Huyện Ea Súp hiện nay có 28 dự án thuê
đất, thuê rừng để phát triển nông, lâm nghiệp, với diện tích khoảng 21.945 ha,
trong đó, 13 dự án trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR), 11 dự án trồng
rừng, cải tạo và QLBVR, 1 dự án trồng cây ăn trái và QLBVR, 1 dự án chăn nuôi
và QLBVR, 1 dự án trồng bông nguyên liệu, 1 dự án làng thành niên lập nghiệp.
Theo đánh giá của UBND huyện, tiến độ
triển khai của các dự án chậm, công tác QLBVR, đất rừng còn nhiều yếu kém dẫn
đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài; một số dự án triển khai không đúng nội dung
được phê duyệt.
Một dự án trồng cao su ở huyện Ea
Súp bị người dân lấn chiếm để trồng mì.
|
Mới đây, UBND huyện Ea Súp qua kiểm
tra tại 13 dự án trồng cao su và QLBVR tổng diện tích 10.669 ha, các chủ đầu tư
đã tiến hành khai hoang và trồng được 1.652,8 ha. Tuy nhiên, do điều kiện tự
nhiên không thuận lợi, cộng với giá cao su rớt thê thảm, nhiều diện tích cao su
không được đầu tư, chăm sóc đúng kỹ thuật, nên bị chết hoặc phát triển kém.
Điển hình là dự án của Công ty TNHH Anh Quốc 100 ha cao su được trồng từ năm
2011 đến nay đã chết hoàn toàn; dự án của Công ty TNHH Minh Hằng, khoảng 50 ha
cao su sinh trưởng không tốt, có hiện tượng vàng lá do ngập úng; Công ty
TNHH sản xuất xây dựng thương mại dịch vụ Đức Tâm có 30 ha cao su sinh trưởng
không tốt, tỷ lệ cây chết cao. Đối với 11 dự án thuê đất, thuê rừng để trồng,
cải tạo, QLBVR, tổng diện tích 6.599,6 ha, đến nay đã có 7 dự án triển khai
trồng rừng được 572,4 ha; 4 dự án còn lại đang trong quá trình chờ các cơ quan
chức năng phê duyệt thủ tục để trồng, cải tạo rừng. Trong số diện tích rừng
được trồng mới, qua kiểm tra cho thấy rừng trồng ở một số dự án sinh trưởng
không tốt, có tỷ lệ sống thấp hoặc bị chết cháy. Tại dự án của Công ty TNHH
Thương mại dịch vụ XNK Hoàng Gia Phát do không thực hiện tốt phương án phòng
cháy chữa cháy nên 35 ha rừng trồng bị cháy, khiến công ty phải đầu tư trồng
lại số diện tích này. Dự án của Công ty TNHH CĐXD và chế biến gỗ Thái Dương đã
cải tạo, trồng được 65,4 ha rừng vào năm 2012 nhưng gặp thời tiết nắng nóng,
khô hạn nên tỷ lệ sống thấp, sinh trưởng không tốt buộc công ty phải trồng lại.
Ngoài ra, việc triển khai thực hiện
các dự án trên cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, trong đó, tình trạng lâm
tặc khai thác gỗ, nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra hết sức phức tạp.
Theo đó, có 253 ha rừng bị người dân phá và bao chiếm tập trung tại các dự án
của Công ty TNHH Minh Hằng (68,8 ha), Doanh nghiệp tư nhân Phát Đạt (40 ha),
Công ty TNHH Gia Huy (65 ha)... Tình trạng lấn chiếm đất của các dự án cũng
“nóng” không kém, đã có 447 ha đất bị người dân bao chiếm, tranh chấp với các
chủ dự án, cá biệt như Công ty TNHH Gia Huy được giao 698 ha đất, đất rừng
nhưng đến nay chỉ trồng được 190 ha cao su và keo lai, vì diện tích còn lại đã
bị người dân bao chiếm hết. Qua kiểm tra, huyện Ea Súp cũng phát hiện ở một số
dự án có dấu hiệu vi phạm như Công ty TNHH trồng rừng 27/7 đã khai hoang 38,66
ha đất có rừng để trồng cao su khi chưa được các cấp có thẩm quyền cho phép;
Công ty Cổ phần địa ốc Tân Bình Phát trồng mì trái phép trên diện tích 40 ha
đất trống…
Huyện Ea Súp cho biết, để các dự án
triển khai đúng tiến độ, sớm phát huy hiệu quả, địa phương đã yêu cầu các chủ
đầu tư tăng cường lực lượng quản lý bảo vệ rừng; nhanh chóng khắc phục khó
khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo cam kết. Ngoài ra, kiến nghị với
UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành chức năng hỗ trợ địa phương và chủ đầu tư tăng
cường lực lượng để xử lý các hành vi xâm hại, lấn chiếm đất rừng và thu hồi
diện tích đất rừng bị lấn chiếm theo Chỉ thị số 1865/CT-TTg, ngày 27-9-2011 của
Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 16-3-2012 của UBND tỉnh;
đồng thời có cơ chế cho các dự án được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ưu đãi
để có điều kiện triển khai nhanh dự án…
Nguồn, Ảnh, Web: Vạn Tiếp - Báo Đăk Lăk điện tử
http://baodaklak.vn/