp
thông tin có liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, hoạt động của các đối
tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Qua đó, góp
phần làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời bảo đảm an ninh trật tự,
trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới.
Trong quá trình phối hợp, một trong những vấn
đề cũng được lực lượng Kiểm lâm và BĐBP quan tâm, đó là loại bỏ tập tục sống
bằng nghề khai thác lâm sản của đồng bào dân tộc trên địa bàn; tuyên truyền để
nhân dân hiểu được giá trị của rừng, việc khai thác gỗ trái phép là vi phạm
pháp luật. Từ đầu năm 2019 đến nay, các đồn Biên phòng đã phối hợp với lực
lượng Kiểm lâm của Vườn quốc gia Yok Đôn tổ chức tuyên truyền trên 10 đợt với
hơn 2.000 lượt người dân tham gia theo dõi.
Việc tuyên truyền, giao khoán quản lý, bảo vệ
rừng cho cộng đồng các thôn, buôn biên giới, đặc biệt là thực hiện hiệu quả
Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg, ngày 1-6-2012 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính
sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020” đã góp phần tháo gỡ
những khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Với quyết tâm và nỗ lực của lực lượng BĐBP và
lực lượng Kiểm lâm đã góp phần làm giảm thiểu và ngăn chặn kịp thời nhiều đường
dây phá rừng, số vụ vi phạm và đối tượng vi phạm giảm dần theo từng năm và đây
cũng là kinh nghiệm quý trong “cuộc chiến” giữ rừng Tây Nguyên.
Nguồn: Ngọc Lân - Báo Biên Phòng
Web: http://www.bienphong.com.vn/