Phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trong mùa khô là
nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để bảo vệ nguồn tài nguyên rừng. Do
vậy, những năm qua, xã Đạ Long, huyện Đam Rông đã phát huy có hiệu quả
hoạt động của các tổ phòng cháy, chữa cháy rừng trong việc tuần tra,
xử lý những khu vực có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đồng thời, chủ động
tổ chức các đợt tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về
phòng cháy, chữa cháy rừng, nhờ vậy nguồn tài nguyên rừng ở địa
phương được đảm bảo.
Một góc Đạ Long. Ảnh: N.Ngà
Xã Đạ Long hiện có gần 4.700 ha rừng, trong đó chủ yếu
là rừng phòng hộ và rừng sản xuất và được chia làm 3 tiểu khu. Bước vào
mùa khô hàng năm, ngoài việc thực hiện tốt các phương án PCCCR của
ngành kiểm lâm, xã Đạ Long còn thành lập các tổ PCCCR nhằm tăng
cường thêm lực lượng để phối hợp với dân quân, công an, kiểm lâm địa
bàn triển khai các biện pháp bảo vệ rừng. Trong đó, xã đã thành lập được 11 tổ
PCCCR, mỗi tổ từ 10 đến 20 thành viên là những lao động có sức khỏe được tuyển
chọn từ các hộ nhận giao khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn.
Hàng tháng, Ban chỉ đạo PCCCR của xã đều phân công lịch trực
rõ ràng cho các tổ, mỗi ngày có 3 tổ trực thay phiên nhau, các thành viên trong
tổ có nhiệm vụ tuần tra và trực tại các điểm trực cháy, kịp thời phát hiện và xử
lý các đám cháy. Ông Lơ Mu Ha Póh, Chủ tịch UBND xã Đạ Long, cho biết: “Ngay từ
đầu mùa khô, Ban chỉ đạo PCCCR của xã đã họp và phân công nhiệm vụ cho các
thành viên. Ngoài ra, thường xuyên chỉ đạo cho Trạm hàng ngày báo cáo về UBND
xã tình hình quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp
rất tốt với các đơn vị chủ rừng như Ban Quản lý rừng Sêrêpốk, Vườn Quốc gia Chư
Giang Sin, Bidoup - Núi Bà, hàng tuần đều có các tổ tuần tra, chốt chặn”.
Để phát huy có hiệu quả năng lực của các tổ trong công tác
PCCCR, xã Đạ Long đã tổ chức các buổi tập huấn để trang bị những kiến thức cơ bản
về PCCCR cho các thành viên trong tổ như: Cách phát dọn thực bì và xử lý các vật
liệu dễ cháy tại những khu vực xung yếu, cách xử lý và dập tắt các đám cháy nhỏ;
xây dựng các chòi canh lửa và đặt các biển báo cảnh báo cháy tại những khu vực
có nguy cơ xảy ra cháy cao. Đặc biệt, tại những khu vực rừng thông; thực hiện
xem xét trách nhiệm của các thành viên trong tổ với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trong
trường hợp, nếu trong ngày trực của các tổ để xảy ra cháy rừng, thì các tổ đó
phải chịu trách nhiệm và bị xử lý theo các hình thức đã quy định; đồng thời,
tuyên truyền cho các thành viên trong tổ cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm
trong công tác PCCCR. Nhờ vậy, ý thức trách nhiệm của các thành viên trong tổ
được nâng lên, tất cả đều thực hiện nghiêm túc các quy định về PCCCR của ngành
đưa ra. Anh Kơ Sẵ Ha Lốc - một thành viên trong tổ PCCCR, xã Đạ Long, nói: “Là
một người nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng, hàng ngày tôi đi tuần tra và vận động
bà con thực hiện PCCCR, cụ thể như nếu phát hiện trường hợp phá rừng hay đốt rừng
thì báo cáo với cấp trên. Hàng ngày, chúng tôi chia tổ trực từ 5 giờ đến 4 giờ
chiều”.
Với việc triển khai công tác PCCCR trong mùa khô một cách
năng động và sáng tạo của xã Đạ Long, cùng với sự nhiệt tình của mỗi thành viên
trong tổ PCCCR đã góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây
ra. Đặc biệt, từ đầu mùa khô 2018 - 2019 đến nay, trên địa bàn xã Đạ Long không
xảy ra vụ cháy rừng nào, nguồn tài nguyên rừng được đảm bảo. Ông Nguyễn Trọng
Linh, Trạm trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng xã Đạ Long, cho biết: “Năm nay bà
con có đăng ký trồng lại rừng, chúng tôi cho bà con làm cam kết và hướng dẫn bà
con cách đốt và thực hiện các quy định về PCCCR. Trên địa bàn do trạm quản lý từ
trước Tết Nguyên đán cho đến sau Tết Nguyên đán chưa xảy ra vụ cháy rừng nào”.
Bước vào mùa khô 2018 - 2019, trên 150 thành viên, thuộc 11
tổ PCCCR ở xã Đạ Long lại bắt đầu với nhiệm vụ tuần tra, canh gác phòng, chống
cháy rừng. Những nỗ lực, cùng với lòng nhiệt huyết ấy đang góp phần giữ màu
xanh cho rừng.
Nguồn: Lê Tuấn – Báo điện tử Lâm Đồng