Hơn 40.000m2 đất lâm nghiệp đã bị chiếm
dụng, trên 10.000m2 rừng, đất rừng bị tác động, lấn chiếm, lập vườn trồng cà
phê trái phép. Hàng chục cây thông ba lá hơn 20 năm tuổi bị ken gốc, “đầu độc”
bằng độc dược đang chết mòn từng ngày… Điều khiến dư luận bức xúc, đối tượng
ngang nhiên xâm chiếm đất rừng lại là người nhà của cán bộ giữ rừng.
Việc xâm hại
rừng, đất rừng này đã diễn ra âm ỉ từ hai năm qua tại tiểu khu 262B nằm trên
địa bàn xã Mê Linh (Lâm Hà), thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam
Ban (Ban QLRPH Nam Ban) quản lý bảo vệ.
Lực lượng chức năng
kiểm tra hiện trường bị lấn chiếm
Cán bộ giữ rừng để người nhà lấn chiếm rừng
Ngày 19/10, cùng
với Trưởng trạm QLBVR Mê Linh – Nam Ban, cán bộ tiểu khu, đại diện Ban Lâm
nghiệp xã Mê Linh, chúng tôi có mặt tại khoảnh 1, tiểu khu 262B để kiểm chứng
phản ánh của người dân về việc Phó Ban QLRPH Nam Ban Chử Minh Hiếu tự ý bao
chiếm đất lâm nghiệp, lấn chiếm rừng để lập vườn trồng cà phê trái phép. Theo
người dân, việc làm của ông Hiếu đã diễn ra từ hai năm qua, ban đầu chỉ vài
ngàn m2, nhưng sau khi đất ở vùng này lên giá (hiện 1ha cà phê đang cho thu
hoạch quả bói có giá rao bán từ 800 – 900 triệu đồng), thì diện tích rừng, đất
rừng bị lấn chiếm tăng nhanh lên hơn 12.000m2, cán bộ giữ rừng và người dân
trong vùng ai cũng biết nhưng không dám lên tiếng vì sợ ông Hiếu vùi dập.
Ghi nhận hiện
trường, trên diện tích rộng khoảng hơn 1ha nằm tại một quả đồi thông trồng
tuyệt đẹp trước đây, mặt hướng về thôn Buôn Chuối (xã Mê Linh), giờ chỉ còn lác
đác vài chỏm rừng. Thay vào đó toàn bộ diện tích nay đã được đào hố trồng cà
phê với mật độ rất dày, nhiều hố được trồng cà phê catimo khoảng 2 năm tuổi
đang xanh tốt. Tuy nhiên, theo một cán bộ lâm nghiệp đi cùng đoàn kiểm tra, số
cà phê trên là những cây còn sót lại sau các đợt “giải tỏa nóng” của cơ quan
chức năng, cây được ươm sau 2 năm mới mang ra trồng chứ không phải trồng được
hai năm. Với diện tích rừng thông ít ỏi còn lại, có hàng chục cây thông với
đường kính gốc từ 12-30cm, cao từ 10m-15m đã bị ai đó ken gốc, khoan lỗ, đổ
thuốc độc vào thân cây. Trong số này, nhiều cây đã chết đứng, một số cây bị đầu
độc bằng thuốc độc thì đang trong tình trạng xì mủ trắng, có biểu hiện héo lá,
đỏ ngọn.
Một cán bộ trong
đoàn kiểm tra xác nhận, có nghe thông tin người dân phản ánh ông Hiếu lấn chiếm
rừng, đất rừng để trồng cà phê. Nhưng qua kiểm tra, lập biên bản hiện trường
thì người đứng ra nhận trách nhiệm lấn chiếm đất rừng, trồng cà phê trái phép
tại diện tích trên là ông Nguyễn Thanh Tịnh (SN 1990, thường trú thị trấn Nam
Ban, cháu của ông Hiếu). Diện tích lấn chiếm khoảng 8.500m2 (đất có cây rừng là
2.300m2 và đất rừng là 6.200m2). Trong diện tích có rừng, lực lượng chức năng
phát hiện 53 cây thông ba lá có dấu hiệu bị tác động, bị “đầu độc” bằng chất
độc đang ứa nhựa, héo đọt. Diện tích không có thông, được trồng cà phê catimo
hai đợt vào năm 2014, và đầu năm 2015. Mặc dù đã nhiều lần bị giải tỏa, nhưng
đầu năm 2015 ông Tịnh lại tiếp tục thuê người vào đào hố trồng cà phê tại diện
tích trên. Lực lượng chức năng lại tiếp tục lập biên bản, yêu cầu ông Tịnh tự
giải tỏa toàn bộ số cà phê trên ra khỏi diện tích rừng, đất rừng bị lấn chiếm,
đồng thời ông Tịnh cũng cam kết trong vòng một tháng nếu số thông có dấu hiệu
bị đầu độc chết thì ông sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Trước thông tin
tố cáo của người dân, ông Chử Minh Hiếu đã có tường trình gửi cơ quan chức
năng, khẳng định không lấn chiếm đất rừng. Ông Hiếu chỉ thừa nhận: Với chức
danh một Phó Ban phụ trách công tác QLBVR, để xảy ra vụ việc trên là thiếu
trách nhiệm, gây ảnh hưởng đến công tác QLBVR của cơ quan và dư luận không tốt
trong nhân dân. Còn việc lấn chiếm đất rừng là do cháu của ông tên Nguyễn Thanh
Tịnh thuê người đào hố trồng cà phê chứ ông không làm.
Cán bộ lâm nghiệp cho biết dấu hiệu thông bị đầu độc bằng thuốc độc
Chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra
Liên quan vụ
việc, Trưởng Ban QLRPH Nam Ban Lê Hồng Nhân cho biết đã có báo cáo UBND huyện
và các cơ quan chức năng.
Cũng theo ông
Nhân, qua kiểm tra thực tế, trên diện tích lô rừng trồng thông 3 lá (trồng năm
1994, thuộc diện quy hoạch rừng sản xuất), đây là diện tích đang thuộc đối
tượng chi trả DVMT rừng cho các hộ đồng bào dân tộc ít người thôn Cổng Trời
nhận quản lý bảo vệ, đã bị tác động, lấn chiếm trồng cà phê dưới tán rừng. Số
diện tích bị lấn chiếm là 12.000m2, trong đó rừng với mật độ đảm bảo là
5.800m2, còn lại là rừng thưa, cây thông bị ken chết khô, đất trống cục bộ.
Theo phản ánh của người dân, toàn bộ diện tích trên, ông Chử Minh Hiếu – Phó
Ban QLRPH Nam Ban lấn chiếm, lập vườn trồng cà phê từ năm 2014 đến nay. Việc
này đã được cơ quan chức năng của huyện, gồm Hạt kiểm lâm, Công an, Viện Kiểm
sát vào cuộc, kiểm tra hiện trường, mời các đối tượng lên làm việc để làm rõ
đối tượng vi phạm.
Trong báo cáo
gửi UBND huyện cũng nêu rõ, quá trình làm việc với lãnh đạo Ban, ông Hiếu có
thừa nhận tự ý cho cháu ông tên Nguyễn Thanh Tịnh trồng cà phê từ năm 2014 đến
nay. Ngoài ra, Ban cũng phát hiện tại vị trí tiếp giáp lô rừng trồng đang bị
lấn chiếm, ông Hiếu còn tự ý “chiếm dụng” hơn 40.000m2 đất lâm nghiệp, lập vườn
trồng cà phê từ năm 2012.
Không chỉ vậy,
một cán bộ lâm nghiệp (không muốn nêu tên vì sợ trù dập) còn tiết lộ, ngoài số
diện tích trên 5ha tại tiểu khu 262B, gia đình ông Hiếu còn có 5ha cà phê khác
tại tiểu khu 263, nhưng không có đường vào rẫy. Đầu năm 2015, ông Hiếu còn tự ý
cho mở con đường trái phép dài khoảng 700m qua khu rừng trồng để vào rẫy cà
phê, nhưng không thấy cơ quan chức năng nào đá động.
Việc ai lấn
chiếm đất rừng, “đầu độc” rừng thông tại tiểu khu 263B, cũng như việc ông Hiếu
có mở đường trái phép trên đất rừng trồng tại tiểu khu 263 sẽ có cơ quan chức
năng điều tra làm rõ. Điều khiến dư luận đặt ra là vụ việc liệu có được ai đó
bao che bởi nó diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật và diễn ra trong một thời
gian dài nhưng vẫn không bị xử lý!?
BOX: Liên quan
đến vụ việc, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà Nguyễn Đức Tài cho biết. đã chỉ đạo
Công an huyện và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra làm rõ để xử lý theo
quy định. Nếu là cán bộ sai phạm thì càng phải xử lý nghiêm để làm gương.
Nguồn theo Baolamdong.vn