Lâm Đồng: Nhức nhối nạn phá rừng trái phép

13/11/2015

Tình trạng phá rừng trái phép tại tỉnh Lâm Đồng thời gian qua diễn biến phức tạp. Sự biến mất của những cánh rừng đồng thời cũng đã để lộ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của địa phương.


Rừng thông tại Tiểu khu 466 thuộc địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm vừa bị lâm tặc đốn hạ. Ảnh: Tiến Thành.

Phá rừng ngày càng nghiêm trọng

Có mặt tại Tiểu khu 262B, thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Nam Ban tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), trước mắt chúng tôi là hiện trường một vụ hủy hoại rừng quy mô lớn. Hàng trăm cây thông ba lá được trồng từ năm 1994 trên diện tích khoảng 1,2ha vừa bị đốn hạ và chết khô do bị đầu độc. Cách đó không xa, 4,5ha rừng cũng đã bị xóa sổ, thay thế bằng những rẫy cà phê.

Trước đó, tại Tiểu khu 444, thuộc xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) cũng đã xảy ra một vụ hủy hoại rừng trên quy mô lớn. Gần 3,5ha rừng thông 3 lá đang chết khô do bị đầu độc bằng hóa chất. Chủ mưu của vụ hủy hoại rừng là Vũ Văn Thanh, sinh năm 1971, ngụ tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, là bảo vệ rừng cho Công ty TNHH An Nguyễn tại Bảo Lâm. Vì muốn lấn chiếm đất rừng để trồng cà phê, Thanh đã thuê người dân địa phương đào 3.000 hố dưới tán rừng thông, sau đó thuê tiếp 4 đối tượng gồm: Vũ Tuấn Chung, Nguyễn Hữu Long, Vũ Tuấn Long, Vũ Quốc Lâm dùng rìu khoét vào thân cây và đổ thuốc diệt cỏ vào vết khoét nhằm đầu độc cho cây thông chết. Cơ quan điều tra công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố, bắt tạm giam Vũ Văn Thanh cùng 4 đối tượng tham gia về hành vi “hủy hoại rừng”.

Báo cáo của UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đầu năm đến nay, địa phương đã phát hiện và xử lý 1.325 vụ vi phạm lâm luật, trong đó có 353 vụ phá rừng trái phép. Diện tích rừng bị phá là 130,5ha, lực lượng chức năng đã tịch thu 1.746m3 gỗ, thu nộp ngân sách hơn 12 tỷ đồng. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, các địa bàn đang “nóng” về tình trạng phá rừng hiện nay gồm: Khu vực Tam Bố, Gia Hiệp giáp ranh giữa huyện Đức Trọng và huyện Bắc Bình (Bình Thuận); dọc hai bên tỉnh lộ 723 nối 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa; các Tiểu khu 444 và 466 thuộc huyện Bảo Lâm; các Tiểu khu 262B, 286A, 231, 219, 239, 285 thuộc địa bàn huyện Lâm Hà; khu vực Đà Loan, Tà Hine; rừng giáp ranh giữa 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm... Thời gian qua, hàng loạt vụ phá rừng quy mô lớn, có tổ chức cũng đã bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý như: Vụ chặt trộm 139 cây dầu với khối lượng gỗ khoảng 300m3 tại Tiểu khu 703 và 704 thuộc địa bàn huyện Di Linh; vụ 3 đối tượng gồm Trương Mạnh Hùng, Quách Hải Tô và Lê Viết Tưởng dùng cưa máy triệt hạ 207 cây thông có tuổi đời hơn 30 năm tại Tiểu khu 466 thuộc địa bàn xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm vào đêm 29-5…

Thủ đoạn và phương thức hoạt động của các đối tượng phá rừng ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Để khai thác được gỗ lớn, quý hiếm, chúng thường chọn các khu vực rừng nguyên sinh có trữ lượng gỗ dồi dào ở vùng giáp ranh, có địa hình xa xôi, hiểm trở, xa dân cư và lực lượng bảo vệ, sử dụng các loại xe “độ” để di chuyển trên nhiều địa hình phức tạp và chở gỗ. Nhằm chiếm đất sản xuất, các đối tượng thường chặt gốc, đổ a-xít, thuốc diệt cỏ bơm vào vết chặt cho cây chết, đồng thời thực hiện “nống lấn” dần đất rừng, lấn được tới đâu thì trồng cà phê và các loại hoa màu tới đó. Nhiều đối tượng không trực tiếp phá rừng nhưng lại đứng đằng sau xúi giục hoặc bỏ tiền ra thuê người dân địa phương phá, sau đó mua lại đất và lâm sản. Khi bị phát hiện, các đối tượng chống trả lực lượng chức năng rất quyết liệt, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ chống người thi hành công vụ làm 1 cán bộ kiểm lâm hy sinh, 3 cán bộ kiểm lâm và lâm nghiệp bị thương.

Năm 2015, tỉnh Lâm Đồng đề ra mục tiêu giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật so với năm 2014, tuy nhiên, số vụ vi phạm trong 9 tháng đã gần bằng số vụ vi phạm trong năm 2014. Điều này cho thấy, công tác bảo vệ rừng đang gặp nhiều khó khăn.

Công tác quản lý còn nhiều bất cập

Ông Võ Danh Tuyên, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, bên cạnh các yếu tố như: Địa bàn quản lý rộng, khó khăn; lực lượng, phương tiện hạn chế; thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi thì nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng phá rừng gia tăng là do công tác thực thi văn bản pháp luật về bảo vệ rừng thời gian qua còn kém hiệu quả, dẫn tới tình trạng “nhờn” luật. Ông Tuyên nêu dẫn chứng: “Khi phát hiện các vụ phá rừng, nếu chưa tới mức xử lý hình sự thì chúng tôi sẽ ra quyết định xử phạt hành chính nhưng nhiều đối tượng không có tiền nộp phạt, hoặc cố tình không nộp. Theo nguyên tắc, không nộp phạt sẽ bị cưỡng chế tài sản nhưng điều này cũng không thể thực hiện vì hầu hết đối tượng phá rừng là người làm thuê, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, không có tài sản gì đáng giá để cưỡng chế. Vì vậy dẫn tới tình trạng bản pháp luật không được thực thi, các đối tượng thì vẫn vô tư tái phạm. Riêng năm 2014, ngành kiểm lâm tỉnh tồn đọng gần 400 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với sồ tiền khoảng 5 tỷ đồng”.

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 513.000ha rừng. Đến nay, địa phương đã giao 376.136ha cho 22.852 hộ nhận khoán bảo vệ. Có 335 doanh nghiệp đang thuê đất rừng với tổng số diện tích khoảng 58.000ha. Việc giao đất, giao rừng cho người dân và doanh nghiệp là chủ trương đúng nhưng quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập. Nhiều hộ thiếu lao động, hoặc chỉ có người già yếu nhưng vẫn được giao đất, giao rừng dẫn tới không có khả năng quản lý, bảo vệ; mức tiền giao khoán thấp, chưa khuyến khích được người dân tích cực bảo vệ rừng. Nhiều doanh nghiệp thuê đất, thuê rừng làm dự án nhưng không đủ năng lực thực hiện, không triển khai hoặc triển khai chậm, không thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ, để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trái phép, lấn chiếm, tranh chấp đất đai. Tại kỳ họp của Hội đồng nhân dân tỉnh gần đây nhất, ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh thừa nhận có tình trạng cán bộ tiếp tay, thông đồng với lâm tặc để phá rừng.

Tình trạng phá rừng tại Lâm Đồng khiến chất lượng, diện tích rừng bị suy giảm mạnh, đồng thời gây bức xúc trong dư luận địa phương. Trong lúc chờ một giải pháp tổng thể, mang tính khả thi, lâu dài thì tỉnh Lâm Đồng cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và các lực lượng chuyên trách trong công tác bảo vệ, phát triển rừng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động; xử lý nghiêm các hành vi phá rừng, vận chuyển, chế biến lâm sản trái phép; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm các cán bộ địa phương để xảy ra tình trạng phá rừng trong thời gian dài; nhanh chóng bố trí và ổn định dân cư, nhất là dân di cư tự do trên địa bàn; kiên quyết giải tỏa diện tích rừng, đất rừng bị phá, bị lấn chiếm trái phép để trồng lại rừng; rà soát lại công tác giao khoán bảo vệ rừng và có chế tài cụ thể nhằm gắn trách nhiệm và quyền lợi của các tổ chức, cá nhân khi tham gia quản lý, bảo vệ rừng.

Nguồn: Vũ Đình Đông - Báo Quân đội nhân dân online

Web: http://www.qdnd.vn/