Mới đây, lực lượng chức năng huyện Kon Plông (Kon Tum) đã bất
ngờ đột kích bắt giữ 15 đối tượng cùng 153 phách gỗ khai thác trái phép tại Lâm
trường Măng La nằm giáp ranh với huyện Kbang (Gia Lai).
Cảnh tan hoang tại tiểu khu 502 thuộc Lâm trường Măng La.
Lâm tặc vô tư lộng hành
Từ cuối năm 2014 đến 2015, khu rừng già nằm giáp ranh giữa 2
huyện Kbang (Gia Lai) và huyện Kon Plông (Kon Tum) luôn là điểm nóng về vấn nạn
phá rừng. Những cây gỗ hương tại Lâm trường Krông Pa, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai
đã bị lâm tặc đột nhập xâu xé không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn hủy
hoại sự đa dạng sinh học của rừng.
Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai đã ra văn bản chỉ đạo lực lượng chức
năng huyện Kbang quyết liệt truy quét. Tưởng chừng mọi chuyện hạ nhiệt thì các
đối tượng lâm tặc đã nhanh chân chuyển hướng sang địa bàn thuộc Lâm trường Măng
La quản lí (trực thuộc Cty TNHH Lâm Nghiệp Kon Plông, Kon Tum) lén lút tổ chức
khai thác, triệt hạ hàng trăm cây gỗ quý, khiến sự việc lại nóng lên.
Từ đường Trường Sơn Đông đến khoảnh 16, tiểu khu 502 thuộc
Lâm trường Măng La chỉ hơn 600 mét, nhưng phải mất hơn một giờ băng rừng lội
suối chúng tôi mới tiếp cận được bãi tập kết gỗ mà lâm tặc đang cất giữ. Hơn
170 phách gỗ như xoan đào, sơn huyết… được xẻ thành hộp dài 2.2 mét, rộng đủ
kích cỡ đang dựng sẵn vào cây rừng, trực chờ tẩu tán. Tại đây, hàng trăm cây gỗ
to nhỏ nằm ngã rạp, mô cưa rải rác khắp rừng, những dấu vết khai thác diễn ra
suốt thời gian dài và công khai với những lán trại được dựng lên để tá túc.
Được biết đây là khu rừng nguyên sinh hiếm hoi còn sót lại
nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum đang được quản lí, bảo vệ nghiêm
ngặt. Bất chấp điều đó, lâm tặc vẫn vô tư lộng hành và chỉ đến khi các đối
tượng này vận chuyển hàng trăm phách gỗ dựng sẵn sát bìa rừng chuẩn bị tẩu tán
thì cơ quan chức năng mới kịp phát giác và bắt giữ.
Và không biết trong khu rừng nguyên sinh này còn bao nhiêu
điểm tập kết gỗ, khai thác trái phép, rừng bị tàn phá như thế nào, thiệt hại
bao nhiêu thì chỉ có những cán bộ ở đây mới tường tận. Tuy nhiên, theo ông Vũ
Văn Bắc- Giám đốc C.ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plông, thì đoàn liên ngành của huyện
Kon Plông mới bắt giữ một khối lượng gỗ rất lớn 153 phách gỗ và 15 đối tượng
đang phá rừng trái phép. Ông Bắc nhận định đây là vụ phá rừng qui mô lớn, có tổ
chức, hoạt động tinh vi, manh động. Chúng có 40 đối tượng từ tỉnh ngoài đến,
nhưng lực lượng mới bắt được 15 đối tượng.
Khó giữ rừng nếu không xử nghiêm
Trước câu hỏi trách nhiệm quản lí bảo vệ rừng để hàng chục
lâm tặc vô tư lộng hành, ông Phạm Văn Kỷ – Giám đốc Lâm trường Măng La than
“điệp khúc” lực lượng mỏng, diện tích quản lí rộng lớn. Hoạt động phá rừng giờ
rất tinh vi, chúng thăm dò khu vực nào còn nhiều gỗ quý, âm thầm đột nhập dùng
“cưa lốc độ chế” không có tiếng ồn để triệt hạ cây rừng. Khi gỗ được ra phách
theo quy cách định sẵn, chúng không dùng máy móc vận chuyển mà cõng từng phách
ra sát bìa rừng lợi lúc đêm khuya để tẩu tán.
Liên quan đến vụ phá rừng được coi là có tổ chức này, Hạt
trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông -Võ Minh Văn cho biết, đã có quyết định để
nghị Viện Kiểm sát nhân dân huyện khởi tố vụ án. Toàn bộ các đối tượng đã được
bàn giao để Công an tiếp tục điều tra. Vụ việc xảy ra Hạt đã báo cáo huyện uỷ,
UBND huyện và quan điểm chung là xử lí nghiêm mọi hành vi xâm hại đến rừng.
Quan ngại về áp lực giữ rừng, khi hoạt động khai phá rừng
ngày càng tinh vi, manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi giáp
mặt. Một lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho rằng, nếu chính quyền huyện Kon Plông xử lí
không nghiêm khắc để răn đe thì các đối tượng rất có thể sẽ tiếp tục tràn sang
tàn phá rừng những cánh rừng do huyện Kbang quản lí. “Chúng tôi đã từng bị lâm
tặc chống đối lại để giải cứu đồng bọn, không nghiêm khắc sẽ nguy hại đến tính
mạng anh em giữ rừng. Hiện Công an huyện Kbang đã lập chuyên án, khoanh vùng 49
đối tượng hiện đang có kế hoạch bắt giữ” – lãnh đạo này chia sẻ.
Xử lí về trách nhiệm để mất rừng, ông Vũ Văn Bắc cho biết,
trước hết trách nhiệm thuộc về đơn vị chủ rừng. Đơn vị đã họp bàn kỷ luật một
cán bộ quản lí bảo vệ rừng và Giám đốc đơn vị này. Mọi chuyển xử lí thế nào
đang chờ phía Công an điều tra.
Công ty TNHH Lâm nghiệp Kon Plông hiện quản lí trên 60.000
hécta (trong đó Lâm trường Măng La trên 15000 héc ta) ngoài việc để lâm tặc
lộng hành, đơn vị này còn đang đứng trước tình trạng xâm lấn đất rừng làm rẫy
và nếu không có những giải pháp quyết liệt, sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương
thì xem ra cuộc chiến giữ rừng vẫn là bài toán khó chưa có lời giải.
Nguồn: Phạm Hưởng – Báo Đại đoàn kết
Web: http://daidoanket.vn/