Được thành lập năm 2010, Quỹ Bảo
vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng hoạt động và thực hiện theo Nghị định
số 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng
(DVMTR) tại tỉnh Lâm Đồng.
Được chi trả nhanh, nhiều chủ
rừng là người dân tộc đã nỗ lực chăm sóc cây rừng.
Theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP, đối
tượng thu tiền DVMTR bao gồm: Các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất và
cung ứng nước sạch, các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng
lợi từ DVMTR. Với chức năng ấy, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng có
hai nguồn thu chính. Nguồn thu trong tỉnh (chiếm 40% tổng số thu hàng năm) chủ
yếu từ các đơn vị sử dụng DVMTR tại những khu rừng nằm trong phạm vi hành chính
tỉnh Lâm Đồng. Nguồn thu ngoài tỉnh do Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam
thu (chiếm 60% tổng thu hàng năm) đối với các đơn vị sử dụng DVMTR từ những khu
rừng nằm trong phạm vi hành chính từ 2 tỉnh (tỉnh Lâm Đồng và các tỉnh khác),
sau đó chuyển cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng.
Mỗi năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển
rừng tỉnh Lâm Đồng thu trên dưới 150 tỷ đồng và gần như ổn định theo tỷ lệ phần
trăm nói trên. Cụ thể, năm 2015, Quỹ thu gần 144,4 tỷ đồng, trong đó thu trong
tỉnh 57,716 tỷ đồng, thu ngoài tỉnh 87,122 tỷ đồng. Năm 2016, dự kiến thu
154,519 tỷ đồng, trong đó thu trong tỉnh 65,693 tỷ đồng, thu ngoài tỉnh 88,826
tỷ đồng. Nguồn thu này hàng năm được Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm
Đồng chi trả DVMTR cho nhiều đối tượng, bao gồm: Các chủ rừng là tổ chức nhà
nước; chủ rừng là tổ chức ngoài nhà nước (DN ngoài nhà nước); các hộ gia đình,
cá nhân, cộng đồng dân cư thôn ký hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng (BVR) với các
chủ rừng là tổ chức hoặc họ chính là chủ rừng.
Việc chi trả DVMRT từ Quỹ Bảo vệ
và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng cho các chủ rừng theo 2 lưu vực sông: Lưu vực
sông Đồng Nai và sông Sêrêpốk. Đơn giá chi trả cho lưu vực sông Đồng Nai cao
hơn lưu vực sông Sêrêpốk. Cụ thể, đã, đang và sẽ chi trả trong năm 2016 đối với
lưu vực sông Đồng Nai, khoán BVR 500.000 đồng/ha/năm và phí quản lý của chủ
rừng 50.000 đồng/ha/năm; đối với lưu vực sông Sêrêpốk, khoán BVR 400.000
đồng/ha/năm và phí quản lý của chủ rừng 40.000 đồng/ha/năm. Tổng diện tích rừng
được nghiệm thu và chi trả DVBVR mỗi năm một tăng, từ 354.754ha (năm 2015) lên
381.560ha (năm 2016), với tổng số hộ được hưởng lợi là 17.073 hộ (năm 2015),
trong đó có 13.534 hộ là người dân tộc thiểu số, 3.539 hộ người Kinh và 33 tập
thể.
Từ cân đối thu chi, mỗi năm, Quỹ
Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lâm Đồng góp phần thiết thực vào việc bảo vệ,
giữ gìn nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia là rừng và nước, đem lại lợi ích
cho xã hội từ các công trình thủy điện, thủy lợi; làm hạn chế việc phá rừng mỗi
năm trên 5%; khôi phục và tăng độ che phủ của rừng.
Với ý nghĩa đó, DVMTR từ Quỹ Bảo
vệ và Phát triển tỉnh Lâm Đồng cũng như Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng của các
tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên đem lại lợi ích không cho riêng ai!
Nguồn: P.V – Báo kinh tế nông
thôn
Web: http://kinhtenongthon.com.vn/