Đưa Việt Nam trở thành công xưởng chế biến, xuất khẩu đồ gỗ của thế giới

23/02/2019

Đây là mong muốn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Diễn đàn “Ngành CN chế biến, XK gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt năm 2019".



Ngày 22/2, tại Hà Nội, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam tổ chức Diễn đàn "Ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản năm 2018 - Thành công, bài học kinh nghiệm, giải pháp bứt phá năm 2019". Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu tại diễn dàn.

Đây là lần thứ hai một hội nghị về xuất khẩu gỗ lâm sản được tổ chức trong vòng 6 tháng qua. Trong phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, diễn đàn này là một hoạt động ý nghĩa ngay những ngày đầu năm mới, là câu trả lời ngay lập tức của ngành nông nghiệp đối với yêu cầu bứt phá mà chính phủ đã đề ra. Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt xấp xỉ 9,4 tỷ USD.

Nếu so với năm 2005, kim ngạch xuất khẩu đã tăng 900% - một mức tăng mà không phải ngành nào cũng đạt được. Thủ tướng đánh giá cao nhiều địa phương đã quan tâm đến việc trồng rừng, chế biến lâm sản. Đây là sự bứt phá cần thiết để vừa phát huy được thế mạnh của một đất nước "tam sơn tứ hải" như Việt Nam vừa tạo nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào và hợp pháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng dù là nước nông nghiệp có nhiều tiềm năng, song ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ lâm sản mới chiếm 6% thị phần thế giới. Thủ tướng đặt câu hỏi: 10 năm nữa, liệu Việt Nam có thể nâng tỷ lệ thị phần này lên 30% hay 50% không? Liệu Việt Nam có thể trở thành một trong những nước đứng hàng đầu và là trung tâm sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản trên thị trường thế giới được không?

Thủ tướng cho biết, nhu cầu đồ gỗ của thế giới hiện lên tới 430 tỷ USD, nếu nắm bắt tốt những cơ hội các Hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và sẽ là thành viên mang lại, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ lâm sản sẽ bứt phá.

Để đưa Việt Nam trở thành một công xưởng của thật nhiều doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu đồ gỗ, Thủ tướng lưu ý ngành này cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, đổi mới thiết bị sản xuất, thiết kế mẫu mã tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Thủ tướng cũng lưu ý đến việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia về gỗ, chế biến lâm sản, đẩy mạnh xuất khẩu một số lâm sản có giá trị kinh tế cao như sâm Ngọc Linh, quế, hồi, sa nhân, thảo quả. Thủ tướng cũng đề nghị ngành nông nghiệp tìm giải pháp nhằm huy động sự tham gia trồng rừng của 2 triệu người dân đang sinh sống trên đất rừng. Bởi muốn có rừng thì phải dựa vào dân, còn để người dân cùng tham gia phải có chính sách hợp lý về tín dụng, lương thực, hạ tầng dân sinh.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành với các doanh nghiệp, quyết tâm cải cách, xây dựng hệ thống hành chính kiến tạo, phục vụ để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản bứt phá phát triển trong năm 2019 và những năm tiếp theo. Phó Thủ tướng cũng cho rằng về chỉ tiêu cụ thể, ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, lâm sản cần phấn đấu đạt ở mức cao hơn kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD năm 2019. Đến năm 2020, nâng kim ngạch xuất khẩu lên 12 - 13 tỷ USD và năm 2025 đạt 18 - 20 tỷ USD.

Nguồn: Ngọc Thành - Lê Tuấn - Chí Thành (Ban Thời sự)

Web: https://vtv.vn