ĐắkNông: Đa dạng sinh học đang đối mặt với nhiều nguy cơ bị suy giảm

15/10/2015

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT mới đây thì qua điều tra, thống kê về đa dạng hệ sinh thái rừng, hiện nay thảm thực vật (kể cả rừng trồng và nhân tạo) trên địa bàn tỉnh tập hợp trong 4 nhóm hình thái cảnh quan, với 16 kiểu chính.

Bao gồm: nhóm 1 là các quần hệ thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi thấp (độ cao trên 1.000m so với mực nước biển); nhóm 2 là các quần hệ thường xanh nhiệt đới gió mùa (độ cao dưới 1.000m so với mực nước biển); nhóm 3 là thảm thực vật thủy sinh nước ngọt; nhóm 4 là thảm thực vật nhân tạo. Đối với đa dạng loài sinh vật rừng, về thực vật hiện nay đã thống kê được 1.489 loài thuộc 768 chi, 186 họ, 6 ngành thực vật bậc cao có mạch; về động vật, hiện cũng ghi nhận được 28 bộ, 86 họ và 273 loài.

Ảnh: Ngọc Tâm

Sự đa dạng sinh học đã đem lại nhiều giá trị, có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, phục vụ đời sống con người về nhiều mặt. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, mặc dù hệ động thực vật trên địa bàn tỉnh còn khá phong phú về cá thể, về quần cư, về kiểu thảm thực vật, nhưng sự đa dạng sinh học đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ dẫn đến suy giảm.

Khu hệ động vật có xương sống (thú, chim, bò sát và ếch nhái) đang bị tác động mạnh, số lượng suy giảm do các hoạt động khai thác và sử dụng quá mức của con người, nhất là các loài quý hiếm, có giá trị kinh tế cao, có thể làm thực phẩm, dược liệu. Hiện nay, các loài động vật có vú không còn xuất hiện ở những khu rừng mà trước đây thường thấy.

Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó, về khách quan là do môi trường sống bị thu hẹp. Cụ thể như dân di cư tự do đến địa bàn tỉnh nhiều đã làm tăng mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Các dự án chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang mục đích sử dụng khác đã làm suy giảm diện tích rừng tự nhiên, suy giảm đất đai và đa dạng sinh học.

Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nên tình trạng khai thác sử dụng tài nguyên còn rất phổ biến như săn bắn động vật hoang dã, phá rừng làm nương rẫy, thu hái cây dược liệu quý. Việc xây dựng các dự án thủy điện làm mất sinh cảnh, thay đổi dòng chảy tự nhiên, tác động đến các khu vực nằm trong vùng ảnh hưởng.

Tình trạng cháy rừng vẫn còn diễn ra, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sống, làm giảm tính đa dạng sinh học, phá vỡ cảnh quan. Về chủ quan thì vấn đề quy hoạch đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học chưa đồng bộ và toàn diện, dẫn đến sự chồng chéo, phát triển tài nguyên thiên nhiên không hợp lý, thiếu bền vững.

Các nghiên cứu về đa dạng sinh học do Bộ Tài nguyên-Môi trường thực hiện, trong khi hệ thống rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, tài nguyên rừng lại do ngành nông nghiệp quản lý, bảo vệ. Chủ rừng không đủ năng lực để bảo vệ rừng, buông lỏng công tác quản lý. Các dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp chưa quan tâm đầu tư kinh phí, nhân lực để bảo vệ rừng.

Công tác quy hoạch, quản lý dân cư còn nhiều bất cập; quy hoạch đất đai, xử lý lấn chiếm đất chưa tích cực, chưa hiệu quả. Sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, hiệu quả chưa cao.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, các ngành chức năng cũng đã triển khai nhiều biện pháp để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng cũng như bảo tồn đa dạng sinh học.

Điển hình như các đơn vị đã triển khai các dự án: “Nhiệm vụ điều tra đánh giá đa dạng sinh học tại Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng”, “Nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng và bảo tồn loài ở tỉnh Đắk Nông, trọng tâm vào loài Vượn đen má vàng và loài bò tót” và đề tài “Điều tra đa dạng sinh học hệ thực vật bậc cao và xây dựng vườn thực vật tại khu rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp, xã Đắk Sô (Krông Nô)”…

Đến thời điểm hiện tại, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện được nhiều hoạt động liên quan đến nội dung của đề tài như xây dựng bộ tiêu bản thực vật bậc cao; xây dựng bản đồ phân bố các loại thực vật nguy cấp, quý hiếm; lựa chọn sinh cảnh để xây dựng vườn thực vật…

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục củng cố, mở rộng và đầu tư cho bảo tồn ở các khu rừng đặc dụng hiện có cũng như xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch bảo tồn dài hạn. Cùng với việc nâng cao nhận thức, thay đổi ý thức, hành vi liên quan đến bảo tồn cho cán bộ, nhân dân địa phương thì việc xây dựng kế hoạch điều tra, giám sát đa dạng sinh học dài hạn sẽ được chú trọng, nhất là vấn đề giám sát loài và hệ sinh thái quan trọng. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế địa phương sẽ được phối hợp, lồng ghép với việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo đề xuất của Sở Nông nghiệp-PTNT thì cần thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học. Các cơ quan khoa học trong và ngoài nước có chuyên sâu về điều tra, nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học cần có sự hỗ trợ, hợp tác trong việc nâng cao năng lực cán bộ khu bảo tồn và xây dựng, thực hiện các đề tài, chương trình nghiên cứu đa dạng sinh học.

Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đối với khu rừng đặc dụng nằm ở khu vực giáp ranh nhiều tỉnh, nhất là cơ chế, chính sách về quản lý và hỗ trợ vùng đệm. Cấp có thẩm quyền cũng cần cấp kinh phí sự nghiệp môi trường cho các đơn vị quản lý rừng đặc dụng để thực hiện nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học.

Nguồn: Tường Mạnh – Báo ĐắkNông online

Web: http://www.baodaknong.org.vn/