Một trường hợp rất đáng được công nhận
là liệt sĩ nhưng vì cách hiểu, cách vận dụng luật mà đến giờ vẫn… nhùng nhằng.
Chị Tô Thị
Thoa, vợ anh Hải, xót xa bên bàn thờ chồng. Ảnh: DH
Anh Vũ Xuân Hải, Đội trưởng Đội Kiểm
lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng), cuối
năm 2014, khi đang thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn một vụ vận chuyển lâm sản trái
phép trên địa bàn thì bị người lái xe chở gỗ tông chết. Người tông chết anh Hải
sau đó đã bị tòa án quy vào tội giết người và bị phạt 16 năm tù. Tuy nhiên, đến
nay anh Hải vẫn không được công nhận là liệt sĩ.
Bị tông chết khi làm nhiệm vụ
Theo hồ sơ vụ án, vào khoảng 0 giờ
ngày 28-12-2014, Hoàng Minh Trung được bố là Hoàng Đức Nhì giao ô tô không có
biển kiểm soát đi chở gỗ lậu từ xã Mỹ Đức (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng) ra huyện Đạ
Huoai. Nhận được tin báo có người vận chuyển lâm sản trái phép, anh Vũ Xuân Hải
cùng một cán bộ kiểm lâm khác là Cao Viết Lư tức tốc lên đường làm nhiệm vụ.
Khi phát hiện thấy xe có đặc điểm
như tin báo, anh Hải nói Lư chạy xe vượt lên để anh Hải ra hiệu lệnh dừng xe. Mặc
dù Trung biết rõ đây là hai cán bộ kiểm lâm (mặc trang phục kiểm lâm) nhưng
Trung vẫn cố tình không dừng xe và tiếp tục điều khiển xe lạng qua lạng lại
trên đường nhằm không cho xe cán bộ kiểm lâm vượt lên.
Hai người truy đuổi theo xe của
Trung khoảng 5 km, khi đến ngã ba thuộc thôn 1, xã Quốc Oai, Đạ Tẻh, Trung đạp
thắng xe và giảm tốc độ còn 30 km/giờ để rẽ vào đường mương bê tông. Thấy Trung
giảm tốc độ nên anh Lư điều khiển xe vượt lên trước ô tô của Trung và dừng lại
ra tín hiệu yêu cầu Trung dừng xe để kiểm tra. Lúc này, xe của hai cán bộ kiểm
lâm đang còn cách xe của Trung 7 m thì bị Trung đâm trực diện khiến anh Lư văng
ra khỏi xe. Riêng anh Hải và xe máy bị ô tô kéo lê khoảng 8 m, Trung bỏ trốn khỏi
hiện trường, anh Hải bị chết do đa chấn thương (chấn thương sọ não, chấn thương
ngực, chấn thương bụng, gãy cổ xương đùi trái, gãy đầu trong xương đòn).
Trung đã bị truy tố và bị TAND tỉnh
Lâm Đồng tuyên phạt 16 năm tù về tội giết người với nhận định bị cáo phạm tội đặc
biệt nghiêm trọng, bị kiểm lâm kêu dừng xe nhưng không chấp hành mà lao thẳng
xe vào kiểm lâm.
Không được công nhận liệt sĩ vì đó
không phải là tội phạm?
Sau cái chết của chồng, chị Tô Thị
Thoa (vợ anh Hải) đã làm đơn đề nghị công nhận liệt sĩ cho anh Hải. Kèm theo đó,
Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng đã nhiều lần có đơn gửi Cục Người có công thẩm định hồ
sơ để xác nhận liệt sĩ đối với anh Hải. Tuy nhiên, đến nay anh Hải vẫn không được
công nhận là liệt sĩ.
Công văn số 1611 ngày 7-9-2015, Cục
Người có công cho hay anh Hải không đủ điều kiện xác nhận là liệt sĩ theo điểm
d khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ – quy định về các trường hợp
người hy sinh được công nhận là liệt sĩ. Cụ thể, anh Hải không được xem là hy
sinh trong trường hợp: “Trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn
các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình
sự (BLHS)”.
Trong công văn này, Cục Người có
công lập luận: “Chỉ được coi là đấu tranh chống lại hành vi tội phạm (hành vi
gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong BLHS) khi hành vi ban
đầu được phát hiện là hành vi tội phạm đang diễn ra, do ngăn chặn hành vi tội
phạm đó dẫn đến bị chết (có thể bị ngã, bị va chạm hoặc bị đối tượng tấn
công…). Cục này cho rằng trong vụ việc dẫn đến anh Hải bị chết thì hành vi vận
chuyển gỗ trái phép của Trung (được thuê chở 2,668 m3 gỗ xuân thông (thuộc
nhóm 6) là hành vi vi phạm hành chính (không bị khởi tố). Từ đó Cục Người có
công cho rằng không đủ điều kiện công nhận liệt sĩ cho anh Hải theo quy định đã
nêu trên đây.
Lập luận không thuyết phục
Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần
Ngọc Quý (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng lập luận của Cục Người có công là không
thuyết phục, vì hành vi vận chuyển gỗ trái phép của Trung có dấu hiệu phạm tội
vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng. Đây là tội phạm được quy định
trong Điều 175 BLHS.
Theo luật sư Quý, trong vụ án này,
các cơ quan chức năng đã xác định hành vi vận chuyển gỗ trái phép của Trung là
hoàn toàn có thật. Bản án còn nhận định rất rõ: “Trong tình hình hiện nay việc
vận chuyển gỗ trái phép lâm sản đã tiếp tay cho việc phá rừng, gây ảnh hưởng
nghiêm trọng đến môi trường sống của cộng đồng”. Mặt khác, để che giấu hành vi
sai phạm này, Trung đã tông chết anh Hải, đây là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
và bị tòa phán quyết về tội giết người. “Rõ ràng đối chiếu với quy định tại điểm
d khoản 1 Điều 17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ thì hành vi ngăn chặn đối tượng
vận chuyển gỗ trái phép của anh Hải phải được coi là trực tiếp tham gia đấu
tranh chống lại các hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định
trong BLHS. Và anh Hải cần phải được công nhận là liệt sĩ” – luật sư Quý nói.
Tiếp tục xem xét trường hợp của anh
Vũ Xuân Hải
Ngày 23-12, trả lời báo Pháp Luật
TP.HCM, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TBXH), cho
biết đơn vị vừa có công văn đề nghị Sở LĐ-TBXH tỉnh Lâm Đồng gửi toàn bộ hồ sơ
đề nghị xác nhận liệt sĩ đối với anh Vũ Xuân Hải về Cục để tiếp tục xem xét lại,
báo cáo lãnh đạo Bộ LĐ-TBXH, theo đơn đề nghị của chị Tô Thị Thoa – vợ anh Vũ
Xuân Hải (ngày 16-11-2015).
Đến thời điểm này, trao đổi với
chúng tôi, ông Kiên vẫn giữ quan điểm trường hợp hy sinh của anh Vũ Xuân Hải
không đủ điều kiện xác nhận liệt sĩ theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 17
Nghị định 31/2013 của Chính phủ..
Phóng viên: Thưa ông, trong sự vụ
này, anh Vũ Xuân Hải ngăn chặn hành vi vận chuyển gỗ trái phép, hành vi cấu
thành tội phạm “vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” được quy định
tại Điều 175 Bộ luật Hình sự. Nếu chiếu theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều
17 Nghị định 31/2013 của Chính phủ, anh Hải phải được xem là hy sinh trong khi
trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi nguy hiểm cho
xã hội thuộc các tội theo quy định của BLHS và phải được công nhận là liệt sĩ
chứ?
+ Ông Nguyễn Duy Kiên: Quan trọng
hành vi của đối tượng có được đưa ra truy tố không, nếu có bản án thì tôi xử
lý, nếu không có bản án thì thôi. Quy định tại điểm d có chữ “thuộc các tội” mà
đã gọi là “tội” thì phải tòa, khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì đối tượng kia chưa có tội… đây
mới là hành vi nhưng phải xem xét khía cạnh mức độ.. Nhưng thưa ông, khi thực
hiện nhiệm vụ, với vai trò là một kiểm lâm, anh Vũ Xuân Hải chỉ biết là anh
đang ngăn chặn hành vi “vận chuyển gỗ trái phép”, anh Hải không thể nào biết được
số gỗ trong đó nhiều hay ít, khối lượng tới đâu. Khối lượng đó là xác định mức
độ vi phạm để xử lý, còn về mặt tội phạm thì hành vi vận chuyển gỗ trái phép có
dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng rồi?
+ Đây là quy định của Nhà nước. Khi
nhận hồ sơ anh Hải chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ và đối chiếu với các quy định
thì anh Hải không đủ điều kiện. Về việc thực hiện công vụ, tôi khẳng định đã là
công chức thì ai cũng phải thực hiện công vụ nhưng không phải trường hợp nào hy
sinh trong lúc thực hiện công vụ cũng được công nhận là liệt sĩ mà phải tùy vào
mức độ….
Xin cảm ơn ông.Viết Long thực hiện
Nguồn: Dương Hằng - báo Pháp luật
Web: http://phapluattp.vn/