Đắk Lắk: Lâm tặc đang “lột da” Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô

22/03/2016

Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (xã Ea Sô, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) có tổng diện tích hơn 27.000 ha, trong đó phân khu rừng bảo vệ nghiêm ngặt hơn 15.000 ha, phân khu phục hồi sinh thái trên 9.000 ha, phân khu dịch vụ hành chính là 2.000ha. Ở đây, có rất nhiều loại gỗ quý hiếm như: Hương, Cẩm Lai, Cà chít,… Thời gian gần đây dư luận xôn xao khu rừng này đang bị xâm hại cực kỳ nghiêm trọng, hàng loạt cây gỗ quý bị đốn hạ chỉ cách đường QL 29 vài trăm mét.

Từ thông tin dư luận địa phương, trung tuần tháng 3/2016, Phóng viên Báo Tầm Nhìn đã có chuyến“ đột nhập” khu bảo tồn này để tìm hiểu thực hư sự việc. Xuất phát từ Buôn Ma Thuột đi theo hướng huyện Krông Năng chạy đến khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô mất chừng gần 100km, dọc theo QL29 nối Đắk Lắk và Phú Yên, 2 bên đường là những cánh rừng bạt ngàn ai cũng thấy rừng vẫn còn y nguyên hiện trạng, không thấy một dấu tích của sự xâm hại nào.

Một cây gỗ Hương lớn bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại gốc và phần ngọn

Tuy nhiên, chỉ cần dừng xe bên đường QL29(thuộc Khu bảo tồn này quản lý) đi bộ vào rừng khoảng 30m, chúng tôi hết sức bàng hoàng vì cảnh tượng hàng chục cây gỗ Hương có đường kính trên 30cm bị đốn hạ, chỉ còn trơ lại gốc, phần ngọn bị bỏ lại nằm ngổn ngang, nhiều chỗ còn nguyên cả khúc gỗ bị cắt ngọn mà chưa được lấy đi.

Hiện trường ngỗn ngang này là những cây gỗ Hương bị cưa xẻ ngay tại chỗ, các cây to bị rọc bớt phần vỏ để thuận tiện cho việc vận chuyển ra khỏi rừng. Những tấm gỗ bị xẻ ra, nằm la liệt xếp chồng tại khu vực này. Điều đáng nói những cây gỗ bị “làm thịt” chỉ cách trạm Kiểm Lâm số 1 khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô chừng 500m.


Gỗ được xẻ ngay tại rừng – hiện trường còn tươi nguyên

Tiếp tục men theo những lối mòn chỉ dành cho người đi bộ vào sâu bên trong, chúng tôi lại một lần nữa ngỡ ngàng vì trong những cánh rừng có hàng loạt lối nhỏ dẫn vào sâu bên trong. Mang tiếng là phân khu rừng được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng gỗ ở đây bị đốn hạ ngổn ngang, rừng chỉ còn thưa thớt, sót lại đa phần là cây gỗ tạp, có đường kính vừa và nhỏ.


Gỗ quý có đường kính lớn chỉ còn trơ gốc

Theo ghi nhận, những cây gỗ bị đốn hạ đa phần tập trung vào gỗ Hương, đây là loại gỗ có giá trị kinh tế, được biết trên thị trường loại gỗ này có giá thành rất cao, đặc biệt sử dụng để trang trí nội thất, làm bàn ghế, giường tủ,…

Được biết khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô là nơi cư ngụ của những loài động vật quý hiếm nằm trong sách đỏ thế giới như: Bò Tót, Bò rừng,…Trước thực trạng rừng bị xâm hại, “xẻ thịt” nó sẽ trực tiếp phá hoại môi trường sống của các loại động vật hoang dã, làm mất cân bằng hệ sinh thái trong khu bảo tồn. Đặc biệt sẽ gây ảnh hưởng đến quá trình biến đổi khí hậu của địa phương nói riêng và Việt Nam nói chung.

Nguồn: Ngọc Giang – Báo Tầm Nhìn

Web: http://tamnhin.net/