Hội nghị giao ban công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng năm 2017 phương hướng nhiệm vụ năm 2018

11/12/2017

Hội nghị thảo luận những kết quả đã đạt được, những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại trong năm 2017, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục, phương hướng phát triển cho năm 2018.

Ngày 08/12/2017, tại Tp.Cà Mau, Tổng cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Về dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp; Đại diện Cục Kiểm lâm; Đại diện Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau; Đại diện Chi cục Kiểm lâm Vùng III, Vùng IV; Đại diện Chi cục Kiểm lâm của 32 tỉnh thành phía Nam; Đại diện Hạt kiểm lâm các Vườn Quốc gia Cát Tiên, Yok Don thuộc Tổng cục Lâm nghiệp.



Đồng chí Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị tập trung nhấn mạnh những vấn đề như Kết quả thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng năm 2017, phương hướng nhiệm vụ năm 2018; Tổng kết, đánh giá việc thực hiện thẩm quyền của Kiểm lâm trong việc khởi tố vụ án hình sự (Bộ luật hình sự năm 1999) và triển khai một số Điều của Bộ luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015… Đề ra các giải pháp phát triển cho năm 2018.

Theo đánh giá tại Hội nghị, năm 2017, công tác bảo vệ rừng nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự vào cuộc của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương; đưa ra nhiều giải pháp và đã đạt được một số kết quả nổi bật như:

- Công tác Bảo vệ rừng được nâng cao, giảm thiểu số vụ vi phạm Luật bảo vệ và Phát triển rừng; Một số kết quả đạt được như:

(1) Thống kê 32 tỉnh phía Nam, tổng số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng giảm 22% (giảm 2040 vụ); Diện tích rừng thiệt hại giảm 48%; Diện tích bị phá giảm 25% (232ha) so với năm 2016;(2) Giảm thiệt hại do cháy rừng gây ra, 84% về số vụ và 83% về diện tích thiệt hại;(3) Các vụ chống người thi hành công vụ vẫn diễn ra phức tạp, có tổ chức, hành động liều lĩnh;(4) Dịch vụ môi trường rừng tạo nguồn thu cho khoảng 2,3 triệu ha rừng; (5) Công tác phát triển rừng tổng thể hoàn thành.

Đây là những chỉ tiêu chính, góp phần quan trọng vào phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT. Bên cạnh những kết quả quan trọng của ngành đã đạt được, vẫn còn một số tồn tại hạn chế như sau:

- Chỉ tiêu trồng rừng phòng hộ, rừng ven biển còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch.

- Công tác bảo vệ rừng và PCCCR vẫn còn một số tồn tại và hạn chế như: còn những điểm nóng về phá rừng, vận chuyển, tàng trữ lâm sản trái phép.

Những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế:

- Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, mưa, rét, khô hạn thất thường ảnh hưởng đến công tác phòng chống cháy rừng và thời vụ trồng rừng.

- Diện tích đất để trồng rừng phòng hộ của các địa phương phân bố phân tán và ở địa bàn xa, đi lại khó khăn, thực tế chi phí trồng rừng lên cao, trong khi đầu tư cho trồng rừng chưa được điều chỉnh phù hợp với thực tế.

- Công tác chỉ đạo triển khai trồng rừng thay thế ở nhiều tỉnh chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt là một số tỉnh có chỉ tiêu kế hoạch lớn; các địa phương chưa chủ động bố trí ngân sách để thực hiện trồng rừng thay thế.

Tổng Cục trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh, quan điểm phát triển của ngành trong thời gian tới là phát triển bền vững, để phát triển bền vững cần chú ý các yếu tố: Rừng phải bền vững, cơ chế phải bền vững, sử dụng phải bền vững. Phát triển rừng bền vững là trách nhiệm;

- Về lâu dài lấy rừng nuôi rừng, tăng cường dịch vụ môi trường rừng, khai thác tiềm năng rừng trồng, khai thác mô hình nông lâm kết hợp sản xuất;

- Trồng cây gì do mục đích sản xuất quyết định, người làm nghề rừng sống được nhờ rừng, xóa đói được nhờ rừng; Đầu tư cho Lâm nghiệp là tạo nguồn lực dự trữ cho quốc gia.

Đồng bộ với đó là các giải pháp thực hiện trong thời gian tới:

- Tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thông báo 511/TB-VPCP ngày 1/11/2017 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại "hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và giải pháp thực hiện trong thời gian tới";

- Thực hiện tốt việc rà soát, kiểm soát chặt chẽ mục đích chuyển đổi mục đích sử dụng rừng (67% do chuyển đổi mục đích sử dụng rừng gây ra mất rừng); Thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Không chuyển đổi rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, kiểm soát chặt chẽ rừng ven biển, rừng khộp;

- Đối với những thiệt hại về thiên tai: cần phản ứng nhanh trước tình hình, cần quan tâm đến nguồn giống trồng lại rừng đối với những tỉnh thiệt hại;

- Ứng dụng phần mềm trong công tác thống kê, đánh giá hiện trạng rừng cần triển khai nghiêm túc.

- Cần nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng với mục tiêu phát triển bền vững, đưa ngành Lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế./.



Đ/c Nguyễn Quốc Trị - Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp phát biểu Bế mạc hội nghị

Một số hình ảnh của các đồng chí đại diện các Chi cục Kiểm lâm tham gia thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Gia lai đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Đà Nẵng đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Cà Mau đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Bình Định đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Tp.Hồ Chí Minh đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Chi cục kiểm lâm Vùng IV đóng góp ý kiến thảo luận tại Hội nghị


Đại diện Văn phòng Chính phủ phát biểu ý kiến tại Hội nghị


Toàn cảnh hội nghị

Nguồn: Vũ Cao Sơn – Phòng Nghiệp vụ II