Đăk Nông: Công ty lâm nghiệp giao đất tràn lan

13/06/2016

Trong thời gian vừa qua, nhiều công ty lâm nghiệp ở tỉnh Đắk Nông đã giao đất tràn lan cho những cá nhân không thuộc diện được giao đất. Trong đó, có nhiều cán bộ cũng được “ưu tiên” giao hàng chục hécta đất rừng để trồng cây công nghiệp.


Rừng giao khoán của Công ty TNHH Thuận Tân (huyện Đắk Song) bị chặt phá để trồng cây công nghiệp

Giao đất không hộ khẩu

Đắk Nông hiện có 14 công ty lâm nghiệp, được giao quản lý hơn 160.000ha rừng và đất rừng. Nhưng phần lớn các công ty này đang hoạt động không hiệu quả, để mất quá nhiều diện tích rừng và đất rừng; giao đất rừng tràn lan cho nhiều cá nhân không thuộc diện được nhận đất.

Đứng đầu về những sai phạm này là Công ty TNHH Gia Nghĩa. Công ty này được tỉnh Đắk Nông giao quản lý hơn 24.000ha rừng và đất rừng tại huyện Đắk Glong và thị xã Gia Nghĩa. Từ năm 2009 - 2014, công ty này đã ký hợp đồng giao khoán rừng sản xuất cho 147 hộ dân theo Nghị định 135 của Chính phủ với diện tích hơn 1.100ha. Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đắk Nông, việc giao khoán của công ty này chưa đúng đối tượng theo quy định, chưa ưu tiên giải quyết đất cho các hộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Trong 147 hộ được giao khoán đất rừng, chỉ có 2 hộ là đồng bào dân tộc tại chỗ và có 27 hộ được giao đất không cư trú hợp pháp trên địa bàn xã, huyện nơi có đất của bên giao khoán. Còn đơn nhận giao khoán phần lớn không có xác nhận của chính quyền địa phương, không có cơ sở để xác định đối tượng giao khoán nhưng vẫn được nhận đất giao khoán.

Qua xác minh 90 hộ nhận khoán, Thanh tra tỉnh Đắk Nông phát hiện có 21 hộ không có hộ khẩu thường trú như đã khai trong hồ sơ nhận khoán nhưng vẫn được giao khoán hơn 83ha đất rừng. Một số trường hợp như hộ ông Lê Văn Dân được nhận giao khoán 3,4ha đất rừng đã xâm canh trồng cây nông nghiệp; hộ ông Hoàng Đại Cường được giao khoán 2 lần với diện tích 25ha và hộ bà Nguyễn Thị Thương cũng được giao khoán 2 lần với diện tích 8,9ha. Không những thế, công ty này đã giao khoán hơn 204ha đất rừng cho 67 hộ có nguồn gốc từ phá rừng trái phép chưa xử lý, chưa có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Theo giải trình Công ty TNHH Gia Nghĩa, do áp lực phải trồng lại rừng ngay trên diện tích rừng bị phá theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Nông, nên đơn vị này đã bỏ qua thủ tục lập dự án khi thực hiện việc giao khoán?

Công an huyện cũng được nhận đất

Vào năm 2007, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (nay đổi tên là Công ty TNHH MTV Thuận Tân - PV) ký hai hợp đồng kinh tế trái quy định giao 16,7ha đất rừng tại xã Thuận Hà (huyện Đắk Song) cho ông Trần Văn Dương (cán bộ Công an huyện Đắk Song) trồng rừng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Sau khi bàn giao đất, Công ty Lâm nghiệp Đắk Song còn “ưu ái” cung cấp toàn bộ giống, cây trồng như: xoan, keo, muồng… để ông Dương trồng cây trên đất rừng. Trong thời gian ông Dương phát thực bì trồng cây, nhiều hộ dân địa phương đã nhảy vào tranh chấp đất rừng. Ngoài ra, ông Dương còn đi lấn chiếm sang vị trí khác được giao khoán để trồng cây công nghiệp. Từ đó xảy ra tranh chấp đất đai, thậm chí xô xát gây thương tích giữa ông Dương, người làm cho ông Dương với các hộ dân khác, làm mất an ninh trật tự địa phương. Đến cuối năm 2011, UBND huyện Đắk Song thu hồi 6ha của ông Dương để thực hiện dự án ổn định dân di cư tự do và cũng “ưu ái” bồi thường cho ông Dương trái quy định 740 triệu đồng.

Theo kết luận tại Quyết định số 234/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Đắk Nông, việc Công ty Lâm nghiệp Đắk Song (cũ) ký hợp đồng cho ông Dương đã vi phạm Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989 của Hội đồng Nhà nước và Nghị định 135 của Chính phủ. Theo đó, việc Công ty Lâm nghiệp Đắk Song ký hợp đồng cho ông Dương nhận giao khoán trong khi ông này đang là cán bộ Công an huyện Đắk Song, không trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và không có hộ khẩu nơi có đất là không đúng đối tượng theo quy định tại Điều 2, Nghị định 135 và Mục I, Phần I, Thông tư số 102/2006/TT-BNN của Bộ NN-PTNT. Trong đó, quy định đối tượng nhận giao khoán là các hộ gia đình có hộ khẩu tại nơi có đất, phải ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện nghèo, đời sống khó khăn.

Nguồn: Công Hoan – Báo Sài gòn online

Web: http://www.sggp.org.vn/