Gia Lai: Bộ Tư Lệnh Bộ đội Biên phòng bắt giữ số lượng lớn gỗ

27/01/2016

Hơn 30m3 gỗ không rõ nguồn gốc, 5 sàn lan chở gỗ trên hồ thủy điện Sê San 4 chính quyền sở tại, các ngành chức năng không biết. Chỉ đến khi đoàn công tác Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng bất ngờ bắt giữ thì vụ việc mới được xác nhận.

Cụ thể, vào 14h ngày 18/1/2016, sau khi nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, đoàn đặc nhiệm Bộ tư lệnh Bộ đội Biên Phòng phối hợp với Đơn vị phòng chống ma túy, Đồn BP 717 BCH Bộ đội BP Gia Lai, triển khai công tác tuần tra vây bắt và đã phát hiện thu giữ 30,45 m3 gỗ tròn, cùng 5 chiếc sàn lan chở gỗ tại bến phà 18, xã Ia O, Huyện Ia Grai. Số gỗ trên chủ yếu là gỗ Gõ, Bằng lăng và Kền kền…

Đại tá Nguyễn Văn Tưởng chủ nhiệm chính trị BCH – BĐBP Gia Lai làm việc với Pv.

Sáng ngày 25-1, trao đổi với Pv Báo Điện Tử Tầm Nhìn, ông Châu Văn Chữ – Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai cho biết; “Sáng cùng ngày mới nghe báo cáo nhanh từ kiểm lâm địa bàn về việc Bộ đội biên phòng bắt giữ gỗ trái phép tại khu vực lòng hồ thủy điện Sê San 4 ráp ranh giữa huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum và huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Liên quan đến vụ việc, Đại tá Nguyễn Văn Tưởng – Chủ nhiệm chính trị Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai xác nhận có sự việc đoàn công tác Bộ tư lệnh – Bộ đội Biên phòng phối cùng đồn Biên phòng 717 (thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai) bắt giữ khối lượng gỗ trái phép. Tuy nhiên số lượng gỗ ít và đang trong thời gian “nhạy cảm” nên chưa thể cung cấp gì thêm! “”. Thế nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên Báo Điện Tử Tầm Nhìn, tại thời điểm kiểm tra đoàn công tác phát hiện và thu giữ thì có rất nhiều lóng gỗ được tập kết bên bờ sông và trên 5 chiếc Sà Lan. Toàn bộ số tang vật trên không có chủ sở hữu. Qua đo đếm xác định có tổng cộng 30,45 m3 gỗ, chủ yếu là loại gõ, bằng lăng và kền kền…

Hiện tại số gỗ tang vật trên đã được đưa về Đồn Biên phòng 717 chờ xử lý. Năm chiếc sà lan được đưa ra đảo giữa hồ thủy điện Sê San 4 (do Đồn Biên phòng 717 quản lý) chờ xử lý. Cũng theo nguồn tin, toàn bộ số gỗ được khai thác từ địa phận Huyện Ia H’Drai tỉnh Kon Tum sau đó được vận chuyển theo lòng hồ thủy điện Sê San 4 về huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai để tiêu thụ.

Tuy nhiên ông Chữ lại cho biết qua nắm bắt ban đầu thì số gỗ bị bắt khi đang nằm bên địa phận tỉnh Kon Tum, sau bị bắt giữ mới áp tải về địa phận tỉnh Gia Lai. “Việc bộ đội biên phòng bắt giữ không không thấy yêu cầu phối hợp gì, mới chỉ nghe kiểm lâm địa bàn báo lại nên chưa biết được khối lượng cụ thể”, ông Chữ nói. Theo ông Chữ, để ngăn chặn vi phạm lâm luật, Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo cán bộ tăng cường tuần tra kiểm soát, bố trí chốt chặn có cán bộ kiểm lâm canh gác tại các địa bàn, thực hiện các đợt truy quét nên đã giảm nhiều. Trong mỗi xã có từ 1 đến 2 kiểm lâm địa bàn.

Gỗ lậu bị bắt giữ trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Đề cập đến việc lực lượng kiểm lâm được bố trí rất chặt chẽ, nhưng việc bắt khối lượng lớn gỗ lần này do Bộ đội Biên phòng bắt giữ ông Chữ cho rằng do bắt tại địa phận tỉnh Kon Tum chứ không phải thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Trong năm 2015, Hạt kiểm lâm huyện Ia Grai đã bắt giữ được 58 vụ với khối lượng hơn 317m3 gỗ các loại. Trong đó các vụ mua bán vận chuyển lâm sản trái phép chủ yếu diễn ra tại các xã khu vực biên giới. Trao đổi với Pv về vụ việc, Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh văn phòng UBND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum cho biết; “Chúng tôi chỉ mới nghe việc Bộ tư lệnh Biên phòng bắt giữ khối lượng gỗ lớn trên lòng hồ thủy điện Sê San 4 chứ chưa nắm được thông tin chính thức.”

Trước tình hình vận chuyển gỗ phức tạp, UBND huyện Ia H’Drai đã thành lập hai chốt kiểm lâm liên ngành tại cầu nối Sê San 4 và đường sông Sê San 4 để ngăn chặn. Trong thời gian tới tiếp tục tăng cường và chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng, ông Dũng nói.

Việc một số lượng lớn gỗ lậu được khai thác và vận chuyển trên địa bàn giáp ranh hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum nhưng các lực lượng chức năng hai tỉnh không hề hay biết, khiến dư luận dấy lên nghi ngờ là các lực lượng chức năng làm ngơ để lâm tặc lộng hành?!

Nguồn: Hà Ngọc – Trọng Nghị - Báo tầm nhìn

Web: http://tamnhin.net/