Huyện Phù Mỹ: Tăng cường phối hợp trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng

06/10/2016

Ngày 21 tháng 9 năm 2016, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phù Mỹ và Đồn Biên phòng Mỹ Thọ đã tổ chức Lễ ký kết “Quy chế phối hợp trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng” (gọi tắt là Quy chế phối hợp). Quy chế phối hợp chính là sự kế thừa, duy trì, phát huy và tăng cường trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm, dân quân tự vệ và biên phòng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện. Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp sẽ tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Phù Mỹ là huyện đồng bằng ven biển, có 17 xã và 02 thị trấn (trong đó có 16 xã có rừng). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 55.592,03 ha; diện tích đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp 20.553,89 ha chiếm 36,97 % diện tích tự nhiên. Diện tích có rừng trong lâm nghiệp 16.854,94 ha (rừng tự nhiên là 5.557,18 ha, rừng trồng 11.297,76 ha), diện tích rừng ngoài lâm nghiệp là 729,80 ha, đất lâm nghiệp chưa có rừng 3.698,95 ha; độ che phủ của rừng năm 2015 là 30,1% (theo kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2015). Đây là nguồn tiềm năng lớn để thúc đẩy phát triển các hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn huyện.

Thực tế trong nhiều năm qua, công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng đã được chính quyền địa phương và lực lượng kiểm lâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc nên tình trạng vi phạm các quy định trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng có xu hướng ngày càng giảm.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, do giá cả các mặt hàng lâm sản trên thị trường tăng cao, áp lực về dân số và nhà ở làm cho nhu cầu sử dụng gỗ và lâm sản ngoài gỗ tăng; tình trạng người dân thiếu việc làm vào rừng khai thác gỗ, săn bắt động vật rừng,... đã gây ra nhiều sức ép lên tài nguyên rừng, trong khi lực lượng bảo vệ rừng còn mỏng so với yêu cầu nhiệm vụ, phương tiện và thiết bị phục vụ công tác còn thiếu, kinh phí còn hạn hẹp, không đủ để thực hiện thường xuyên, liên tục. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, giao đất lâm nghiệp của ngành chức năng chưa đáp ứng với tình hình thực tế, chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân; việc sử dụng đất của các hộ dân không hợp lý, dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật và lấn, chiếm đất lâm nghiệp trái phép để trồng rừng kinh tế,… từ đó làm cho cuộc chiến bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn và thử thách, do đó cần có sự chung tay phối hợp của nhiều ngành chức năng liên quan để công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện ngày càng đạt hiệu quả cao.

Theo số liệu ghi nhận từ kết quả thực hiện “Quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng” theo quy định tại Nghị định số 74/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định về phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, phường, thị trấn, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong công tác bảo vệ rừng cho thấy: Liên ngành Kiểm lâm – Quân sự và Công an huyện Phù Mỹ đã phối hợp thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, làm giảm tình trạng xâm hại rừng, cháy rừng,... Một số kết quả cụ thể:

1. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác phối hợp hoạt động giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác

Tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ban hành các văn bản chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, Công an và Ban Chỉ huy Quân sự huyện trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn; có văn bản chỉ đạo, đôn đốc các lực lượng cấp xã, thị trấn tăng cường triển khai phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Xây dựng phương án, quy chế phối hợp giữa ba lực lượng công an, dân quân tự vệ và kiểm lâm cấp huyện, xã theo từng giai đoạn, từ đó hàng năm, hàng quý giữa ba lực lượng xây dựng kế hoạch công tác hoạt động cụ thể. Trong 05 năm qua, đã tham mưu cho Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện được 78 văn bản các loại và cấp xã là 720 văn bản.

2. Triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa lực lượng dân quân tự vệ với lực lượng công an xã, lực lượng kiểm lâm và các lực lượng khác

Trong thời gian qua giữa 03 lực lượng đã phối hợp tuần tra, kiểm soát bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng được 233 đợt, có 2.493 lượt người tham gia; kết quả đã phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, tham gia nhiều vụ chữa cháy rừng và đưa ra xử lý 107 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, phá, hủy 158 lò than. Lâm sản tịch thu: 9,592 m3 gỗ tròn các loại (từ nhóm I - nhóm VIII), 49,35 m3 gỗ xẻ các loại (từ nhóm I - nhóm VIII), 262,2 kg động vật hoang dã thông thường, 300kg than hầm; phương tiện tịch thu: 26 xe mô tô, 07 xe ô tô, 02 máy cưa xăng cầm tay; thu nộp ngân sách nhà nước 1.431.470.000 đồng;

Thông qua các cuộc họp thôn, các cuộc vận động, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với công tác quản lý, bảo vệ rừng,... để tuyên truyền trực tiếp trong nhân dân và thông qua hệ thống Đài truyền thanh của xã, huyện phát tin, bài thường xuyên hàng tuần, tuyên truyền trực tiếp được 228 đợt, với 10.170 lượt người tham dự, vận động hơn 679 hộ dân đăng ký bảo vệ rừng.

3. Việc phối hợp xử lý thông tin

Giữa ba lực lượng thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin; trao đổi qua các cuộc họp giao ban và đột xuất khi có thông tin quan trọng nhằm đạt hiệu quả cao theo yêu cầu nhiệm vụ của từng ngành đề ra. Khi nhận được thông tin có liên quan trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng thì giữa ba lực lượng có sự bàn bạc thống nhất và triển khai kịp thời theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, các lực lượng ở cơ sở thường xuyên báo cáo tình hình với ngành cấp trên để có ý kiến chỉ đạo kịp thời.

4. Việc tổ chức họp giao ban, sơ kết, tổng kết

Ở huyện: định kỳ 06 tháng đầu năm giữa ba lực lượng tổ chức sơ kết đánh giá tình hình và tổ chức tổng kết vào tháng 12 hàng năm hoặc tổ chức giao ban đột xuất tùy theo tình hình thực tế;

Ở cấp xã: Hàng tháng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã chủ trì họp giao ban giữa các lực lượng kiểm lâm phụ trách địa bàn, công an và lực lượng dân quân tự vệ xã trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn nhằm đánh giá những mặt làm được và khắc phục những hạn chế tồn tại. Định kỳ 6 tháng đầu năm thực hiện sơ kết và cuối năm tổng kết nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và quá trình thực hiện việc phối hợp giữa ba lực lượng trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian đến.

Kết quả thực hiện Quy chế phối hợp đã tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung. Đồng thời, để tiếp tục tăng cường công tác phối hợp trong công tác bảo vệ rừng theo quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ, ngày 21 tháng 9 năm 2016, Hạt Kiểm lâm huyện Phù Mỹ đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp trong công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng với hai đơn vị trên địa bàn huyện là Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Đồn Biên phòng Mỹ Thọ.

Hình ảnh tại Lễ ký kết Quy chế phối hợp

Quy chế phối hợp khi triển khai thực hiện sẽ là cơ sở vững chắc để các đơn vị tăng cường công tác phối hợp, thường xuyên liên hệ trao đổi kinh nghiệm, cung cấp thông tin và tổ chức hội nghị, họp bàn bạc để tìm các biện pháp, giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, để Quy chế phát huy hiệu quả cao trong thực tiễn, góp phần giúp công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện được bền vững, thời gian tới Hạt Kiểm lâm huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và Đồn Biên phòng Mỹ Thọ cần tập trung vào thực hiện các giải pháp: Trước hết, cần tăng cường trao đổi, cung cấp thông tin để phục vụ có hiệu quả trong công tác quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/2003/CT-TTg ngày 16/5/2003; Chỉ thị số 08/2006/CT-TTg ngày 08/3/2006 và Chỉ thị số 1685/CT-TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và chống người thi hành công vụ. Tăng cường phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể các cấp và chính quyền địa phương, chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Tăng cường chỉ đạo kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên bám rừng, bám dân kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý và tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm các quy định trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Thực hiện nghiêm túc chế độ giao ban và tiến hành sơ kết để kịp thời phát huy những mặt mạnh, tích cực đã đạt được và đánh giá rút kinh nghiệm, khắc phục những hạn chế, tồn tại.

Quy chế phối hợp chính là sự kế thừa, duy trì và phát huy trách nhiệm bảo vệ rừng của các bên tham gia. Chính vì thế, có thể khẳng định quy chế phối hợp sẽ tạo động lực cho việc hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Phù Mỹ trong thời gian tới./.

Nguồn tin: Nguyễn Xuân Vũ - Chi cục Kiểm lâm Bình Định