Ngày 18/8/2017, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm
nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ tổ chức Hội
nghị triển khai Đề án tăng cường năng lực quản lý hệ thống khu bảo tồn và Kế
hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn linh trưởng tại Việt Nam đến năm 2025, tầm
nhìn 2030.
Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng
Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Bộ Tài chính; các tổng cục, cục, vụ liên quan thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT,
các cơ quan đào tạo, nghiên cứu chuyên ngành, các Vườn quốc gia, các Khu bảo
tồn thiên nhiên, các đối tác phát triển, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa
học hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, và các cơ quan truyền thông.
“Đề án Tăng cường năng lực quản lý hệ thống
khu bảo tồn thiên nhiên đến năm 2025, tầm nhìn 2030” và “Kế hoạch hành động
khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng đến năm 2025, tầm nhìn 2030”do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì xây dựng cùng với Bộ Tài
nguyên và Môi trường, sự tham gia của các bộ/ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân
từ trung ương đến địa phương, Tổ chức Nghiên cứu Động, Thực vật Quốc tế (FFI),
các tổ chức về bảo tồn và Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Đức thông qua Dự án
“Chương trình bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh
thái rừng tại Việt Nam” tài trợ.
Đề án và Kế hoạch nêu trên đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 626/QĐ-TTg và Quyết định số
628/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2017. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để
thu hút tối đa sự tham gia của toàn thể xã hội và huy động các nguồn lực từ nhà
nước cũng như các tổ chức, cá nhân quan tâm trong và ngoài nước với mục tiêu là
kịp thời bảo tồn các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm và khắc phục những bất
cập trong quản lý các khu bảo tồn.
Phát biểu tại Hội nghị, Ông Cao Chí Công, Phó
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp đánh giá cao sự tham gia của các Bộ, ngành,
địa phương và các nhà khoa học trong việc xây dựng thành công 02 Đề án. Ông Cao
Chí Công cũng nhấn mạnh, để hiện thực hóa 02 Đề án này, thời gian tới cần phải
triển khai các hoạt động theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó
Tổng cục Lâm nghiệp mong muốn các địa phương, các Khu bảo tồn và đặc biệt là
các tổ chức phi chính phủ quan tâm hợp tác xây dựng thành các dự án cụ thể theo
từng vùng, từng lĩnh vực mà các nhà tài trợ và địa phương quan tâm với mục đích
chính là bảo tồn kịp thời các nhóm loài linh trưởng, cũng như nâng cao năng lực
các khu bảo tồn.
nguồn: Văn phòng Tổng cục