Gia Lai: Cảnh báo tình trạng chặt phá rừng để lấy đất sản xuất

13/03/2016

Tình trạng người dân cơi nới rẫy cũ trên đất lâm nghiệp và phá rừng để lấy đất sản xuất đã và đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh, làm ảnh hưởng đến tài nguyên rừng. Mặc dù vậy nhưng nhiều chủ rừng và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.Phóng sự sau được thực hiện tại huyện ChưPah.


Khu rừng này nằm cách trụ sở UBND xã Ia Khươl không xa nhưng chính quyền xã này không hề hay biết.

Khu rừng tại xã Ia Khươl, huyện Chư Pah do Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý. Một số người dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã lén lút chặt phá khu rừng này để lấy đất sản xuất. Điều đáng nói là khu rừng này nằm cách trụ sở UBND xã Ia Khươil không xa nhưng chính quyền xã này không hề hay biết.

Ông Trần Quốc Nghị- Chủ tịch UBND xã Ia Khươl, huyện Chư Pah- Gia Lai nói: “Lâu nay xã và Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah có phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ rừng nhưng việc người dân chặt phá khu rừng này thì xã chưa biết”.

Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah đang quản lý hơn 20.400ha đất lâm nghiệp trên địa bàn xã Ia Khươl và xã Hà Tây, huyện Chư Pah. Cũng như ở nhiều lâm phần thuộc các đơn vị khác quản lý, tình trạng người dân cơi nới rẫy cũ trên đất lâm nghiệp và chặt phá rừng để lấy đất sản xuất trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah quản lý diễn ra ngày càng tinh vi. Một số khu rừng bị chặt phá thường nằm ở vùng sâu vùng xa, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt. Việc chặt phá mang tính riêng lẻ, mỗi lần một ít và ở nhiều khu vực khác nhau nên công tác quản lý, bảo vệ của các chủ rừng gặp rất nhiều khó khăn…

Ông Nguyễn Quốc Thuận- Trưởng BQL rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Pah- Gia Lai nói: “ Hành vi chặt phá rừng để lấy đất sản xuất diễn ra rất tinh vi. Người dân dùng rìu, rựa chặt cây rừng dưới gốc để cây chết dần. Diện tích rừng đơn vị quản lý thì nhiều, trong khi đó cán bộ, nhân viên thì ít. Hơn nữa, đang là mùa khô anh em trong đơn vị đang tập trung triển khai công tác phòng chống cháy rừng nên công tác quản lý bảo vệ gặp rất nhiều khó khăn”.

Ngoài những nguyên nhân chủ quan đó là do các chủ rừng và các ngành chức năng, chính quyền các địa phương chưa làm tốt công tác phối hợp triển khai các biện pháp quyết liệt thì việc triển khai công tác quản lý, bảo vệ rừng đang tồn tại nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập, nếu không kịp thời điều chỉnh thì nhiều khu rừng đang đứng trước nguy cơ bị xâm hại.

Nguồn: Hà Đức - R’Piên – Báo Truyền hình Gia Lai

Web: http://gialaitv.vn/