Đăk Nông: Khi cộng đồng cùng nhau giữ rừng

17/02/2016

Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, các tổ quản lý bảo vệ rừng đã vận dụng các điều khoản của hương ước, quy ước cùng quy định của pháp luật về bảo vệ rừng vào việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh trong nội bộ cộng đồng; huy động nguồn lợi được phép khai thác từ rừng để đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi chung của cộng đồng, trang trải những chi phí cần thiết cho hoạt động bảo vệ rừng.

Trong quan niệm của đồng bào dân tộc thiểu số người M’nông, Mạ, họ coi rừng là sinh mệnh, là nơi thần linh ngự trị. Nhiều thôn, bon đã đưa ra các giải pháp giữ rừng hiệu quả, đó là dựa trên nền tảng của phong tục, tập quán mà xây dựng hương ước, quy ước để gắn kết trách nhiệm của từng thành viên với cộng đồng nhằm giữ rừng, ngăn chặn các hành vi phá hoại rừng.

Ông Điểu Lanh, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr và các thành viên trong tổ nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng

RỪNG LÀ “SINH MỆNH”

Ông Điểu M’Prớt, một thành viên trong Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr A và Bu Nơr B, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) cho hay: Việc xây dựng hương ước của chúng tôi dựa vào các giá trị của truyền thống, phong tục, tập quán mà ông bà để lại. Chẳng hạn nói về hành vi phá rừng, làm cháy rừng trong luật tục truyền lại như “Rừng bị cháy mà không dập tắt, người đó sẽ không có rừng, người đó sẽ không có đất…”. Trên cơ sở luật tục truyền lại, cộng đồng các bon đã xây dựng nên các bản hương ước, quy ước có tính “pháp chế” của cộng đồng, do cộng đồng đặt ra và bám vào đó thi hành nó. Ông Điểu Lanh, Trưởng Ban quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr A và bon Bu Nơr B cho biết: Hương ước của bon Bu Nơr xây dựng từ những năm 2005, trong đó có 8 điều khoản với các quy ước như quy ước về khai thác lâm sản; vấn đề phân chia, sang nhượng đất đai; quy ước về phát đốt làm rẫy; nghĩa vụ, quyền hạn của người quản lý; bồi thường, hỗ trợ cho người khó khăn và khen thưởng… Đơn cử, trong khoản 1, điều 7 của quy ước quản lý bảo vệ rừng của bon Bu Nơr có ghi rõ về nghĩa vụ người quản lý rừng là “Mọi hộ gia đình, nhóm hộ có trách nhiệm tham gia bảo vệ rừng, nhóm hộ tổ chức cho hộ trong nhóm định kỳ tuần tra rừng như sau: Mỗi lần tuần tra cử hai người, với 4 lần tuần tra trong một tháng. Đặc biệt, vào đầu mùa phát rẫy thì nhóm hộ phải tổ chức tăng cường tuần ta để ngăn chặn phá rừng làm rẫy và chống cháy rừng”… Cũng theo ông Điểu Lanh thì tất cả các thành viên tham gia quản lý, bảo vệ đều bám vào các điều khoản quy định ấy mà thực hiện. Nhờ vậy, công tác quản lý rừng cộng đồng của bon được thực hiện quy củ, mọi người tuân thủ một cách nghiêm túc. Vì thế, năm 2015, diện tích rừng được giao gần 350 ha của bon không xảy ra tình trạng chặt phá, lấn chiếm trái phép.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Tân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuy Đức cho hay: Những năm trước đây, khi rừng còn do các đơn vị nông lâm trường quản lý, các đơn vị đã xây dựng phương án phối hợp với các địa phương để giữ rừng. Một trong những phương án phổ biến là vận động các bon xây dựng hương ước để tập hợp người dân cùng tham gia công tác bảo vệ rừng. Cách làm này đã mang lại hiệu quả rõ rệt và chính mô hình này đã đặt nền móng cho các thôn, bon tiến tới hình thành nên tổ quản lý rừng cộng đồng hiện nay.

LỢI ÍCH TỪ RỪNG ĐEM LẠI

Thực tế, hiện tại đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn, việc quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao sẽ giúp cải thiện sinh kế cho đồng bào. Trong những năm qua, cộng đồng bon Bu Nơr A và Bu Nơr B, xã Quảng Tâm nhận quản lý chung trên 900 ha đất rừng, trong đó có 439 ha rừng nguyên sinh. Hàng năm, ngoài hưởng lợi từ nguồn lâm sản ngoài gỗ rừng, bà con còn được chi trả gần 440 triệu đồng từ tiền dịch vụ môi trường rừng. Không những vậy, tận dụng tán rừng, bà con rào chắn để nuôi 27 con heo rừng để tăng nguồn thu. Ông Điểu Lanh, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng bon Bu Nơr A và Bu Nơr B cho biết thêm: “Nhận được khoản tiền đợt này, ngoài việc trích vào quỹ hoạt động của tổ quản lý rừng, số còn lại chúng tôi sẽ sử dụng vào việc trồng lại rừng”.

Còn bon B’Nơr, xã Đắk Som (Đắk Glong), nhiều năm nay, đồng bào đã tham gia nhận khoán bảo vệ rừng với Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. Riêng năm 2014, Khu bảo tồn đã giao khoán khoảng 5.000 ha rừng cho 223 hộ dân ở xã Đắk Som, trung bình mỗi hộ nhận khoán 35 ha với tiền công 200.000 đồng/ha/năm. Ông K’Phim, một trong những hộ nhận khoán bảo vệ rừng Tà Đùng cho biết: “Cùng với chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng, Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) trên địa bàn huyện sẽ giúp tạo động lực để người dân sống được bằng nghề rừng”. Theo đó, tại huyện Đắk Glong, Ban quản lý Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện tỉnh Đắk Nông đã lựa chọn bon B’Nơr là một trong 4 thôn, bon trên địa bàn huyện để triển khai chương trình. Ông K’Tang, Chủ tịch UBND xã Ðắk Som cho biết: Qua Dự án REDD+, rừng cộng đồng sẽ là một trong những mô hình cần thiết trong tiến trình thực hiện các dự án, chương trình lồng ghép giữa hương ước, quy ước với pháp luật để giữ rừng, phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Nguồn, ảnh: Văn Tâm - Báo Đăk Nông

Web: http://www.baodaknong.org.vn/