Hai “mãnh hổ” Rơ Mah Kem (trái) và Nguyễn Hữu
Mạnh bên rừng hương do hai ông chăm sóc, gìn giữ. Ảnh: ĐÌNH VĂN
Từng gốc hương trong khu rừng 2.000 cây ở xã
Kriêng, huyện Đức Cơ (Gia Lai), hai ông Nguyễn Hữu Mạnh (SN 1962) và Rơ Mah Kem
(1966) thuộc lòng như chỉ tay. Chỉ cần ông Rơ Mah Kem hét lên một tiếng như hổ
gầm, lâm tặc bị bà con bủa vây, không đường thoát. Gần 20 năm được hai “mãnh
hổ” trấn giữ, khu rừng hương vô giá không mất một cành cây.
Nguyện chết... giữ rừng
Mặc dù đã thông thuộc nhiều khu rừng vùng Tây
Nguyên, nhưng khi được mục sở thị, anh H., một kiểm lâm viên kinh ngạc thốt
lên: “Tuyệt vời. Hiếm có một quần thể khu rừng hương bạt ngàn và hùng vĩ như
thế này”. Cây lớn, cây nhỏ đan xen nhau, tia nắng mặt trời khó lọt. Nhìn từ xa,
khu rừng hiện lên xanh thẳm. Anh Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ,
kể: “Thuở sơ khai, dân làng bao bọc, được những người “đặc biệt” chăm sóc, khu
rừng không mất một cây nào, đó là điều hiếm”.
Thấy tôi hăm hở, anh Lam sốt sắng điều “lính”
dẫn nhà báo vào rừng hương. “Ở trong, đã có sẵn hai cán bộ giữ rừng “đặc biệt”.
Cứ vào, quan sát và cảm nhận”, anh nói ngắn gọn. Trung tâm thị trấn Chư Ty của
huyện lị Đức Cơ vào khu rừng không xa. Con đường mòn trải nhựa, lâu năm, đá dăm
đã trốc lên khỏi mặt đường. Chiếc xe nhún nhảy mỗi khi gặp “ổ gà”. Hai bên
đường, những cánh rừng cao su thẳng tắp, trải dài của Binh đoàn 15 (Bộ Quốc
phòng) bao quanh, xanh mướt. Cách khu rừng chừng 1 km, hơn 50 nóc nhà sàn người
đồng bào J’rai hiện ra, khói lam chiều lan tỏa như tranh vẽ. Khu rừng được ngôi
làng có tên Grôn bao quanh, che chắn. Muốn vào, muốn ra đều phải qua làng Grôn.
Rừng hương mùa này đang thay lá, hàng cây chĩa thẳng lên trời ngạo nghễ. Những
tán lá xanh rì rào như vẫy gọi. Trên thân mỗi cây đều có đánh dấu thứ tự, vị trí
để kiểm tra. Ẩn sát khu rừng là chốt gác bằng xi măng của hai “mãnh hổ” giữ
rừng Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem.
Ông Mạnh quê Quảng Bình, năm 1994 cùng vợ con
dắt nhau vào Gia Lai lập nghiệp. Ở quê nhà xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch,
ông cũng tham gia giữ rừng. Cũng chẳng phải biên chế, hay hợp đồng gì với xã.
Chỉ vì muốn rừng giữ nguồn nước cho làng, ông hăng hái tình nguyện giữ rừng. Ai
vào phá, chặt gỗ ông Mạnh đều báo cho xã, huyện truy bắt, xử lí. Thấy khu rừng
xanh tốt, xã hỗ trợ cho ông mấy tạ lúa coi là trả công. Đến khi vào Gia Lai,
thấy khu rừng hương, “sướng” quá, ông Mạnh tha thiết chính quyền cho mình được
giữ rừng. Thấm thoắt gần 18 năm, ông ở trong khu rừng này, ăn ở, ngủ cùng rừng.
Ngày đầu tiên vào đây, ông giăng bạt, quây cọc
gỗ làm lán. Đêm hôm sấm sét, rắn rết, cây đổ... ông cũng chẳng nản lòng. “Giữ
rừng, lương được mấy đồng”, vợ nói. “Bọn nghiện ngập, lâm tặc vô phá, chúng đâm
chết đấy”, bạn bè lo lắng. Ông bình thản trả lời: “Đến đâu thì đến. Đã giữ rừng
thì chống đến cùng”. Cũng đúng thôi, bây giờ 1m3 gỗ hương giá đã là 70 - 100
triệu đồng, một cây cũng lên đến 20 - 25 m3 gỗ, bạn bè lo, âu cũng không thừa.
Sau 13 năm làm trưởng thôn Grôn, ông Rơ Mah
Kem - một người dân tộc J’rai - đã tình nguyện cùng giữ rừng với ông Mạnh.
Những năm tháng luồn lách giữa rừng hương, đã tạo cho Rơ Mah Kem làn da đỏ như
đồng, thân thể vạm vỡ như con gấu, giọng nói khoẻ, đầy uy lực như chúa sơn lâm.
Ông thuộc từng gốc cây, ngọn lá. Ngày này qua tháng khác, ông Kem và ông Mạnh
vạch từng chiếc lá, đi tuần. Ban ngày, cầm rựa phát quang chống cháy, dọn thực
bì, đóng biển “rừng cấm”. Nghỉ ngơi trừ lúc ăn cơm. Có đêm, đang ngủ, hai ông
cùng bật dậy cầm đèn pin đi kiểm tra chỉ vì nghe tiếng sột soạt nào đó.
“Từ ngày có hai ông trong rừng, không một cây
hương nào bị mất. Bóng dáng lâm tặc cũng không”, Phó Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND
xã Kriêng - Rơ Mah Le nói. Lâm tặc thi thoảng nhòm ngó, liên tục nhắn tin đe
dọa “đòi” xin gỗ. Ông Mạnh đáp trả: “Rừng của Nhà nước, đụng vô thì đi tù”. Mà
phá sao được, khi muốn vào hoặc vận chuyển gỗ ra là bị làng Grôn vây ráp. Hơn
nữa, giữa rừng đã có hai “mãnh hổ” Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem trấn ải, tiếng
cưa khó lọt qua đôi tai thính. Lâm tặc “mọc cánh” cũng không thoát.
Yêu rừng thì giữ thôi
Ông Mạnh nói rằng, khu rừng sơ tính tổng có
2.000 cây hương, 1.200 cây lớn và 800 cây nhỏ. Đường kính cây nhỏ cũng trên
dưới 70 cm, cây to 2 - 3 người ôm quần tụ, sinh sống trên diện tích 3,8 ha.
Huyện Đức Cơ trích ngân sách xây hẳn cho hai ông một căn chòi bằng xi măng, lợp
tôn để ở. Khổ nỗi, chòi không nước, không điện. Tối phải thắp đèn dầu. Muốn có
nước sinh hoạt phải đi xa hơn 1km, đưa về. Trong căn chòi nhỏ các can nước xếp
chồng nhau, cạnh đó thùng mì tôm cất kỹ dự trữ. Mấy mảnh ván nhỏ ghép lại làm giường,
rất ọp ẹp. “Vũ khí” duy nhất phòng thân là hai chiếc rựa dùng để dọn cỏ. Không
phải cán bộ giữ rừng chính quy, nên hai ông không thuộc diện được trang bị vũ
khí. Chế độ chỉ là 2 triệu đồng/tháng/người, coi như huyện hỗ trợ. Mà nói như
ông Nguyễn Hữu Mạnh: “Làm giàu chi được từ việc giữ rừng. Yêu rừng thì giữ
thôi”. Để tròn vai trụ cột gia đình, giảm gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, hai
“mãnh hổ” phải gồng mình làm rẫy, làm nương trồng điều, cao su. Những lúc không
đi tuần, hai ông cần mẫn nhặt từng quả hương già, nhân giống chờ đâm chồi. Sống
ít, chết nhiều nhưng vẫn cặm cụi với ước nguyện “có cây, rừng sẽ mở rộng diện
tích”.
Anh Trịnh Xuân Hữu - kiểm lâm viên phụ trách
địa bàn xã Kriêng, thốt lên: “Cả tỉnh Gia Lai, không bao giờ có khu rừng thứ
hai như thế. Và càng không tìm đâu ra được hai người giữ rừng như anh Mạnh và
anh Kem”. Từ thực tiễn bao nhiêu năm lăn lộn với rừng, các kiểm lâm viên đã đúc
kết, biện pháp tối ưu để giữ rừng vẫn là tuyên truyền, là dựa vào dân. Huyện
Đức Cơ trong mỗi cuộc họp thôn, bản đều cùng hai “mãnh hổ” tuyên truyền lợi ích
của rừng. Nhiều lúc phải đến tận từng nhà, gặp trực tiếp khuyên nhủ, răn đe.
Thậm chí, trang bị miễn phí điện thoại cho những hộ có nương rẫy sát bìa rừng,
hễ thấy ai tiến vào rừng, là gọi điện báo tin. “Rừng hương giờ được làng Grôn
xem là “khu rừng thiêng”, một nhánh củi khô cũng không ai bẻ”, anh Hữu tiết lộ.
Càng vững tin hơn, khi “mãnh hổ” Rơ Mah Kem từng là trưởng thôn làng Grôn 13
năm, dân làng đã “thấm nhuần” lời tuyên truyền “giữ rừng là giữ đất, giữ nước”.
Nếu rừng bị chặt hạ, chỉ cần một tiếng “gầm” của Kem là dân làng ào ra vây ráp,
hỗ trợ để ngăn chặn lâm tặc.
Nhắc đến rừng hương, không nhắc đến Phó bí thư
kiêm Chủ tịch HĐND xã Kriêng - Rơ Mah Le là một thiếu sót. Chính Rơ Mah Le là
người đầu tiên phát hiện khu rừng quý, và đề xuất phải giữ bằng được khu rừng.
Làm Chủ tịch xã Kriêng từ năm 1996 - 2015, Le xem rừng như nhà của mình. Một
tuần không vào thăm rừng 2 - 3 lần, là không ngủ được. Mới đây, Rơ Mah Le mạnh
dạn đề xuất với chính quyền, căn dặn con cháu nếu ông mất, hãy chôn ông trong
khu rừng. Cứ 4h chiều, giờ hành chính, nhưng ông vẫn xin phép cho được nghỉ sớm
để vào thăm rừng. Thấy ông yêu rừng quá, mà kiếm được người như ông quả là
hiếm, nên huyện xã cũng cảm thông. Hai “mãnh hổ” Nguyễn Hữu Mạnh, Rơ Mah Kem
giờ cộng thêm Rơ Mah Le, rừng hương như được giữ ở thế “kiềng ba chân”, mà Gia
Lai không nơi nào có được, ngoài Đức Cơ.
Còn tôi, sau khi chia tay hai “mãnh hổ” giữ
rừng Nguyễn Hữu Mạnh và Rơ Mah Kem, vẳng lên bên tai, lời tâm sự của đại tá
Tăng Năng Ái - Trưởng CA huyện Ia Grai: “Những nơi rừng bị phá, tỉnh Gia Lai
đều có xử lý, kỷ luật. Vậy tại sao nơi giữ rừng tốt, lại không khen thưởng để
nhân rộng mô hình, khích lệ sự cống hiến”. Càng đúng hơn khi ngẫm lại lời của
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Gia Lai - Nguyễn Nhĩ: “Tỉnh Kon Tum phải chi 27
tỉ đồng xây tường rào xi măng bao quanh để bảo vệ rừng trắc tại huyện Đắc Hà mà
rừng còn bị phá. Trong khi, Gia Lai chủ yếu dựa vào dân lại giữ được rừng hương
tại Đức Cơ”.
Gỗ Hương là loại gỗ quý, cao cấp, thuộc Nhóm
I, thớ láng mịn và có mùi hương rất thơm, bền chắc và rất ít co giãn, không bị
mối mọt dù sử dụng nhiều năm. Giá gỗ Hương hiện từ 70 - 100 triệu đồng/m3 (tùy
năm gỗ). Tại Gia Lai, gỗ hương phân bố chủ yếu ở các huyện K’Bang, Kông Pa và
Đức Cơ. Hiện nay, chỉ có huyện Đức Cơ giữ nguyên được khu rừng 2.000 cây.
Nguồn: Đình Văn - Báo Lao Động
Web: http://laodong.com.vn/