Hơn 46 ha rừng ở xã Quảng Sơn, huyện Đác
G’long, tỉnh Đác Nông bị chặt phá, đốt cháy tràn lan; xe cơ giới được đưa vào
rừng để làm đường, đắp đập thủy lợi tích nước; lán trại dựng lên khắp nơi để
phá rừng… Tất cả hoạt động này diễn ra công khai khiến người dân vô cùng bức
xúc. Tuy nhiên, khi phát hiện vụ việc, chính quyền địa phương và các cơ quan
chức năng sở tại lại đưa ra nhiều lý do để thoái thác trách nhiệm.
Rừng tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk G'long, tỉnh Đác Nông
bị đốt phá trơ trụi.
Theo phản ánh của nhân dân, chúng tôi đi thực
tế tại tiểu khu 1685 thuộc địa bàn xã Quảng Sơn, chứng kiến nhiều ngọn đồi rừng
bị chặt phá, đốt cháy trơ trụi. Dấu vết hiện trường cho thấy rừng bị phá với
quy mô lớn, trong một thời gian dài. Một số hộ dân sống gần khu vực rất bức xúc
vì rừng ở đây bị phá công khai, các đối tượng đi thành nhóm lên đến hàng chục
người, mang theo dao rựa, lương thực, dựng lán trại triển khai phá rừng làm
nhiều đợt, nhiều ngày liên tục nhưng không hề bị ngăn chặn. Trong khi đó, trao
đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn Đỗ Ngọc Hiếu lại cho rằng: “Do
địa bàn rộng, điểm rừng bị phá nằm cách xa trung tâm, các đối tượng thực hiện
lén lút cho nên khó phát hiện. Mặt khác, lực lượng Ban lâm nghiệp xã Quảng Sơn
rất ít người, chủ yếu là cán bộ, viên chức kiêm nhiệm, anh em không thể tổ chức
tuần tra thường xuyên được. Việc quản lý, bảo vệ rừng hiện nay chủ yếu vẫn là
lực lượng kiểm lâm, đơn vị chủ rừng được Nhà nước giao đất, giao rừng phải bảo
vệ chứ không thể quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương được”.
Ngoài việc chặt phá rừng hàng loạt, các đối
tượng còn ngang nhiên lập ba-ri-e; cử người chốt chặn ngăn người dân ra vào
rừng; đem xe cơ giới bạt đồi công khai mở đường giao thông vào tận khu vực phá
rừng để đắp đập thủy lợi tích nước với quy mô hàng chục nghìn m3. Người và xe
cơ giới ra vào rừng rầm rộ, dễ dàng nhưng lực lượng kiểm lâm lại cho rằng, do
diện tích rừng bị phá nằm xa trung tâm xã, địa hình phức tạp, lực lượng kiểm
lâm mỏng cho nên không thể phát hiện kịp thời. Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Đác
G’long Tôn Thất Hoàng cho biết: “Ngay cả khi rừng đã bị chặt phá, đốt dọn xong
rồi thì lực lượng kiểm lâm chúng tôi cũng không hề biết đường vào khu vực này.
Vì đây là khu vực đồi núi hiểm trở, có nhiều khe núi che khuất. Để vào được khu
vực này anh em kiểm lâm phải băng rừng, cắt núi mới vào được. Con đường hôm nay
chúng ta đi là sau khi các đối tượng bị bắt khai báo nên anh em mới biết để vào
khu vực rừng bị phá”.
Kết quả bước đầu kiểm tra thực địa hiện trường
xác định, tổng diện tích rừng bị phá là 46,1 ha. Hiện, cơ quan chức năng của
huyện, của tỉnh đang phối hợp chính quyền xã Quảng Sơn củng cố hồ sơ, xử lý vụ
việc theo quy định. Phó Chủ tịch UBND huyện Đác G’long Lê Quang Dần nhấn mạnh:
“Đây là vụ phá rừng có tính chất nghiêm trọng. Các cơ quan chức năng, đặc biệt
là lực lượng kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã chưa làm tròn trách
nhiệm, chưa thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên. Trước mắt, phê bình
ông Lê Văn Hà, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đác G’Long; ông Đỗ Ngọc Hiếu, Chủ
tịch UBND xã Quảng Sơn do để xảy ra tình trạng phá rừng với diện tích lớn,
trong thời gian dài nhưng không phát hiện, xử lý, ngăn chặn và báo cáo kịp
thời. Về mặt trách nhiệm, sẽ xem xét xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, nhân
viên thuộc quản lý của địa phương và đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách
nhiệm các cá nhân thuộc các cơ quan quản lý khác”.
Sau khi trực tiếp đi kiểm tra thực địa hiện
trường rừng bị phá, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác
Nông Lê Trọng Yên cho biết: “Khu vực rừng vừa bị phá đã được quy hoạch là rừng
phòng hộ, nhằm bảo đảm nguồn nước cung cấp cho đô thị Gia Nghĩa trong tương
lai. Mọi hành vi can thiệp, làm thay đổi hiện trạng rừng chỉ được thực hiện khi
cơ quan chức năng cấp phép. Chúng tôi đang chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp
với các cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc. Khi có kết quả cụ thể, nếu
trường hợp đối tượng vi phạm đủ điều kiện để khởi tố hình sự sẽ đề xuất UBND
tỉnh Đác Nông chỉ đạo cơ quan công an điều tra, xử lý hình sự. Còn đối với cán
bộ, công chức sẽ căn cứ vào mức độ vi phạm để xử lý theo quy định. Đối với diện
tích rừng bị phá, sẽ chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với UBND xã Quảng Sơn
tổ chức quản lý hiện trường nghiêm ngặt để không cho trồng tỉa, chỉ đạo lập
phương án trồng rừng ngay trong năm 2017”.
Sau khi có lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng
Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên nói chung, Đác Nông nói riêng đã ban hành nhiều
văn bản chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng. Tuy
nhiên, nhiều nơi trên địa bàn vẫn xảy ra tình trạng chặt phá rừng, lấn chiếm
đất lâm nghiệp, khai thác gỗ trái phép… Vụ việc phá rừng nêu trên là một minh
chứng cho việc coi thường pháp luật của các đối tượng vi phạm, sự buông lỏng
quản lý của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Nếu không được
điều tra, xử lý triệt để thì mọi chỉ đạo cũng chỉ là khẩu hiệu nằm trên giấy,
không thể phát huy hiệu quả, những cánh rừng còn lại sẽ tiếp tục bị tàn phá.
Nguồn: Nguyễn Văn Yên – Báo Nhân Dân
Web: http://www.nhandan.com.vn