Gia lai: Ai “chống lưng” doanh nghiệp phá rừng?

21/07/2016

Cơ quan điều tra Hình sự Binh đoàn 15 vừa có kết luận điều tra về vụ Trần Văn Khanh (nguyên Đại tá, Giám đốc Công ty Bình Dương, nay là Công ty TNHH MTV Bình Dương) thuộc Binh đoàn 15 có hành vi chỉ đạo cấp dưới và các chủ thầu san lấp trái phép gần hàng trăm ha rừng tại huyện Chư Prông (Gia Lai) để trồng cây cao su, gây thiệt hại tổng cộng hơn 18 tỷ đồng.

Doanh nghiệp làm liều

Theo đó, cơ quan chức năng quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 5 để đề nghị truy tố về những hành vi hủy hoại rừng đối với Trần Văn Khanh và Dương Công Tư (nguyên Thượng úy, Trợ lý phòng Kế hoạch Kinh doanh Công ty Bình Dương).



Sự buông lỏng của cơ quan chức năng khiến hàng trăm ha rừng bị tàn phá

Trở lại vụ việc, năm 2005, ông Trần Văn Khanh được Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 điều động về làm Giám đốc Công ty Bình Dương. Đến tháng 5/2012, ông Khanh chuyển đi khỏi đơn vị này. Trong thời gian làm lãnh đạo tại Công ty Bình Dương, ông Khanh biến công ty này thành đơn vị thua lỗ nợ nần, đời sống công nhân hết sức khó khăn, phá sản 500ha cà phê của đơn vị, tự ý phá hàng ngàn ha rừng không nằm trong giới hạn quy hoạch chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, UBND tỉnh Gia Lai lần lượt thực hiện các thủ tục bàn giao hơn 2.400ha rừng ở các tiểu khu 896, 897, 898, 900, 091, 935, 936, 925, 932 thuộc địa bàn các xã Ia Me, Ia Púch và Ia Mơr (huyện Chư Prông) cho Công ty Bình Dương. Trong khi các DN khác cùng được giao đất thực hiện đúng chủ trương chuyển đổi đất lâm nghiệp để trồng cao su thì Công ty Bình Dương đã cố tình làm sai.

Đầu năm 2010, mặc dù chưa có quyết định giao đất chính thức nhưng ông Trần Văn Khanh chỉ đạo Dương Công Tư, Ngô Minh Quang (Đội trưởng Đội 11)... và hướng dẫn các DN thầu san lấp mặt bằng khẩn trương điều động người và tập kết các phương tiện hiện đại vào rừng san ủi mặt bằng các tiểu khu 896, 897, 898, 900, 091 thuộc địa bàn xã Ia Mơr và Ia Púch.

Tiếp đó, tháng 1/2011, ông Khanh tiếp tục chỉ đạo các ông Dương Công Tư, Lê Đức Cường (Đội trưởng Đội 15), Dương Đức Thịnh (Đội trưởng Đội 16), Lê Huy Cung (Đội trưởng Đội 18), Phạm Hiền Lương (Đội trưởng Đội 20) theo dõi tiến độ Công ty TNHH Hoàng Tùng, Công ty TNHH Hà Anh, DNTN Đức Quang, DNTN Bảo Trọng thực hiện việc san ủi mặt bằng các tiểu khu 935, 936 thuộc địa bàn xã Ia Púch.

Tháng 10/2011, ông Khanh lại tiếp tục chỉ đạo ông Tư dùng thiết bị định vị GPS xác định vị trí rồi giao mốc ranh giới đất dự án cho các DN san ủi các tiểu khu 925 và 932 thuộc địa bàn xã Ia Púch.

Cơ quan chức năng ở đâu?

Cụ thể, vào các ngày 27/4/2010 và 7/7/2010, UBND tỉnh Gia Lai đã có 2 quyết định thu hồi 840,6ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch cho Công ty Bình Dương thuê để trồng cao su tại xã Ia Me, huyện Chư Prông. Trong đó, có 80ha đất lâm nghiệp chưa có rừng, còn lại hơn 760ha đất lâm nghiệp có rừng nghèo.

Thế nhưng khi triển khai dự án, Công ty Bình Dương chỉ trồng 529ha cao su trong vùng dự án. Diện tích đất lâm nghiệp rộng khoảng 700ha lân cận vùng dự án không được chính quyền cho phép chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất trồng cao su đã bị DN này san lấp trái phép để trồng 474ha cao su ra ngoài ranh giới, địa phận được giao đất.

Không dừng lại ở đó, tại tiểu khu 935, 936 xã Ia Púch (huyện Chư Prông) UBND tỉnh Gia Lai giao cho DN thuê hơn 927ha nhưng chỉ 692ha trong phạm vi cho thuê và 184ha ngoài khu vực đất dự án. Tương tự, tại tiểu khu 925, 932 xã Ia Púch, diện tích cho thuê đất 571ha, DN trồng cao su trong dự án 533ha, trồng ngoài khu vực cho phép 71ha…

Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển cây cao su trên đất lâm nghiệp, ông Khanh quyết liệt chỉ đạo cấp dưới, các nhà thầu san lấp phải đẩy nhanh tiến độ san ủi mặt bằng các khu rừng, không ngừng mở rộng diện tích, bất chấp việc san ủi quá giới hạn dự án, sai quy định.

Thậm chí, việc san ủi trái phép vào rừng tự nhiên thuộc tiểu khu 936 đã bị Ban Quản lý rừng phòng hộ Ia Púch phát hiện và lập biên bản xử lý vi phạm. Thế nhưng Trần Văn Khanh vẫn ngang nhiên chỉ đạo thuộc cấp dọn những xác cây rừng, đào hố, bỏ phân và trồng mới cây cao su.

Kết luận điều tra của cơ quan chức năng xác định: Tại các tiểu khu 896, 897, 898, 900 và 091, ông Trần Văn Khanh đã chỉ đạo khai hoang ra ngoài ranh giới dự án gần 494ha. Tại các tiểu khu 935 và 936, đã khai hoang ra ngoài ranh giới dự án hơn 202ha, trong đó có gần 10ha đất rừng phòng hộ...

Ngoài việc lấn chiếm sang diện tích rừng không được phép chuyển đổi, trong quá trình chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây cao su, ông Trần Văn Khanh nhiều lần chỉ đạo cấp dưới lập khống khối lượng, giá trị đầu tư các hạng mục tiền lương, cây giống, phân bón, cố tình trồng trái phép cây cao su trên đất lâm nghiệp để chiếm đoạt và làm thất thoát của Nhà nước hơn 35 tỷ đồng.

Những hành vi sai phạm này, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ vào tháng 4/2014, Quân ủy Trung ương đã có quyết định xử lý kỷ luật ông Trần Văn Khanh bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng và giáng cấp bậc quân hàm từ Đại tá xuống Trung tá.

Qua vụ việc cho thấy, vấn đề ở đây là để DN này khai hoang vượt giới hạn gần 1.000 ha rừng nhưng không được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phát hiện, kịp thời chấn chỉnh, yêu cầu DN thực hiện đúng chủ trương như việc giao đất tại các quyết định của chính quyền.

Do đó, dư luận đặt câu hỏi: liệu có sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, giám sát tài nguyên của Nhà nước? Việc không kiểm soát chặt chẽ đã vô tình tiếp tay cho DN đi ngược lại chủ trương, gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài nguyên của quốc gia.

Vậy nên, không những xử lý, kỷ luật đối với DN làm sai mà cần xử lý trách nhiệm đối với những cơ quan, cán bộ quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này đã buông lỏng, tạo kẽ hở cho DN làm liều.

Nguồn: Công Thái – Mai Anh - Báo Ngân Hàng

Web: http://thoibaonganhang.vn/