Đắk Lắk: TỶ PHÚ RỪNG TRỒNG

01/09/2015

Hơn 30 năm gắn bó với nghề trồng rừng, trải qua không biết bao nhiêu gian nan vất vả, vật lộn với những vùng đất trống, đồi trọc cằn cỗi, đến nay, gia đình bà Ngô Thị Vân (SN 1947, ở thôn 2, xã Cư Króa, huyện M’Đrắk) đã có trong tay hơn 40 ha rừng keo lai xanh tốt cho thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Dẫn chúng tôi đi trên con đường được mở lên đến tận đỉnh đồi để phục vụ chở gỗ nguyên liệu, xung quanh là những đồi keo lai ngút ngàn màu xanh, bà Vân tâm tình: “Để có được như hôm nay, gia đình chúng tôi đã bỏ ra không biết bao nhiêu là sức lực, tiền của khai hoang, phục hóa nơi đây”.


Bà Vân bên vườn keo trồng được 3 năm của gia đình.

Vào năm 1993, vợ chồng bà khi đó là giáo viên nghỉ hưu ở tỉnh Hải Dương theo chủ trương của Nhà nước lên đường vào xã Cư Króa xây dựng vùng kinh tế mới. Đến đây, gia đình bà được cấp đất ở và hơn 2 ha đất sản xuất, do đất đai cằn cỗi nên trồng sắn, cà phê, mía đều không mang lại hiệu quả, may lắm chỉ đủ ăn qua ngày. Nhìn những quả đồi mênh mông ngập tràn cỏ tranh, lau lách không ai đoái hoài đến, bà và chồng quyết định khai phá mở mang diện tích để chuyển hướng sang trồng rừng nguyên liệu. Đất ở gần người ta đã canh tác hết, chỉ những khu đất ở xa là còn hoang hóa, bà cùng chồng vượt hơn 10 km vào khu vực đất trống đồi trọc dựng lán thuê người khai hoang mở đất. Tiền ít, bà phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để trả công. Có khi số nợ lên cả trăm triệu mà rừng thì chưa mang lại lợi nhuận gì. Lúc đó, đường sá vào khu đất khẩn hoang chưa có, mùa mưa bùn ngập tới gối, nhiều khi mưa lớn, nước suối dâng cao không về được phải ở lại lán ăn cơm với cá khô cả tuần chờ mưa tạnh mới về nhà; rồi nợ nần chưa trả được, nhiều lúc ông bà cũng thấy nản. “Nhưng rồi hai vợ chồng động viên nhau đã chọn trồng rừng rồi thì phải sống chết với rừng mới mong đổi đời được”, bà Vân tâm sự. Sau một thời gian kiên trì khai hoang, cải tạo, những quả đồi tràn ngập cỏ tranh, lau lách cuối cùng cũng bị khuất phục trước sức lao động bền bỉ của con người, thay vào đó là những vườn keo vươn chồi... Nhưng thử thách vẫn còn đó, thời gian đầu, do chưa biết kỹ thuật nên rừng trồng lên còi cọc, mùa mưa thì cỏ mọc che hết cây trồng, nắng thì rừng bắt lửa cháy rụi. Mãi đến năm 2000, có một công ty giấy về trồng rừng nguyên liệu trên địa bàn, bà nhận khoán trồng rừng rồi thuê người làm cùng với mình, bà học hỏi kinh nghiệm trồng rừng từ những kỹ sư của công ty này về áp dụng cho việc trồng rừng của gia đình, từ đó rừng của gia đình mới phát triển xanh tốt. Đất không phụ công người, đến năm 2006, gỗ rừng trồng bắt đầu có giá, 70 ha rừng trồng của gia đình bắt đầu mang lại hiệu quả, đặc biệt, từ năm 2012 đến nay, giá gỗ rừng trồng tăng vọt, mỗi héc-ta keo lai đến chu kỳ thu hoạch được thương lái mua với giá 60-100 triệu đồng, tính ra mỗi năm gia đình bà cũng thu nhập hơn 1 tỷ đồng. Mới đây, chồng bà mất, một mình quản lý không nổi nên bà bán đi 30 ha đất trồng keo, chỉ giữ lại khoảng 40 ha. Với diện tích rừng trồng này, bà còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động với thu nhập bình quân hơn 4 triệu đồng/người/tháng. “Đất ở khu vực này phù hợp cho cây keo lai, chỉ cần đầu tư khoảng 15 triệu đồng/ha cho 1 chu kỳ khoảng 4 năm, với thời giá như hiện nay (khoảng 1,2 triệu đồng/tấn) trừ chi phí còn lãi ròng hơn 100 triệu đồng/ha. Thực tế bây giờ không có bất kỳ loại cây trồng nào trên vùng đất này mang lại hiệu quả cao như cây keo lai”, bà chia sẻ. Bây giờ, sau hơn 30 năm vật lộn với nghề trồng rừng, cuộc sống của gia đình bà đã trở nên khá giả, con cái được đầu tư học hành, có công việc tử tế, nhà cửa được xây dựng khang trang, sắm được ôtô, các vật dụng sinh hoạt đắt tiền.

Về xã Cư Króa thời điểm này, tấp nập những chuyến xe ra vào để chở gỗ rừng trồng đi tiêu thụ. Trên những triền đồi là những hàng keo lai thẳng tắp, xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Cư Króa phấn khởi khoe: Từ khi gỗ rừng trồng có giá, bộ mặt nông thôn ở Cư Króa đã thay đổi, có đến 70% hộ dân ở địa phương có diện tích đất trồng rừng, một số hộ dân nhờ đó đã trở thành tỷ phú, trong đó, hộ bà Vân là một điển hình về trồng rừng, gắn bó lâu dài với rừng và giàu lên từ rừng.

Nguồn, Ảnh: Vạn Tiếp-Báo Đắl lak điện tử

http://baodaklak.vn/