Khánh Vĩnh: Đẩy nhanh tiến độ bóc tách đất rừng

08/12/2015

UBND huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) vừa giao hơn 60ha đất sản xuất cho 52 hộ đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Sau hơn 10 năm triển khai, đến nay, đất sản xuất được bóc tách từ đất rừng của các lâm trường mới thực sự đến với ĐBDTTS nghèo.

Nỗ lực bóc tách đất

Cầm trên tay quyết định giao đất của UBND huyện Khánh Vĩnh, ông K’Nai Y Hùng, thôn Hòn Lay, xã Khánh Hiệp rất phấn khởi. Nhiều năm nay, do thiếu đất sản xuất nên ông Hùng phải đi làm thuê để mưu sinh. Được giao 0,8ha đất tương đối bằng phẳng, lại gần nhà, ông Hùng quyết định trồng mì để nhanh chóng có sản phẩm thu hoạch. Ông Hùng chia sẻ: “Trước đây đi làm mướn phải chạy gạo từng bữa, nay Nhà nước giao đất, tôi sẽ trồng mì, trồng keo, có sản xuất thì kinh tế gia đình mới phát triển. Tôi sẽ sử dụng đất hiệu quả chứ không bán đất cho người khác”.

Người dân thu hoạch keo

Ông Y Hùng là 1 trong số 52 hộ tại xã Khánh Hiệp được giao đất lần này. Khu vực đất được giao tập trung tại thôn Hòn Lay, trước đây do Lâm trường Bắc Khánh Vĩnh nay là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Trầm Hương quản lý, trồng rừng sản xuất. Ông Võ Văn Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Hiệp cho biết, toàn xã có gần 900 hộ, đa phần là ĐBDTTS. Trong số này, có 120 hộ ĐBDTTS thiếu đất sản xuất nên gặp khó khăn trong việc thoát nghèo.

Giao đất sản xuất cho ĐBDTTS nghèo là chủ trương lớn của tỉnh, được triển khai từ năm 2003. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn vì nhiều diện tích là rừng phòng hộ, diện tích rừng sản xuất lại ở xa, đồi núi hiểm trở; một số diện tích nằm ở vị trí thuận lợi thì địa phương không có kinh phí để bồi thường. Do vướng mắc nên nhiều năm nay, việc bóc tách đất từ các lâm trường chủ yếu là “hợp thức hóa” số diện tích người dân đã xâm canh. Trong khi đó, nhiều hộ thiếu đất sản xuất chưa tiếp cận được với quỹ đất này.

Từ tháng 7-2015, UBND huyện Khánh Vĩnh xây dựng phương án mới, thống kê toàn huyện còn gần 700 hộ ĐBDTTS đang thiếu đất sản xuất, số diện tích cần bóc tách gần 1.200ha, do 2 công ty lâm nghiệp quản lý. Để bóc tách số diện tích này, huyện cần 75 tỷ đồng để hỗ trợ, đền bù cho các chủ đất.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cho biết, trước khi giao đất tại xã Khánh Hiệp, huyện đã giao gần 10ha cho 10 hộ tại xã Khánh Nam. Huyện đặt mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc bóc tách để các hộ ĐBDTTS có đủ đất sản xuất theo quy định. UBND huyện sẽ tiếp tục làm việc với 2 công ty lâm nghiệp trên địa bàn là Công ty Trầm Hương và Công ty Lâm sản để lựa chọn những diện tích đất bằng phẳng, đủ điều kiện sản xuất để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, giao cho UBND huyện sau đó giao đất cho dân. Đồng thời, UBND huyện nghiêm cấm việc mua bán, sang nhượng, cho thuê các diện tích đất này. “Sau khi được cấp đất, huyện sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật để người dân trồng các loại cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao như: mít nghệ, xoài, bưởi da xanh…”, ông Đồng cho biết.

Đẩy nhanh tiến độ

Theo kết quả giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã có quyết định thu hồi, bóc tách hơn 3.350ha đất rừng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương xây dựng phương án giao đất, nhưng các địa phương triển khai chậm, tỷ lệ giao đất đạt thấp, chỉ có huyện Khánh Sơn đạt tiến độ, huyện Khánh Vĩnh mới có khoảng 70 hộ được giao đất. Đến nay, diện tích đề nghị cấp cho các hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất chỉ khoảng 30%. Ông Nguyễn Quốc Thịnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc, HĐND tỉnh cho biết, đã kiến nghị UBND tỉnh yêu cầu các địa phương thống kê số hộ ĐBDTTS nghèo thiếu đất sản xuất, căn cứ vào quỹ đất còn lại để tiến hành giao đất “sạch”, đủ điều kiện sản xuất cho người dân.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo một công ty lâm nghiệp, diện tích đất có thể bóc tách là đất rừng sản xuất. Vì thế, khi bóc tách sẽ thu hẹp diện tích rừng sản xuất, khiến hoạt động của các doanh nghiệp vốn đã gặp khó sau khi đóng cửa rừng nay lại càng khó khăn hơn. Ông Nguyễn Khương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, các doanh nghiệp cần tự thu xếp hoạt động của mình, bởi việc bóc tách đất rừng để giao cho ĐBDTTS nghèo không chỉ giúp giảm nghèo, nâng cao đời sống mà còn giúp bảo vệ rừng. “Người dân có đất sản xuất, đời sống sẽ ổn định, sẽ không phá rừng hay đi phá rừng thuê cho các đối tượng khác. Đây là một trong những giải pháp bền vững nhất để giữ rừng”- ông Khương nói.

Nguồn: Đức Bình - Báo Khánh Hòa online
Web: http://baokhanhhoa.com.vn/