Lâm tặc
tìm những cây gỗ to để đốn hạ. Ảnh Đ.V
Rừng gỗ quý tại khu vực xã Ia Rsai, Chư Rcăm (huyện Krông
Pa, Gia Lai) đang bị lâm tặc đốn hạ ngày đêm. Gỗ được xẻ thành hộp, đẽo tròn
trước khi đưa ra bìa rừng với sự tiếp tay của chính quyền sở tại. Trong khi lâm
tặc phá nát rừng lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Rsai thì giám đốc của
ban này lại đang bị Chi cục Kiểm lâm Gia Lai điều tra về việc vận chuyển gỗ
trái pháp luật.
Tàn sát... rừng
Người dẫn đường đưa chúng tôi vào hai tiểu khu 1307 và 1325
do BQLRPH Ia Rsai (Sở NNPTNT Gia Lai) quản lý. Đi được 5km đầu tiên, từng khoảnh
rừng trọc hiện ra. Dọc con đường mòn, xuất hiện nhiều gỗ khúc nằm cạnh vệ đường,
chờ vận chuyển. Chúng tôi lội bộ, hàng chục cây gỗ vừa bị đốn hạ nằm san sát.
Cây chưa kịp xẻ hộp nằm ngổn ngang, đường kính 50-70cm, nhựa rỉ tươi rói.
Càng tiến vào sâu tiếng cưa xăng rền vang, gầm rú cả núi đồi.
Lâm tặc “ranh ma” đến nỗi, đốn hạ nhiều cây trên một khoảnh để “tiết kiệm” việc
di chuyển cũng như dễ bề tập kết. Từng đoạn, chúng tôi lại bắt gặp cành, bìa,
mùn cưa mới tinh lâm tặc để lại. Dọc đường, từng tốp xe máy độ chế “cõng” 2-4
lóng gỗ hộp dài 3 - 4m tìm cách tuồn ra ngoài. Trong khi tốp khác lại chở cưa lốc,
xăng can dự trữ đi vào, tìm cây to, gỗ tốt đốn hạ.
Đi thêm khoảng 20km, vùng lõi hai tiểu khu 1307, 1325 hiện
ra. Rừng ở đây bị phá tan hoang. Cây cối xung quanh bật gốc, ngã rạp, nằm chồng
nhau. Đồng nghiệp đi cùng, hễ thấy cây gỗ bị đốn hạ là chạy đến vòng tay ôm, đo
đường kính. Chỉ trong bán kính 2km, có đến hàng trăm hộp gỗ nằm rải đều dưới đất,
gần đó, nhiều khúc gỗ đường kính 1m vừa đốn hạ, nhựa rỉ như máu. Điều ám ảnh
chúng tôi tại hai tiểu khu này, phía trên nhiều thân cây ghim tấm bảng “cấm chặt
phá rừng”, nhưng bên dưới gỗ hộp bị đốn hạ nằm la liệt. Để phá rừng được nhiều,
lâm tặc ngang nhiên dựng cầu tạm bắc qua suối để đi lại. Ba trạm gác bảo vệ rừng
của BQLRPH Ia Rsai nằm án ngữ xung quanh nhưng rừng vẫn bị đốn ngã.
Người dẫn đường tên T tiết lộ, khu vực rừng BQLRPH Ia Rsai bị
tàn phá nhiều năm nay. Gỗ ở đây chủ yếu là hương, căm xe, cà chít, dầu. Cao điểm,
mỗi ngày có hàng trăm lượt xe tải, xe máy độ chế “cõng” cưa lốc, thức ăn vào rừng
phá gỗ. Chỉ từ 4h - 5h30 sáng, 2.000 lít xăng đã được bán sạch cho lâm tặc.
Chính quyền bị mua chuộc?
Bên ngoài, lâm tặc chạy xe gỗ ào ào mặc hai trụ sở UBND xã
Ia Rsai và BQLRPH Ia Rsai đối diện hai bên. T cho biết, lâm tặc phá rừng chủ yếu
là người Phú Yên, Đắc Lắc và địa phương. Gỗ từ rừng được tập kết cho 3-4 “đại
lý” trong huyện, sau đó được doanh nghiệp Bình.P (xã Chư Rcăm) gom lại, cứ đủ
100 tấn là “hợp thức hóa” giấy tờ xuất đi Đồng Kỵ (Bắc Ninh). T nói, việc làm
luật đã có “đại lý” thỏa thuận ngầm với cán bộ, lâm tặc không phải làm (!).
“Kiểm lâm làm việc mà né là sao” - Chủ tịch UBND huyện Krông
Pa Tô Văn Chánh ngạc nhiên, rồi gọi điện cho Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện
Krông Pa - Bùi Đức Việt: “Dù bận việc gì hay công tác ở đâu, cố gắng sắp xếp
làm việc với anh em báo chí. Người ta vào rừng chụp hình phá gỗ, đang cung cấp
cho chính quyền đây”.
Trước hình ảnh PV Lao Động cung cấp, ông Việt thốt lên: “Ừ...
nó (lâm tặc) cắt cũng hơi nhiều đấy. Tiếng cưa lốc vang dữ lắm, sát BQLRPH Ia
Rsai quản lý, gỗ bị cắt cỡ đấy mà không biết thì vô lý quá”.
Giám đốc BQLRPH Ia Rsai - Nguyễn Đình Sơn lại cho rằng, lực
lượng mỏng, không có súng để trấn áp lâm tặc trong khi đơn vị quản lý trên
17.000ha rừng. Phó GĐ Sở NNPTNT Gia Lai - Vũ Ngọc An sau khi xem hình ảnh, nói:
“Chúng tôi sẽ cho kiểm tra ngay”.
Giám đốc ban quản lý vận chuyển 4,363m3 gỗ lậu
Trong khi rừng tại lâm phần quản lý bị tàn phá, GĐ BQLRPH Ia
Rsai -Nguyễn Đình Sơn lại đang bị Chi cục Kiểm lâm Gia Lai điều tra việc vận
chuyển gỗ trái pháp luật. Từ mật báo, ngày 26.11, tại khu vực thôn Quỳnh 3, xã
Chư Rcăm (huyện Krông Pa), Hạt kiểm lâm (Hạt KL) Krông Pa đã bắt giữ xe tải BKS
78K - 2566 chở 159 hộp gỗ khối lượng 9,818m3 gồm gỗ hương, sao, gáo
vàng...
Tại trụ sở Hạt KL huyện Krông Pa, ông Sơn khai nhận số gỗ là
của mình, dùng để xây quán càphê. Đồng thời trưng hóa đơn bán hàng và bảng kê
lâm sản của Cty lâm nghiệp và xây dựng An Khê xuất bán cho ông. Tuy nhiên kiểm
đếm, Hạt KL phát hiện chỉ có 4,555m3 gỗ phù hợp với giấy tờ,
4,363m3 sai khối lượng, chủng loại so giấy tờ kèm theo. Còn
0,962m3 có dấu búa kiểm lâm, ông Sơn khai rằng, “Gỗ thanh lý được DN cho lại
mình”. Mâu thuẫn là, gỗ được bốc lên xe trong khu vực trụ sở BQLRPH Ia Rsai
(huyện Krông Pa) nhưng giấy tờ xuất bán lại ở TX. An Khê, cách trên 100km.
Trước dấu hiệu vận chuyển lâm sản trái pháp luật, Hạt KL
Krông Pa đã báo cáo Chi cục Kiểm lâm, đồng thời đưa xe tang vật, số gỗ về trụ sở
tạm giữ, điều tra.
Nguồn: Đình Văn - Báo lao động
Web: http://laodong.com.vn/