Kon Tum: Nhức nhối nạn khai thác rừng trái phép tại huyện Tu Mơ Rông

25/05/2016

Sau nhiều tháng vào cuộc điều tra, phóng viên Báo Pháp Luật Việt Nam cũng đã có được những bằng chứng cho thấy, nạn khai thác gỗ trái phép đang diễn ra một cách rầm rộ tại một số xã thuộc huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum). Nhưng điều đáng lạ, tình trạng “lâm tặc” vào rừng chặt hạ cây, xẻ gỗ diễn ra công khai mà không hề thấy một cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý.

Nhiều hộp gỗ lớn nằm dọc con đường mòn dẫn lên rừng

Dân “tố” sẽ bị… xử!

Từ tin nhắn của một người dân: “Ở 2 xã Đăk Sao và Đăk Na tình trạng khai thác gỗ diễn ra rầm rộ và công khai. Cứ đến tối cuối tuần, gỗ được chuyển xuống bãi tập kết ngay bìa rừng và có xe “bò vàng” vào chở đi. Để về được đến tỉnh Kon Tum, chỉ có một con đường độc đạo và phải đi qua Trạm Kiểm lâm huyện Tumơrông, được đặt ở trung tâm xã Đăk Sao. Mong nhà báo sẽ vào cuộc điều tra phanh phui sự việc để trả lại rừng cho chúng tôi”, nhóm PV Báo Pháp Luật Việt Nam đã vào cuộc điều tra những đối tượng phá rừng và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân thuộc kiểm lâm, UBND huyện Tumơrông, UBND 2 xã Đăk Sao và Đăk Na.

Từ trung tâm TP Kon Tum, chúng tôi đi ngược QL14 lên huyện Đăk Tô, rồi từ đây đi bằng xe máy khoảng 55km nữa mới vào được đến trung tâm xã Đăk Sao. Vào đến đầu xã Đăk Sao, chúng tôi đã gặp những ánh mắt dò xét của người dân nơi đây khi thấy người lạ, nhưng theo hướng dẫn của người tố cáo, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được địa điểm an toàn.

Để tránh ánh mắt theo dõi, nghi kỵ của người dân, chúng tôi được hướng dẫn đi ra phía sau ngôi nhà để nói chuyện. Tâm sự với chúng tôi, người tố cáo vụ việc cho biết: “Quanh khu vực này hầu hết nhà nào cũng làm gỗ, nếu để người làng thấy thì em sẽ bị xử ngay”.

Người tố cáo tiết lộ với phóng viên rằng: “Cả tuần họ vào rừng khai thác gỗ, đến cuối tuần gỗ sẽ được đưa ra bằng xe “bò vàng”. Gỗ được “lâm tặc” chặt hạ chủ yếu là gỗ sao xanh, gỗ dổi… Do giá trị kinh tế cao nên họ chủ yếu chặt hạ những loại gỗ này”.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn được dẫn vào tận rừng để xem cảnh khai thác gỗ trái phép thì người tố cáo vụ việc ái ngại nói: “Giờ em không dám ra mặt, nếu để người ta thấy em đưa người lạ đi thì em sẽ bị “xử” ngay”, người tố cáo cũng không quên hướng dẫn cho chúng tôi đi tìm một người dân bản địa để dẫn đường. Tuy nhiên, khi chúng tôi tìm gặp người dẫn đường lên khu rừng đang bị “lâm tặc” “xẻ thịt” thì tất cả người dân đều tỏ ra ái ngại và né tránh.


Một cây gỗ có đường kính lớn đã được “lâm tặc” đốn hạ

“Mục sở thị” tình trạng xẻ thịt “đại ngàn”

Sau khi tìm “thổ địa” bất thành, chúng tôi quyết định đóng vai thành người đi tìm phong lan rừng với mong muốn tìm ra chân tướng vụ việc. Khi đã có đủ “đồ nghề” cho cuộc điều tra lần này, chúng tôi lần theo con đường mòn chạy song song với dòng suối nằm sát nách xã Đăk Sao. Để không bị lạc đường lên khu rừng đang bị “lâm tặc” ngày đêm khai thác, điện thoại chúng tôi luôn phải kè kè bên người 24/24.

Qua lời chỉ dẫn, chúng tôi cũng đã đến được bài tập kết gỗ của “lâm tặc”, nhưng theo quan sát, số gỗ tại bãi tập kết đã được vận chuyển đi nơi khác trước khi chúng tôi có mặt, nhìn về hướng khu rừng, một đường mòn được thiết kế giống như rãnh nước. Tìm hiểu chúng tôi được biết, đây là đường để trâu kéo gỗ từ rừng ra bãi tập kết.

Lần theo dấu vết của con đường này, chúng tôi đi ngược dốc lên thẳng khu rừng. Đi chưa đầy 100m, chúng tôi phát hiện 2 hộp gỗ lớn có đường kính 40×60, chiều dài khoảng 2m bị “lâm tặc” vứt ngay bìa rừng, chắc do gặp mưa lớn nên “lâm tặc” chưa kịp đưa ra, sau này tìm hiểu từ người dân thì chúng tôi mới biết 2 hộp gỗ lớn đó là gỗ sao xanh (gỗ quý, thuộc nhóm III).

Tiến sâu thêm khoảng 200m, chúng tôi lại bắt gặp thêm 2 hộp gỗ lớn cũng có đường kính tương tư như 2 hộp trước, theo nhận định, đây cũng là gỗ sao xanh. Chợt trong đầu thoáng nghĩ, chắc hẳn khu rừng này rất giàu gỗ sao xanh thì mới dễ bắt gặp gỗ như vậy. Nhìn con đường mòn dẫn sâu vào rừng cũng có thể thấy vết kéo còn rất mới và trượt dài, chắc chắn đây là vết kéo của gỗ.

Sau gần 1 tiếng đi bộ, băng qua nhiều vạt rừng, dốc cao dựng đứng, chúng tôi cũng đã tiếp cận được khu rừng. Đang mải ngơ ngác tìm đường, vì có 3 nhánh đường nhỏ được “lâm tặc” mở ra để cho trâu kéo gỗ thì bất ngờ chúng tôi phát hiện, ngay gần thác nước, một cây gỗ sao xanh khoảng 2 người ôm đã được “lâm tặc” hạ từ lúc nào, các phiến gỗ đã được cắt xẻ vuông vắn, mùn cưa còn mùi thơm và rất mới, chắc cây gỗ này được hạ cách đây không lâu.

Để tránh bị phát hiện, sau khi chụp ảnh chớp nhoáng xong, chúng tôi quyết định lần theo con đường mòn để đi lên đỉnh khu rừng. Khi cuộc hành trình bắt đầu thấm mệt thì cuối cùng chúng tôi cũng đã tới được điểm đến. Nhìn quanh quẩn, một hộp gỗ lớn dài khoảng 2m, đường kính 30×40 đã được xẻ vuông vắn và được đặt ngay đỉnh đồi, rất nhiều phân trâu rải dọc đỉnh đồi này. Đây cũng là lí do chúng tôi dám khẳng định, để đưa được gỗ ra bìa rừng, “lâm tặc” đã dùng những con trâu to, khỏe để kéo ra.

Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều cây gỗ lớn khoảng 2-3 người ôm đã bị “lâm tặc” chặt hạ, còn trơ gốc, đường kính rộng cả mét. Điều chúng tôi khá bất ngờ, có nhiều cây gỗ lớn “lâm tặc” không cắt gốc nhưng lại được “xẻ thịt” hết sức tinh vi, sau khi lấy phần lõi thì phần thân bên ngoài vẫn được giữ nguyên.

Đang đếm các gốc bị chặt hạ, chúng tôi bất ngờ “chạm trán” một lán bạt màu xanh của “lâm tặc” được dựng ngay đỉnh đồi, chắc do đang trong giờ đi chặt cây nên không có ai ở lại lán và may mắn chúng tôi cũng không bị phát hiện. Để đảm bảo an toàn, chúng tôi đành quay ra khỏi rừng để tránh “lâm tặc” phát hiện.

Như vậy, sau những gì tận mắt chứng kiến, chúng tôi mới dám khẳng định, tại xã Đăk Sao (Tumơrông, Kon Tum) tình trạng khai thác gỗ trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày là có thật.

Nhưng điều đáng nói, mặc dù tại xã Đăk Sao đã có trạm kiểm lâm địa bàn, nhưng không hiểu sao “lâm tặc” vẫn ngang nhiên vào rừng khai thác mà không bị phát hiện và gỗ vẫn được “tuồn” ra, đi ngang mặt trạm kiểm lâm mà lực lượng chức năng lại “không thấy”. Phải chăng trong vụ việc này có điều uẩn khúc nên gỗ mới được đưa ra một cách dễ dàng như vậy?

Nguồn: Thiên Phong - Thái Bình – Báo Pháp Luật

Web: http://baophapluat.vn/