Hiệu quả từ giao khoán đất lâm nghiệp ở huyện Lắk

15/11/2021

Những năm qua, hình thức giao khoán đất lâm nghiệp cho các hộ dân trên địa bàn huyện Lắk đã phát huy hiệu quả thiết thực, qua đó góp phần tăng thêm thu nhập và tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Huyện Lắk có tổng diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp trên 98.700 ha, trong đó diện tích đất có rừng gần 80.000 ha, độ che phủ rừng đạt trên 63,6%. Với đặc điểm rừng phân bố trải rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn toàn huyện, địa hình hiểm trở nên việc liên kết, giao khoán trồng rừng được các công ty lâm nghiệp trên địa bàn huyện đặc biệt chú trọng nhằm tăng độ bao phủ rừng hằng năm.

Là một trong những đơn vị quản lý hơn 24.000 ha đất lâm nghiệp, trong đó đất rừng phòng hộ gần 15.700 ha và rừng sản xuất 8.400 ha, những năm qua Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk đã triển khai khá hiệu quả việc giao khoán rừng trồng đối với các hộ dân trên địa bàn.

Cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk kiểm tra tiến độ trồng rừng tại các hộ giao khoán.

Thực hiện Nghị định số 135/2005/NQ-CP, ngày 8-11-2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông, lâm trường quốc doanh, hiện nay công ty đang thực hiện giao khoán đất lâm nghiệp cho 57 hộ với tổng diện tích gần 1.100 ha. Cụ thể là các xã Đắk Nuê (hơn 803 ha), Krông Nô (hơn 134,6 ha) và Đắk Phơi (hơn 140,6 ha). Nhờ việc giao khoán này, nhiều khu vực đất lâm nghiệp dần được phủ cây rừng, đồng thời tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Theo thống kê, hằng năm công ty sử dụng khoảng 14.400 – 18.200 lượt lao động theo thời vụ và hơn 50 lao động thường xuyên tại địa phương.

Năm 2008, ông Đỗ Xuân Nghĩa (trú thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) nhận khoán được 60 ha rừng trồng tại buôn Đắk Sar, xã Đắk Nuê từ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk. Sau hơn 13 năm gắn bó, việc trồng và chăm sóc rừng trở thành nghề chính và đem lại thu nhập ổn định cho gia đình ông. Trên diện tích này, đến nay, gia đình ông đã thu hoạch được 2 chu kỳ (một chu kỳ từ 4 - 5 năm), sau khi trừ hết mọi chi phí thuê nhân công, phí vận chuyển... mỗi năm thu lãi khoảng 150 triệu đồng. Ông chia sẻ, khi nhận khoán đất rừng, gia đình ông cũng cảm thấy lo lắng, bởi diện tích lớn, người làm ít, trong khi đây là khu vực đồi núi trọc. Song nhờ sự hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk, gia đình ông đã mạnh dạn thuê người làm, bỏ vốn trồng cây keo lai. Những năm đầu khi cây keo còn nhỏ, ông cho người dân trồng xen canh lúa rẫy, sắn, bo bo để họ có thêm lương thực, đồng thời tăng độ tơi xốp cho đất và giữ nước, tránh xói mòn. Nhờ vậy, bà con vừa có lương thực thu hoạch, ông không tốn chi phí chăm sóc mà rừng trồng lại phát triển nhanh.

Tương tự, hộ anh Châu Tấn Việt (trú xã Bông Krang, huyện Lắk) nhận khoán 10 ha rừng tại xã Krông Nô (huyện Lắk) từ năm 2010. Sau hơn 10 năm trồng, gia đình anh đã thu hoạch được hai chu kỳ, trung bình mỗi năm lãi khoảng 40 - 50 triệu đồng. Anh Việt cho hay, trồng rừng đơn giản hơn các loại cây nông nghiệp khác, mỗi năm chỉ cần làm cỏ hai lần nên không tốn chi phí là bao. Hiện nay, anh đã đầu tư xây thêm lán trại nuôi 10 con bò thả trong rừng nhằm tăng thêm thu nhập.

Anh Châu Tấn Việt (trú xã Bông Krang, huyện Lắk) làm cỏ cho rừng keo mới trồng.

Ông Nguyễn Trương Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk cho biết, ngoài ổn định kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người dân, việc giao khoán trồng rừng còn góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc, đóng góp tích cực vào kết quả thực hiện kế hoạch trồng rừng hằng năm của tỉnh và huyện. Đồng thời, làm thay đổi nhận thức của người dân địa phương về lâm nghiệp, công tác bảo vệ rừng; phát huy tiềm năng đất đai tạo ra vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, dăm ép tương đối lớn tại địa phương...

Tuy nhiên, hiện nay việc trồng rừng tại huyện Lắk vẫn còn một số khó khăn như chưa có cơ sở chế biến tại chỗ nên chi phí vận chuyển cao, nhận thức của người dân về kinh doanh gỗ còn thấp, xuất hiện rủi ro do thiên tai, cháy rừng... Vì vậy, những năm qua, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nhân dân tham gia công tác quản lý, bảo vệ rừng; nâng cao nhận thức của người dân về việc mua bảo hiểm thiên tai; kiến nghị với các ban, ngành liên quan xây dựng cơ sở chế biến gỗ tại chỗ để tiết kiệm chi phí vận chuyển, góp phần tăng thu nhập cho người dân. Dự kiến trong những năm tới công ty sẽ trồng rừng theo hướng đa mục đích (tức công lâm nghiệp rừng), trồng các loại cây vừa lấy gỗ, vừa thu được quả, làm dược liệu như dổi, kơ nia, óc chó, mắc ca... và hướng đến xây dựng nguyên liệu gỗ rừng trồng có Chứng nhận FSC (Forest Stewardship Council) để tăng giá trị các loại gỗ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.

Khánh Huyền

Nguồn: https://baodaklak.vn/kinh-te/202111/hieu-qua-tu-giao-khoan-dat-lam-nghiep-o-huyen-lak-5710388/