Đắk Lắk: Thu hồi đất lấn chiếm, trồng lại rừng

13/07/2016

Hiện nay, người dân phá rừng trái phép dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau: Phá rừng lấy đất làm nương rẫy, khai thác và vận chuyển lâm sản, đốt than, tiêu thụ gỗ…


Bắt đối tượng chở gỗ lậu

Tình trạng này đang diễn ra phức tạp, gây khó khăn cho chính quyền cũng như các cơ quan chức năng.

Ông Phạm Tấn Việt, Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Wy cho biết, Cty hiện quản lý 11.625 ha rừng và đất rừng. Ngay sau khi chuyển đổi từ loại hình lâm trường sang Cty, đơn vị đã thành lập 3 phân trường và 1 tổ cơ động QLBVR.

Cty còn phối hợp với kiểm lâm địa bàn, dân quân, công an các xã tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại các điểm nóng; tổ chức chốt chặn để truy quyét các đối tượng vận chuyển và mua bán lâm sản trái phép trên địa bàn.

6 tháng đầu năm Cty đã phát hiện và bắt được 27 vụ vận chuyển lâm sản trái phép, tịch thu trên 18m3 gỗ các loại, xử phạt 81 triệu đồng. Ngoài ra, còn phát hiện 26 vụ phá rừng lấy đất làm nương rẫy với diện tích hơn 12ha.

Ông Việt cho biết, năm 2011 lực lượng QLBVR của Cty đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, xã Ea Wy xác định được các đối tượng chuyên vận chuyển gỗ trái phép, bắt được đương sự cùng 3 xe máy cày vận chuyển trên 8m3 gỗ.

Đưa tang vật về trụ sở UBND xã Ea Wy, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk thì đã gần 3 giờ sáng. Đến 9 giờ cùng ngày, bọn lâm tặc huy động hơn 120 người ngang nhiên vào trụ sở UBND xã Ea Wy cướp lại gỗ, đồng thời đe dọa đến tính mạng vợ con các cán bộ thực thi pháp luật.

Theo ông Việt, những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn Cty gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, các chủ rừng chưa chủ động thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, chưa quan tâm, tìm biện pháp khai thác có hiệu quả tiềm năng rừng, đất rừng được giao quản lý.

Cứ theo Nghị định số 157/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản thì gần như lực lượng QLBVR của Cty không có chức năng, quyền hạn gì với diện tích rừng được Nhà nước giao, về quy định thu thập thông tin ban đầu của chủ rừng thì không được cơ quan nào hướng dẫn phải làm gì, làm như thế nào.

Cùng với việc xử lý sai phạm, Cty còn tổ chức họp với bà con trong vùng, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, đã có 350 hộ, ở 13 thôn, buôn ký cam kết thực hiện các quy định về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng.

Hiện nay, những diện tích rừng Cty quản lý nằm trên địa bàn 4 xã Ea Wy, Cư Mok, Ea Ral, Cư Amung, huyện Ea H’Leo. Trong vùng có khoảng 26 ngàn nhân khẩu và gần 7.000 lao động, với hơn 80% người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, cuộc sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi đất đai ngày càng bị xói mòn bạc màu, năng suất cây trồng giảm.

Để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con, Cty đã giao đất, giao rừng cho 600 hộ dân trong vùng theo Nghị định 135/NĐ-CP với hơn 200 ha; giao khoán theo Nghị định 01/CP là 700 ha, cho 250 hộ. Đồng thời Cty còn xây dựng nhiều mô hình trồng rừng đạt hiệu quả cao trong công tác giao khoán, quản lý và BVR để bà con làm theo.

Bên cạnh đó, Cty còn chủ động phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phổ biến sâu rộng đến người dân đang canh tác trên lâm phần hiểu rõ lợi ích của việc trồng rừng theo hướng hàng hoá tập trung.

Làm tốt công tác quản lý đất đai, mọi cây trồng lâu năm trên đất trồng rừng, đất sản xuất nông nghiệp hàng năm sau kiểm kê phải được lập biên bản và ký hợp đồng thoả thuận với Cty theo Nghị định 135/NĐ-CP. Những trường hợp cố tình không chấp hành thì lập biên bản xử lý.

Từ năm 2013, Cty đã thực hiện rà soát lại các diện tích đất lâm nghiệp bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép để trồng cây nông nghiệp. Đến nay, Cty đã thu hồi được 153,2 ha đất để trồng lại rừng theo kế hoạch phát triển rừng hàng năm.

Nguồn: Ngọc Thăng – Mạnh Tuấn

Web: http://nongnghiep.vn/