Hai xe lâm tặc cùng cưa xăng buộc
chặt, đưa gỗ về xuất bán cho đầu nậu. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Từng đoàn xe độ chế chở gỗ lậu
nối đuôi nhau rầm rập chạy qua Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Ia Rsai (Krông
Pa, Gia Lai). Gỗ được cắt, xẻ thành hộp đưa lên xe tuồn ra khỏi rừng đưa thẳng
đến các “đầu nậu”. Ba trạm gác cửa rừng của Ban QLRPH Ia Rsai trấn ải xung
quanh, nhưng thật khó hiểu, gỗ vẫn bị tàn phá một cách công khai.
Lộ liễu, ngang nhiên
T - người dẫn đường - cho biết,
tại Krông Pa, lâm tặc như được “chống lưng”, phá rừng bất kể ngày đêm. Cây bị
đốn hạ, xẻ hộp ngay tại rừng. Đêm xuống, chất gỗ lên xe, tìm cách đưa ra bên
ngoài. Có mặt tại “điểm nóng” Krông Pa, T nói, phục quay clip lâm tặc chở gỗ
rất dễ, nhưng nếu bị phát hiện thì “khó bảo toàn mạng sống”. Nơi Krông Pa này,
đã xuất hiện lâm tặc là con nghiện ma túy, chúng thẳng tay thanh trừng những ai
cản trở “công việc” của chúng.
Hai xã Ia Rsai và Chư Rcăm (Krông
Pa), ngay bìa rừng, từng khoảnh rừng trọc đã hiện ra. Tiếng cưa xăng chát chúa,
gầm vang cả núi đồi. Tối, khoảng 18h, T ra lệnh: “Đi theo ngay, xe lâm tặc bắt
đầu ra rồi”. Bám theo, PV phát hiện cứ 10 phút, từng tốp 2-4 xe máy độ chế lao
ra, “cõng” 4-6 hộp gỗ nhắm thẳng hướng QL25. Đuổi theo, PV tận thấy 1 chiếc chở
5 hộp gỗ căm xe dài 1-1,5m, buộc ngang. Phía trước 2 chiếc độ chế buộc chặt các
gốc gỗ hương cùng cưa xăng chạy “bạt mạng”. Chụp xong, T quay đầu xe, nói: “Ta
phục các xe khác”. Từ xa, một chiếc khác chở 2 hộp gỗ dài khoảng 3,5m, buộc dọc
thân xe, lao đến, phía sau treo lủng lẳng các can xăng. “Gỗ căm xe đấy. Đêm,
kiếm 800.000 - 3.000.000 đồng, tùy khối lượng, chủng loại gỗ” - T tiết lộ. “Hai
chiếc nữa đang ra” - theo hướng T chỉ, hai chiếc độ chế chở gỗ hương ào ào tiến
lên. Chúng tôi “rượt” theo, lâm tặc tăng ga, nhả khói đen sì, bụi từ con đường
cuộn lên mù mịt. Chụp hình xong, tôi ra hiệu “OK”. Phục đến 23h, T đếm, đêm đó khoảng
50 xe lâm tặc “ăn hàng”.
Chặn chỗ này, chạy chỗ kia!
Khó hiểu, lâm tặc chạy xe gỗ ào
ào mặc hai trụ sở UBND xã Ia Rsai và Ban QLRPH Ia Rsai đối diện hai bên. T cho
biết, lâm tặc “canh” giờ đưa gỗ ra chủ yếu từ 12-13h trưa và 19-22h hằng ngày,
đi qua hai trục đường chính là “đường bốn buôn” và “thôn Tân Lập”. Gỗ từ rừng
được tập kết cho 3-4 “đầu nậu” trong huyện, từ đường đi của xe gỗ, PV phát
hiện, đích đến có “đại lý” của đầu nậu L.V.H (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai, huyện
Krông Pa). Gỗ ở đây chủ yếu là hương, căm xe, cà chít, gáo. Mỗi tháng, một lâm
tặc đi 10-12 chuyến, bỏ túi 10-20 triệu đồng, lợi nhuận gấp nhiều lần làm rẫy
mì (sắn).
Bị Chi cục trưởng Chi cục Kiểm
lâm Gia Lai Nguyễn Nhĩ gọi điện truy vấn, Hạt trưởng Hạt KL huyện Krông Pa
Trương Quốc Dụng cho biết: “Hạt KL vừa rồi bắt khoảng 10 xe, UBND xã Ia Rsai
bắt 13 xe, CA huyện bắt 5 xe, nó (lâm tặc) đi liên tục”. “Nếu bị bắt như thế,
có vấn đề gì ở đây mà lâm tặc vẫn liều như thế?. Ba trạm gác cửa rừng mà sao xe
lâm tặc ra vào ngang nhiên? Xem nguồn gỗ tập kết, tiêu thụ ở đâu? Phải chặt
được ngay chỗ tập kết” - ông Nhĩ truy tiếp. “Có thông tin, lính của trạm gác
cửa rừng Ban QLRPH Ia Rsai lợi dụng Trưởng ban Vũ Đức Dân mới về nhận công tác,
thứ bảy, chủ nhật “canh” lãnh đạo nghỉ thì cho xe lâm tặc vào phá, lấy mỗi xe
50.000 - 150.000 đồng” - ông Dụng khai báo với Chi cục trưởng Chi cục KL. Hạt
trưởng KL Krông Pa Trương Quốc Dụng thông tin thêm: “Lâm tặc ở đây rất “ma”,
lực lượng vừa rời chốt, ra về là lâm tặc ào ào chạy ra”. Trong khi đó, Trưởng ban
QLRPH Ia Rsai Vũ Đức Dân, ta thán: “Rất khó, đường ở đây rất nhiều. Chặn chỗ
này thì lâm tặc chạy chỗ kia”. Cũng vì chặn bắt gỗ lậu, Chủ tịch UBND xã Ia
Rsai Ngô Tiến Hùng bị xe ôtô bán tải của lâm tặc lao vào húc, may thay, nhảy
thoát ra ngoài nên bảo toàn tính mạng.
“Phải tạo ra cú đấm, bao vây khu
vực điểm nóng này. Sở sẽ phát văn bản gửi Chủ tịch huyện Krông Pa Tô Văn Chánh
phối hợp xử lý”. GĐ sở NNPTNT Gia Lai Trương Phước Anh quả quyết. Nhiều năm,
Gia Lai đã có chỉ thị, huyện nào để xảy ra nạn phá rừng thì Chủ tịch huyện đó
phải chịu trách nhiệm. Thế nên, hình thức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với
Chủ tịch huyện xem ra chưa phải là hữu hiệu (!).
Nguồn: Đình Văn - Báo Lao động
Web: http://laodong.com.vn/