ĐakLak: Vườn quốc gia Chư Yang Sin đẩy mạnh công tác Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng.

05/10/2015

Vườn quốc gia Chư Yang Sin được thành lập theo Quyết định số 92/2002/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nơi đây là điểm cuối cùng của dãy Trường Sơn thuộc Nam Tây Nguyên, là điểm nóng về bảo tồn đa dạng sinh học. Theo thống kê Vườn quốc gia Chư Yang Sin có 46 loài thú, 212 loài chim (5 loài đặc hữu: khướu đầu đen, khướu đầu đen má xám, mi núi bà, sẻ họng vàng, khướu mỏ dài). Tại đây còn có mặt 7 loài chim, 17 loài thú đang bị đe dọa tuyệt chủng. Không những vậy, Vườn quốc gia Chư Yang Sin có những cảnh quan đẹp, hoang dã và rất hung vĩ của rừng ôn đới và á nhiệt đới chứa đựng các tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm và du lịch thể thao hấp dẫn trên địa bàn Đắk Lắk.


Hệ sinh thái VQG Chư Yang Sin (ảnh: Ngọc Chung)

Tuy nhiên thời gian qua Vườn quốc gia Chư Yang Sin luôn phải đối mặt với nhiều thách thức từ nhu cầu của cộng đồng dân cư vùng đệm như: Đất ở, đất sản xuất và các loại lâm sản khác. Để giảm áp lực, nâng cao nhận thức, 9 tháng đầu năm Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục môi trường. Tổ chức họp được 56 thôn, buôn; ký 1.000 bản cam kết bảo vệ rừng, PCCCR cho 500 hộ dân. Tham gia dạy học ngoại khóa 03 trường học 12 lớp 360 em học sinh tham gia.

Ngoài ra, để tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tận gốc Vườn quốc gia Chư Yang Sin cũng chủ động tổ chức phối hợp với các cơ quan, các chủ rừng và địa phương tuần tra truy quét rừng trong lâm phần quản lý. Tổ chức được 484 đợt đi tuần tra truy quét dài và ngắn ngày, qua đó, đã trục xuất ra khỏi rừng 420 đối tượng; phát hiện xử lý 22 vụ vi phạm, tịch thu 2 cưa máy, 1 cá thể động vật, thu giữ 722 dây bẫy, 23 súng săn các loại, 17 phương tiện và công cụ, phá 13 lán trại.


Kiểm lâm VQG Chư Yang Sin phối hợp Công an truy quét (ảnh: Ngọc Chung)

Bên cạnh việc tuyên truyền giáo dục môi trường, phối hợp tuần tra truy quét Vườn quốc gia Chư Yang Sin đã triển khai khoán quản lý bảo vệ rừng cho 11.438 hộ dân vùng đệm hưởng theo Nghị định số 99 từ chính sách chi trả - dịch vụ môi trường rừng, số tiền chi trả 5.844.285.000 đồng góp phần tăng cường xã hội hóa nghề rừng, giảm áp lực của người dân đến công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Ngọc Chung - Thế Phương

Chi cục Kiểm lâm vùng IV