Nỗ lực bảo vệ và phát triển rừng

08/04/2019

Nhờ kinh phí từ việc cung ứng dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) đã giao khoán rừng cho hàng trăm hộ đồng bào M’Nông tại huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông.


Người dân dọn dẹp tại những diện tích rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên giao bảo vệ.

Gia đình anh Y Mâm, dân tộc M’Nông, tại bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp nhận giao khoán 20ha rừng từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên. Năm 2018 vừa qua, số tiền anh được tạm ứng 2 lần là 16 triệu đồng. Dự kiến cuối tháng 3 này sẽ quyết toán, tổng số tiền anh nhận được từ việc quản lý, bảo vệ 20ha rừng khoảng 20 triệu đồng, tương đương với 1 triệu đồng/ha/năm.

Anh Y Mâm cho biết, cứ khoảng 2 ngày là anh đi rừng một lần để kiểm tra rừng, phòng người khác xâm phạm, đốn cây khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng. Vào mùa khô hiện nay, anh đi tuần nhằm chủ động phát hiện cháy rừng có thể xảy ra kịp thời xử lý.

Y Mâm chia sẻ, số tiền 20 triệu đồng mỗi năm rất ý nghĩa đối với gia đình anh. Đây là nguồn thu nhập ổn định để anh trang trải cuộc sống, phụ thêm cho các con đi học. Mỗi khi đi rừng thì Y Mâm hái thêm các loại rau rừng, măng rừng để cải thiện bữa ăn. Nhiều thì vợ anh đem đi bán để chi phí thêm tiền chợ.

Anh Y P’Rí, chủ một hộ dân nhận khoán rừng tại bon Pi Nao cho biết, ngoài việc nhận giao khoán, bảo vệ gần 25ha rừng, anh còn kiêm thêm nhiệm nhiệm vụ là tổ trưởng một tổ nhận giao khoán – bảo vệ rừng. Y P’Rí chia sẻ, mùa khô này anh bận rộn hơn mùa mưa. Hầu như ngày nào anh cũng cùng các thành viên trong tổ luân phiên tuần tra rừng. Theo Y P’Rí, Nhà nước trả tiền cho chúng tôi giữ rừng, chúng tôi phải giữ cho tốt. Đảm bảo rừng không bị chặt phá, lấn chiếm, hoặc xảy ra cháy rừng. Bởi xảy ra việc gì thì chúng tôi phải chịu trách nhiệm đầu tiên”.

Nhìn những vạt rừng xanh ngút ngàn chúng tôi không khỏi quý trọng những người M’Nông hồn hậu đang hàng ngày gắn bó với rừng. Đối với họ, giữ rừng không chỉ là một nghề để có thêm thu nhập phục vụ cuộc sống gia đình mà còn trở thành một phần không thể tách rời khi sinh sống tại vùng đất này.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Cát Tiên cho biết, tổng diện tích rừng đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng hiện nay hơn 12.500ha; trong đó, diện tích rừng giao khoán để người dân tham gia quản lý, bảo vệ gần 5.700ha, phần còn lại được quản lý, bảo vệ tập trung. Hiện nay, có 295 hộ dân nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người M’Nông.

Theo ông Nguyễn Tạo, Chủ tịch UBND xã Nhân Đạo, nhờ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng việc ngăn chặn các hành vi tàn phá rừng, khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp ngày càng hiệu quả trong các năm gần đây. Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Thêm nữa, việc giao khoán rừng cho đồng bào cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Lê Văn Quang, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Đắk Nông cho biết, trên phạm vi toàn tỉnh, việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần cải thiện đời sống của người dân sống gần rừng, giúp họ cải thiện sinh kế. Nhờ đó, ý thực bảo vệ rừng của người dân được nâng lên rõ rệt. Đây là chuyển biến rất tích cực và là một hướng đi mới, bền vững cho việc bảo vệ, phát triển rừng hiện nay.

Nguồn: Hưng Thịnh - Báo Đại Đoàn Kết

Web: http://daidoanket.vn