Đăk Nông: Nhiều vạt rừng nguyên sinh tại Đắk Nông đang bị tàn phá

31/07/2016

Hàng trăm héc ta rừng tự nhiên ở xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông bị tàn phá để lấy gỗ, lấy đất sản xuất. Cơ quan chức năng biết nhưng bất lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Nhiều vạt rừng nguyên sinh tại Đắk Nông đang bị tàn phá. Ảnh minh họa: Đặng Tuấn- TTXVN

Từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên TTXVN đã đến hiện trường và tận mắt chứng kiến cảnh tượng phá rừng ở địa phận thôn 9, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông. Vị trí rừng bị tàn phá chỉ cách UBND xã Trường Xuân khoảng 7km về hướng Đông Bắc, đường đi vào khá thuận lợi. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy diện tích rừng bị phá rất lớn lên tới hàng trăm ha, trải dài qua nhiều quả đồi. Những vạt rừng nguyên sinh bị tàn phá tan hoang. Những cây gỗ lớn, có giá trị được lâm tặc xẻ phách phần nạc mang đi tiêu thụ, còn lại gốc ngọn nằm chỏng chơ. Ở nhiều chỗ mùn cưa còn mới và có nhiều phách gỗ chưa kịp lấy đi. Loại cây ít giá trị hơn thì bị các đối tượng cắt, xẻ làm trụ để trồng tiêu hoặc đốt cháy nham nhở.

Trắng trợn hơn, sau khi tận thu gỗ, các đối tượng phá rừng còn mang cả xe máy múc vào để mở đường, san lấp mặt bằng dựng nhà và múc hố trồng chuẩn bị trồng cây. Ngay trên đất rừng vừa bị phá, hàng chục nghìn trụ tiêu đã được chôn nhưng chưa kịp xuống giống. Bên cạnh tình trạng phá rừng, hoạt động bán đất lâm nghiệp cũng diễn ra công khai. Người dẫn đường cho chúng tôi cho biết, một héc ta rừng sau khi bị đốn hạ (chưa dọn đốt) được các đối tượng rao bán với giá 180 triệu đồng. Còn một héc ta rừng đứng được bán với giá khoảng 100 triệu đồng cho những ai có nhu cầu đất sản xuất. “Vào mùa khô, rừng bị cưa hạ nằm ngổn ngang như mía. Đất rừng mà chúng rao bán như đất vườn nhà”, người dân bức xúc nói.

Ở nhiều khoảnh rừng vừa bị triệt hạ xen lẫn bên những gốc cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm là những cây sắn, cây tiêu đang nhú chồi. Theo người dân địa phương, tình trạng phá rừng ở đây diễn ra ngang nhiên, có tổ chức và kéo dài trong nhiều năm qua, gây bức xức trong dư luận. Thế nhưng chẳng thấy lực lượng chức năng tuần tra, bảo vệ hay có động thái ngăn chặn kịp thời mà để tình trạng phá rừng, xâm lấn và mua bán đất lâm nghiệp trái phép ngày càng diễn biến phức tạp hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Quốc Thụy, Chủ tịch UBND xã Trường Xuân, huyện Đắk Song thừa nhận có việc phá rừng trên địa bàn xã. Diện tích rừng bị phá nằm ở khoảnh 2 và 5 Tiểu khu 1676 thuộc địa bàn thôn 9, tiếp giáp với lâm phần của Công ty Lâm nghiệp Đắk N’Tao; phần lớn rừng bị phá trước khi doanh nghiệp chuyển về cho địa phương quản lý. Mục đích phá của các đối tượng chủ yếu để lấy đất sản xuất. Ông Thụy cho biết, năm 2010, UBND tỉnh Đắk Nông có quyết định cho Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ MDF Long Việt (địa chỉ xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song) thuê diện tích đất rừng ở tiểu khu 1676 để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Thế nhưng đơn vị này quản lý, bảo vệ không nổi nên đã trả lại cho tỉnh và tỉnh giao cho địa phương quản lý. Sau khi khoanh vẽ lại, từ cuối năm 2015, UBND xã Trường Xuân đã làm hợp đồng giao khoán 60 ha rừng cho 3 hộ dân thôn 9 quản lý, bảo vệ. Tuy nhiên, hợp đồng giao khoán thực hiện năm một và chưa mang lại nhiều lợi ích nên các hộ chưa mặn mà.

Nhận thức được tình trạng phá rừng, xâm chiếm, buôn bán đất lâm nghiệp trên địa bàn diễn ra công khai, phức tạp nhưng theo lãnh đạo xã Trường Xuân việc quản lý, xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Số đối tượng phá rừng đông, phá có tổ chức và rất manh động trong khi đó lực lượng thực thi công vụ mỏng. Nhiều lần, công an và kiểm lâm địa bàn đã giáp mặt chúng nhưng không thể làm gì. Hơn nữa chúng lợi dụng các ngày nghỉ để tổ chức phá rừng và canh tác nên khó phát hiện. “Cách đây hơn một tháng, UBND xã đã giao cho lực lượng công an xã, kiểm lâm địa bàn phối hợp với Cảnh sát môi trường huyện tiến hành lập hồ sơ, điều tra các đối tượng phá rừng để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có báo cáo cụ thể.”, ông Thụy cho biết thêm.

Rừng giao cho doanh nghiệp mất, giao về địa phương quản lý, bảo vệ cũng mất. Nếu không có biện pháp quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa xã Trường Xuân sẽ hoàn thành "chỉ tiêu phá rừng”./.

Nguồn: Anh Dũng – Hưng Thịnh/TTXVN

Web: http://bnews.vn/