Lâm Đồng: “Thay da đổi thịt” nhờ mô hình nuôi hươu sao lấy nhung ở Lâm Đồng

17/09/2015

Mô hình gây và nuôi động vật hoang dã hiện đang phát triển rộng rãi trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng. Một trong những mô hình mới hiện đang được bà con nông dân, đặc biệt là các thanh niên trẻ lập nghiệp đang rất quan tâm, là mô hình nuôi hươu sao lấy nhung.

Anh Lê Xuân Sinh

Anh Sinh vui vẻ cho biết: Vốn xuất thân là một giáo viên, để hỗ trợ và phát triển kinh tế gia đình, năm 2009 anh mạnh dạn tìm hướng đi mới, sau một thời gian trăn trở tìm hướng đầu tư, anh nhận thấy mô hình nuôi hươu sao đem lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư lại không nhiều. Cuối năm 2009, anh đặt quyết tâm mua 20 con hươu sao giống với giá hơn 170 triệu đồng đưa vào nuôi và sau 4 tháng cho thu hoạch lần đầu, thấy rõ được lợi nhuận nên anh tiếp tục nhân rộng đàn hươu của gia đình lên 40 con rồi 60 con. Và bước đột phá chỉ bắt đầu khi vào năm 2012 anh chính thức mở trang trại đầu tiên ở Thị Trấn Nam Ban – huyện Lâm Hà.

Tính đến nay, anh thanh niên này đã có 18 mô hình trang trại nuôi hươu sao lấy nhung ở Lâm Hà, Đơn Dương, Đà Lạt (Trại Mát) và sắp tới là các huyện khác trong tỉnh.

Theo anh Sinh: Việc chăn nuôi hươu vừa tận dụng được nguồn thức ăn từ nông sản của gia đình vừa dễ chăm sóc, ít dịch bệnh so với các loại vật nuôi khác. Bên cạnh đó, hiện nay nhung hươu bán rất chạy trên thị trường và có giá trị kinh tế cao.

Cũng theo anh Sinh, hươu sao có sức đề kháng bệnh tương đối cao, ít khi bị bệnh lặt vặt. Nếu nuôi hươu sao, cần lưu ý nguồn nước hợp vệ sinh (như nước thủy cục hoặc nước giếng đóng có độ ph từ 6,5 đến 8,5 cũng đều sử dụng được), cho ăn cỏ tươi, lá cây và thêm một vài dạng thức ăn tinh bột để bồi bổ một cách đều đặn, đúng liều lượng thì hươu sao phát triển trọng lượng rất tốt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, chỉ cần sau hơn 1 năm nuôi, hươu đực bắt đầu ra sừng, hay còn gọi là nhung. Trọng lượng của mỗi cặp nhung hươu nặng từ 0,5 – 0,7 kg, nếu được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng có cặp nhung nặng trên 1 kg. Hiện tại, nhu cầu nhung hươu trên thị trường là rất lớn, với giá bán bình quân khoảng 22 triệu đồng/kg nhung hươu. Ngày nay, người chăn nuôi không chỉ nuôi hươu đực để lấy nhung, mà còn nuôi thêm hươu cái để sinh sản, nhân đàn. Mỗi năm, hươu sinh sản một lần, hươu cái giống chừng từ 4-6 tháng tuổi có giá khoảng 7 triệu đồng/con, hươu đực 12 triệu đồng/con. Xét về hiệu quả kinh tế có thể thấy, tuy nguồn vốn đầu tư ban đầu để nuôi hươu sao có thể lớn hơn một số vật nuôi khác, nhưng về lâu dài thì lợi nhuận mang lại là cao hơn.

Theo những hộ dân nuôi hươu sao, thì mô hình này rất thích hợp cho những ai muốn vượt nghèo bằng chính công sức và sự cần cù của bản thân. Công chăm sóc hươu sao cũng rất ít tốn kém và tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, muốn nuôi hươu sao theo mô hình này thì phải chọn nơi không ồn ào, hợp vệ sinh, không bị ô nhiễm bởi nguồn nước thoát sinh hoạt gia đình hay nguồn nước thải chưa qua xử lý của các khu công nghiệp, khu chế xuất; diện tích chuồng phải tương đối rộng và trong chuồng nuôi phải có thêm một số cây có tàng lá xum xuê để che chắn sức nóng của ánh mặt trời; nhất là phải gần những nơi có cỏ tươi với số lượng nhiều để cắt cho hươu sao ăn.

Tìm hiểu về kỹ thuật chăm sóc, quá trình phát triển của hươu, anh Sinh cho biết: Nuôi hươu không khó, bởi chúng không kén thức ăn, có khả năng ăn tất cả các loại lá cây, rau và cỏ. Hơn nữa chúng vốn là động vật hoang dã nên sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh, dễ dàng cho việc chăm sóc. Một con hươu trưởng thành trong một ngày ăn khoảng 5 – 7kg cỏ hoặc lá cây, vào mùa cắt nhung thì cho chúng ăn thêm tinh bột (cám gạo hoặc cám ngô) khoảng 300 – 500g/ngày và những loại lá cây có nhiều nhựa như sung, mít, đu đủ… thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn.

Nuôi hươu con sau khi tách mẹ thì mất 2 năm sẽ cho thu nhung. Một năm thường thu một lần chính và một lần phụ. Nhung thu đợt chính từ khi mọc đến khi cắt mất khoảng 40 – 45 ngày (nhung cho chất lượng tốt nhất là khi cao khoảng 22 – 25 cm). Sau khi cắt đợt 1 thì khoảng 20 – 30 ngày được cắt đợt 2 (đợt phụ và gọi là nhung chồi), tuy nhiên lượng nhung thu được ít và tuỳ vào từng con hươu mới cho nhung đợt 2. Khi cắt nhung phải dùng dụng cụ sắc và được khử trùng cẩn thận, cắt xong phải tiến hành cầm máu nhanh để tránh mất sức cho hươu. Sau đó cho hươu ăn bổ sung thêm thức ăn tinh bột để giúp chúng nhanh hồi sức.

Như vậy, với tiềm năng và lợi thế của Lâm Đồng là địa phương có thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với việc phát triển chăn nuôi hươu sao lấy nhung nên đây đang được coi là thế mạnh trong phát triển nông nghiệp và thực sự là con đường làm giàu của các hộ nông dân, cũng như các hộ thanh niên nơi đây.

Nguồn: Báo Tin Tây Nguyên

Web: http://www.tintaynguyen.com/