ĐakLak: Vẫn "nóng" nạn chặt phá rừng tại VQG Yok-Đôn

23/10/2015
Thời gian gần đây, tình trạng chặt phá, vận chuyển lâm sản trái phép tại khu vực Vườn Quốc gia (VQG) YoK-Đôn (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) diễn biến hết sức phức tạp. Lãnh đạo VQG thì lý giải hàng loạt nguyên nhân khách quan còn lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do có sự buông lỏng quản lý.

Nhiều cây gỗ lớn tại VQG Yok-Đôn và khu vực biên giới bị chặt phá trong thời gian qua

Mới đây, Tổng cục Lâm nghiệp đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về tình trạng chặt phá rừng tại khu vực biên giới, đặc biệt là tại VQG YoK-Đôn. Theo thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã phát hiện gần 600 cây bị chặt phá, vận chuyển tại khu vực VQG Yok-Đôn. Cùng với đó, vào đầu tháng 9 vừa qua, VQG Yok Đôn và Chi cục kiểm lâm vùng IV đã phát hiện điểm tập kết gỗ dưới lòng suối cạn phía bờ Việt Nam, cách Đồn biên phòng 747 khoảng 1km. Qua đó cho thấy đã và đang xuất hiện nhiều điểm, tụ điểm hoạt động vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng nghiêm trọng tại khu vực cần được ngăn chặn sớm.

Lý giải vấn đề trên, ông Đỗ Quang Tùng - Giám đốc VQG Yok-Đôn cho rằng: “Trong khuôn viên VQG Yok-Đôn hàng ngày vẫn còn khoảng 500 người dân (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) ra - vào rừng chăn nuôi gia súc và canh tác nương rẫy. Cùng với đó, vùng lõi của vườn có buôn Đrăng Phốk (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn) với hàng trăm hộ dân sinh sống một số đối tượng đã trà trộn vào vườn chặt phá, vận chuyển gỗ ra ngoài. Ngoài ra, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc cho phép trục vớt gỗ trôi dạt theo suối Đắk Đam (ranh giới Việt Nam - Campuchia), một số đối tượng đã tận thu gỗ trôi dạt và hợp thức hoá số gỗ này hòng đưa ra ngoài tiêu thụ.


Đồng tình với quan điểm trên, ông Y Dhăm Ênuôl - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cũng cho rằng chủ trương cho trục vớt gỗ trên là một kẽ hở khiến tình trạng chặt phá rừng ở VQG Yok-Đôn nói riêng, khu vực biên giới nói chung những năm qua vẫn còn nhức nhối . Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh lại thắc mắc: “Ở đâu cũng có trạm kiểm lâm, đồn biên phòng mà các cây gỗ lớn vẫn bị chặt phá, đưa ra cửa rừng và ào ào chạy ra tỉnh lộ. Cơ quan chức năng không thể chỉ nói nguyên nhân khách quan mà bỏ qua lỗi chủ quan của mình khi có dấu hiệu buông lỏng quản lý”.

Cũng theo ông Y Dhăm Ênuôl, để ngăn chặn tình trạng trên phải có sự tham gia quyết liệt của nhiều ngành, chủ động “phòng” chứ không phải “chống”. “Tại các “điểm nóng” này, lực lượng kiểm lâm và công an phải lên danh sách, theo dõi các “đầu nậu”, đồng thời tích cực vận động, tuyên truyền để người dân cùng tham gia bảo vệ rừng. Phải gắn trách nhiệm kiểm lâm địa bàn với rừng, nếu để xảy ra những vụ phá, vận chuyển gỗ lớn thì phải kiểm điểm, kỷ luật nghiêm khắc” - ông Y Dhăm Ênuôl nói.

Nguồn: Lê Phước - Báo Tài nguyên môi trường

Web: http://baotainguyenmoitruong.vn/