ĐăkLăk: Ca cứu chữa bệnh cho voi

09/12/2015

Nghe tin voi rừng mắc bẫy, voi nhà kiệt sức hay nổi u bướu, các bác sĩ cùng chuyên gia của Tổ chức Động vật châu Á tình nguyện về làng phẫu thuật, chữa bệnh cho chúng.

Trước đà suy giảm nghiêm trọng voi Việt Nam, năm 2011, Chính phủ phê duyệt dự án tổng thể bảo tồn loài này tại ba tỉnh Đắk Lắk, Nghệ An và Đồng Nai. Theo thống kê của Tổ chức Động vật châu Á, đàn voi nhà Việt Nam hiện còn khoảng hơn 80 cá thể, riêng tỉnh Đắk Lắk chỉ còn 43 con.

Trước tình trạng voi nhà bị voi rừng tấn công gây thương tích, đoàn bác sĩ Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cùng các chuyên gia Tổ chức Động vật Châu Á vượt hàng chục cây số về xã Krông Na, huyện Buôn Đôn thăm khám, chữa bệnh.

Tháng 2/2015, người dân Buôn Đôn phát hiện voi rừng khoảng 5 tuổi, nặng 600 kg lạc đàn theo voi nhà về làng trong tình trạng bộ móng của chân trước không còn, xung quanh vết thương đọng mủ, sưng tấy và vòi bị thủng một lỗ.

Dân làng đặt tên cho con voi này là Jun, nhiều khả năng nó mắc bẫy và tự giải thoát được, lạc đàn về làng. Nhận được tin báo, các bác sĩ thú y đã vượt đường xa về Buôn Đôn khám, phẫu thuật chữa bệnh.

Bác sĩ Weng Yan (Singapore), người của Tổ chức Động vật Châu Á kiểm tra vết thương sưng tấy ở chân trước của voi rừng từng bị mắc bẫy.

Các bác sĩ, chuyên gia thú y bơm nước muối sinh lý, cồn iot, cắt bỏ phần thịt thối ở chân voi. Sau đó, họ lấy mẫu gửi đến Phân Viện thú y miền Trung (Khánh Hòa) xét nghiệm để xác định vết thương nhiễm trùng do các loại vi khuẩn nào. Căn cứ kết quả xét nghiệm, các bác sĩ điều trị thuốc kháng sinh cho phù hợp.

Bà Weng Yan (Singapore) bàn bạc với các chuyên gia cùng người dân Buôn Đôn về cách chữa bệnh cho đàn voi nhà.

Bác sĩ thú y Phạm Văn Thịnh, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, chữa bệnh u bướu cho voi trước hết phải mổ ra lấy hết mủ, bơm nước muối sinh lý, cồn i-ốt rửa sạch vết thương, sau đó tiêm thuốc kháng sinh, kháng viêm thường xuyên. Khoảng từ 15 ngày đến một tháng, vết thương của voi sẽ tự lành.

Bên cạnh chữa bệnh, các bác sĩ thú y còn dùng kéo cắt tỉa phần da thịt chết ở vị trí bị trầy xước. Nài voi Y Tắt Knul kể, suốt nhiều tháng qua, voi rừng đã bốn lần mon men về làng tấn công đàn voi nhà ở Vườn Quốc gia Yok Đôn khiến ba con bị thương.

Theo ông KNul, voi rừng đực đã húc ngã voi cái, cắn đuôi bị thương. Các bác sĩ thú y phải dùng nước muối sinh lý vệ sinh, sát khuẩn chữa vết thương ở phần đuôi. Vào mùa khô, voi nhà phục vụ chở khách du lịch thường quá tải, lại ăn uống thiếu chất dinh dưỡng nên dễ kiệt sức và mắc bệnh u bướu. "Có những vết thương chỉ cần sát khuẩn sơ qua hai ngày sau đã lành. Cũng có trường hợp phải chữa vài tháng, thậm chí cả năm mới bớt", bác sĩ Thịnh chia sẻ.

Chuyên gia đến từ Na Uy dùng máy dò kiểm tra mảnh kim loại trong chân voi để phẫu thuật, chữa bệnh. Thống kê của Tổ chức Động vật Châu Á, trong vòng hai năm qua, các chuyên gia, bác sĩ đã thăm khám, cứu hộ chữa bệnh cho 34 con voi. "Mỗi lần chữa bớt bệnh cho voi, chúng tôi vui mừng vì mình góp phần duy trì sự sống cho loài động vật mang biểu tượng đặc trưng Tây Nguyên này", ông Nguyễn Tam Thanh, cán bộ phúc lợi của tổ chức nói.

Ông Thanh lo lắng, rừng già bị tàn phá nặng nề, loài voi mất dần sinh cảnh sống nên thiếu thức ăn giàu dinh dưỡng dễ nảy sinh nhiều bệnh, không có khả năng sinh sản. "Nếu đàn voi Việt Nam không được trợ sức, chữa bệnh, tạo điều kiện giao phối hoặc mất đi môi trường sống thì trong 20 năm tới, loài này sẽ đứng trước nguy cơ tuyệt chủng", vị chuyên gia trăn trở.

Nguồn: Minh Hoàng - Báo Zing.vn

Web: http://news.zing.vn/