Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng
tự nhiên, thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ rừng nhưng ở Đắk Lắk rừng vẫn
bị tàn phá.
Phóng viên VOV thường trú tại Tây Nguyên phỏng
vấn ông Mai Văn Kiện - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk.
Ông Mai Văn Kiện - Phó Chi cục trưởng Chi
cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk
PV: Báo chí phản ánh về tình trạng phá
rừng trong thời gian gần đây, ông có thể cho biết cụ thể hơn về tình hình này ở
địa phương?
Ông Mai Văn Kiện: Trong quý 1 năm 2017,
các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành lập biên bản 293 vụ vi phạm và
số vụ được xử lý là 227. Trong đó, cơ quan chức năng đã tiến hành khởi tố nhiều
vụ án hình sự, tịch thu 116 phương tiện các loại và 223 m3 gỗ.
Về tình hình phá rừng trong quý 1 năm 2017,
trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ phá rừng, với diện tích là 61 ha…
PV: Với thực trạng như ông vừa nêu, lực
lượng kiểm lâm Đắk Lắk đã có những động thái gì?
Ông Mai Văn Kiện: Sau khi tiếp nhận thông
tin do báo chí đưa, chúng tôi đã tiến hành kiểm tra thông tin, tiếp nhận những
thông tin phản ánh của báo chí, tin báo của nhân dân, đã tổ chức, kiểm tra, xác
minh để xử lý những vấn đề nóng bỏng, ngăn chặn các hành vi vi phạm để bảo vệ
rừng.
Bằng chứng trong thời gian vừa qua chúng tôi
đã chỉ đạo cho cơ quan kiểm lâm huyện Ea Sup, Ea H’leo, Krông Năng, kiểm tra
xác minh, xử lý các đối tượng vi phạm.
PV: Giữa tháng 3, sau khi báo chí phản
ánh về tình trạng phá rừng ở khu vực biên giới Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk kiểm tra, làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định
của pháp luật. Việc này đã được triển khai như thế nào thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Kiện: UBND tỉnh đã chỉ đạo
và tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể những nội dung của báo nêu. Qua kiểm tra
tại công ty trách nhiệm hữu hạn cao su và lâm nghiệp Đức Hòa- Đắk Lắk, nhận
thấy, tình hình khai thác lâm sản trái phép diễn biến phức tạp, trong lâm phần
quản lý của công ty chưa được tổ chức ngăn chặn kịp thời.
Đoàn kiểm tra phát hiện có những cây gỗ mới bị
chặt hạ, và phát hiện một đống gỗ gồm 28 cặp gỗ Dầu gồm 6,7 khối và chất đống ở
trong rừng. Chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành lập biên bản, xử
lý theo quy định.
Tại công ty chế biến thực phẩm và lâm nghiệp
Đắk Lắk, đoàn kiểm tra nhận thấy tình trạng phá rừng diễn biến phức tạp. Việc
xảy ra tình trạng phá rừng trên địa bàn của chủ rừng thì trách nhiệm chính
thuộc về chủ rừng, tình trạng buông lỏng quản lý như vậy thì chúng tôi sẽ báo
cáo và tham mưu với UBND tỉnh để có thể xử lý đối với những vi phạm của chủ
rừng.
PV: Thưa ông, để chấm dứt tình trạng khai
thác rừng trái phép, thực hiện nghiêm lệnh “đóng cửa rừng”, thực hiện các giải
pháp cấp bách bảo vệ rừng, ngành chức năng có những giải pháp gì để phối hợp
thực hiện cùng các chủ rừng và chính quyền địa phương?
Ông Mai Văn Kiện: Đó là thành lập và duy
trì các đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý vi phạm luật bảo vệ phát triển rừng
trên địa bàn các huyện, và kiên quyết không để tồn tại các điểm nóng.
Đối với UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm
tổ chức bảo vệ rừng và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm. Địa phương nào
để xảy ra tình trạng phá rừng mà không có biện pháp kịp thời để kiến nghị để
cấp trên hỗ trợ xử lý tùy theo mức độ vi phạm.
Cơ quan kiểm lâm phải tăng cường phối hợp với
các lực lượng như công an tỉnh, địa phương thành lập các chuyên án để tiến hành
điều tra xử lý các đối tượng chuyên buôn bán khai thác vận chuyển gỗ trái phép
trên địa bàn, đồng thời xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi móc nối, bao che
cho các đối tượng lâm tặc xâm hại tài nguyên rừng.
PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.
Nguồn: Thế Thắng/VOV – Tây Nguyên
Web: http://vov.vn