Nhiều diện tích rừng nguyên sinh hàng trăm năm tuổi dọc
đường Trường Sơn Đông, đoạn đi qua địa phận xã Lát, Đưng Knớ, Đạ Long, thuộc
hai huyện Lạc Dương và Đam Rông của tỉnh Lâm Đồng bị chặt phá
nặng nề để làm rẫy và lấy gỗ.
Tuyến đường Trường Sơn Đông khang trang, uốn lượn theo những
triền rừng đẹp như tranh vẽ, vươn qua Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà tới khu dân
cư Lán Tranh (xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương), rồi thêm vài chục cây số nữa thì
sang địa phận tỉnh Đắk Lắk. Bên cạnh tuyến đường này, từ đoạn Lán Tranh, cảnh
tượng không ai muốn chứng kiến, đó là những cánh rừng nguyên sinh hàng trăm năm
tuổi dọc hai bên đường Trường Sơn Đông đã bị chặt hạ, đốt phá không thương
tiếc.
Rừng dọc đường Trường Sơn Đông, đoạn từ Lán Tranh, xã Đưng
Knớ, huyện Lạc Dương bị tán phá nặng nề.
Từ khu dân cư Lán Tranh, tới gần trụ sở UBND xã Đưng Knớ mới
dài khoảng 4km, nhiều diện tích rừng nguyên sinh đã bị phá hủy. Vị trí này là
vùng giáp ranh giữa các xã Đưng Knớ, xã Lát (huyện Lạc Dương) và xã Đạ Long
(huyện Đam Rông). Ngày 9-3, khi chúng tôi có mặt tại khu vực Lán Tranh, một số
người dân địa phương vẫn thản nhiên chặt phá rừng để lấy đất làm rẫy. Sự xuất
hiện của người lạ không làm ảnh hưởng đến công việc hủy hoại rừng của họ. Cách
đó chỉ vài trăm mét là một trạm quản lý, bảo vệ rừng nhưng “cửa đóng im ỉm”,
không có người trực.
Dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy, những cánh rừng
nguyên sinh dọc hai bên đường này đã bị tàn phá trong một thời gian dài và hiện
vẫn đang còn tiếp diễn. Nhiều cây gỗ có đường kính gốc lên tới trên 1m, cao
20-30m, bị chặt hạ hàng loạt. Loại gỗ quý hiếm đã được vận chuyển đi đâu không
rõ. Những cây gỗ ít có giá trị kinh tế hơn, dù có đường kính rất lớn đều bị đốt
cháy đen, nằm trơ trọi ngang dọc trên mặt đất. Nhiều vị trí rừng nơi đây bị tàn
phá đến mức bị chặt trắng gần nửa quả đồi, khói lửa vẫn còn bốc nghi ngút.
Một người đàn ông dân tộc Kho ngoài 40 tuổi đang chặt bỏ
những cây gỗ nhỏ hơn ở khu vực đầu khu dân cư Lán Tranh cho chúng tôi biết, anh
được ông chủ thuê chặt hạ một khu rừng với giá 150.000 đồng/ngày. Rừng đổ xuống
tới đâu cà phê mọc lên tới đó. Có những điểm cà phê vừa trồng được vài tháng,
nhưng cũng có nhiều vị trí cà phê đã bắt đầu cho ra hoa bói lứa đầu tiên. Dọc
đường Trường Sơn Đông, nhiều nương rẫy cà phê đã đánh bật các cánh rừng nguyên
sinh trong một thời gian dài.
Ông Đồng Văn Lâm, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương,
thừa nhận dọc đường Trường Sơn Đông, đoạn từ khu vực Lán Tranh lâu nay là điểm
nóng về tình trạng hủy hoại rừng. Riêng từ đầu năm 2016 đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện
Lạc Dương đã phát hiện, lập biên bản 4 vụ vi phạm chặt phá rừng lấy đất làm
rẫy. Diện tích rừng bị phá là 8.136m2, thiệt hại hàng chục mét khối gỗ. Hiện
Hạt Kiểm lâm Lạc Dương đang phối hợp với cơ quan Công an xem xét tiến hành khởi
tố vụ án đối với trường hợp tái phạm.
Cũng theo ông Đồng Văn Lâm, nóng nhất là ở tiểu khu 111A, xã
Lát, huyện Lạc Dương. Người dân ở xã Mê Linh, huyện Lâm Hà đã tự kéo lên lập
thành 24 chòi chiếm giữ đất. Lý do đưa ra là khu vực này trước đây vốn là buôn
làng của họ. Tương tự, tại tiểu khu 26, 27, thuộc Vườn quốc gia Bidoup – Núi
Bà, người dân từ huyện Đam Rông cũng đã kéo về đây lập thành 35 chòi, kiên
quyết không chịu di dời và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.
Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương đã cắt cử người trông coi, giám
sát chặt chẽ những khu vực người dân kéo tới đòi lập buôn chiếm đất. “Biện pháp
cuối cùng là phải tiến hành cưỡng chế, nhưng chúng tôi biết là công việc không
hề đơn giản, thậm chí vô cùng khó khăn!..”, ông Đồng Văn Lâm nói.
Nguồn: Kim Ngân – Báo Công an nhân dân
Web: http://cand.com.vn/