Đắk Lắk: Cởi “gánh nặng” cho Vườn Quốc gia Yok Đôn

09/06/2016

Việc UBND tỉnh ban hành Công văn số 4205/UBND-CV ngày 31-5-2016 đề nghị dừng khảo sát, đánh giá tác động môi trường để xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk tại vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn đã được dư luận đồng tình ủng hộ.

Công văn được ban hành thể hiện sự chia sẻ “gánh nặng” của các cấp lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk với người dân cũng như các ban, ngành liên quan, trong đó đặc biệt là lực lượng quản lý, bảo vệ Vườn Quốc gia Yok Đôn. Bởi từ năm 2007, khi Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và ứng dụng Công nghệ mới (TECCO) – TP. Hồ Chí Minh được phép khảo sát, đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện thì những người giữ rừng ở đây luôn “mất ăn mất ngủ”. Họ lo lắng vì khu vực vùng lõi vủa vườn (bao gồm các tiểu khu 430, 431, 451) – địa điểm dự kiến xây dựng thủy điện có cấu trúc rừng khá ổn định, nếu không nói là còn nguyên sinh. Nếu chủ đầu tư chỉ vin vào kết luận của Trung tâm Công nghệ – Môi trường (đơn vị được thuê khảo sát đánh giá tác động môi trường dự án) – rằng đó là khu vực rừng nghèo, cần chuyển đổi mục đích sử dụng thì nguy cơ mất mát và hệ lụy sẽ xảy ra. Trên thực tế, với diện tích hơn 115.000 ha rừng mà Vườn Quốc gia Yok Đôn đang quản lý chủ yếu thuộc hệ sinh thái rừng khộp – kiểu rừng thưa có cây họ dầu chiếm ưu thế và đó cũng là loại rừng đặc hữu của Tây Nguyên – Việt Nam nói riêng và vùng Đông Nam Á nói chung. Tuy trữ lượng gỗ trên một diện tích của loại rừng này có thể ít, nhưng lại có tác dụng rất lớn với môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và chống biến đổi khí hậu. Nếu đánh đổi để nhường chỗ cho thủy điện mọc lên, dù chỉ hơn 60 ha theo quy hoạch dự án thì vai trò, chức năng của vườn quốc gia này sẽ giảm thiểu đáng kể, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất trên toàn vùng. Phó GS.TS Bảo Huy, Trường Đại học Tây Nguyên đã có nhiều năm gắn bó, am hiểu về sinh cảnh rừng ở đây và cũng là người rất quan tâm đến dự án thủy điện Đrăng Phốk cho rằng: “Đánh giá rừng nghèo hay giàu, không nên chỉ căn cứ vào trữ lượng gỗ, mà còn phải đặt trong điều kiện, đặc tính cụ thể của từng loại rừng. Với rừng khộp, mặc dầu trữ lượng gỗ ít, nhưng lại có giá trị trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái hết sức quan trọng. Một cá thể lâm sinh mất đi khiến yếu tố cấu thành hệ sinh thái giảm sút là điều không thể tránh khỏi”.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk.

Còn nhớ vào ngày 23-3-2016, TECCO đã có động thái xúc tiến mạnh mẽ nhằm thực hiện bằng được dự án này qua việc tổ chức Hội thảo “Tham vấn ý kiến về các tác động môi trường và các giải pháp khắc phục tác động của dự án đầu tư xây dựng công trình thủy điện Đrăng Phốk” tại TP. Buôn Ma Thuột. Tại hội thảo này, vấn đề làm sao để hạn chế tác động của dự án lên môi trường, cảnh quan tại vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn được đưa ra bàn thảo và thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, quản lý Nhà nước, các cơ quan, ban ngành, tổ chức và đơn vị có liên quan.

Phó GS.TS Phùng Chí Sỹ-Trung tâm Công nghệ – Môi trường (đơn vị được TECCO thuê) cho rằng, việc xây dựng nhà máy thủy điện không làm thay đổi nhiều đến hệ sinh thái ở vùng rừng cấm này. Bởi theo mô tả của dự án, rừng ở đây là rừng thứ sinh, chủ yếu là tre nứa. Trong số diện tích rừng được phép chuyển đổi 23 ha để xây dựng thủy điện thì rừng giàu chỉ chiếm 3,17 ha, rừng trung bình khoảng 5,25 ha, còn lại là rừng nghèo. TS. Sỹ nhấn mạnh điều quan trọng nhất là công trình được xây dựng trong vùng lõi của vườn, nên việc tìm giải pháp tối ưu nhằm hạn chế tác động của dự án lên cảnh quan, môi trường là yêu cầu bắt buộc và cũng là mối quan tâm hàng đầu. Dẫn giải theo đồ án kỹ thuật thì đập ngăn của công trình thủy điện Đrăng Phốk có cao trình ngang bằng với địa hình tự nhiên (giống như đập tràn) để giảm thiểu diện tích đất, rừng bị ngập. Lưu lượng nước trả lại tự nhiên vẫn đảm bảo… Còn lại vấn đề rừng bị xâm hại, bị tác động bất lợi khi công trình đi vào triển khai xây dựng như thế nào, thì chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn được thuê giải trình: Trong quá trình thi công, phương thức được chọn lựa là không ồ ạt đổ máy móc, con người vào một lúc nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực, mà triển khai từng hạng mục theo phương châm “nhanh gọn, hiệu quả”. Đến giai đoạn vận hành thì nhất thiết có quy chế phối hợp giữa chủ đầu tư, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, việc đánh giá, dự báo tác động môi trường của dự án cũng được phía TECCO đề cập và đưa ra giải pháp khắc phục như vấn đề giải quyết, xử lý chất thải rắn, tiếng ồn, rửa trôi, xói mòn đất và môi trường sinh tồn của một số loài động vật… khi dự án đi vào triển khai, hoạt động. Có thể nói những “cam kết” ấy của nhà đầu tư đã cho thấy sự quyết tâm của họ để có một thủy điện 26 MW.

Khu vực dự kiến xây dựng nhà máy thủy điện Đrăng Phốk có nhiều cây gỗ lớn.

Song, “quyết tâm” đó không dễ thuyết phục dư luận, đặc biệt với những người giữ rừng Yok Đôn! Đại diện Vườn Quốc gia Yok Đôn “phản pháo” không nên xây dựng công trình thủy điện ở đây bởi nhiều lý do. Thứ nhất, theo tiền lệ chưa có công trình thủy điện nào lại xây dựng trong vùng lõi của vườn quốc gia. Thứ hai, phát triển kinh tế phải nghiên cứu, gắn với bảo đảm tính bền vững, bảo vệ hệ sinh thái và nguồn nước trên toàn vùng. Cuối cùng và quan trọng nhất là câu chuyện quản lý bảo vệ rừng ở đây vốn đã “nóng” thì sẽ càng bức xúc hơn khi triển khai dự án thủy nói điện trên. Theo đó, người dân và những người có trách nhiệm cũng đặt câu hỏi: Việc giải quyết bài toán thiếu hụt điện năng và tìm giải pháp tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương…liệu có cấp thiết đến mức phải xé vùng lõi của vườn quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt ra để làm thủy điện? Trong khi đó, trên dòng sông Sêrêpôk đoạn chảy qua Đắk Lắk có chiều dài 125 km hiện đã có gần chục công trình thủy điện đang xây dựng, vận hành hiện đã gây ra nhiều hệ lụy đến đời sống, phát triển kinh tế ở địa phương (như cạn kiệt nguồn nước nghiêm trọng khi mùa khô đến và lũ lụt nặng nề vào mùa mưa hàng năm…).

Những bức xúc, lo toan ấy giờ đây đã được giải tỏa. Công văn 4205/UBND-CV và tiếp đó là văn bản của UBND tỉnh Đắk Lắk gửi Văn phòng Chính phủ cùng thống nhất với đề nghị của Bộ NN-PTNT về việc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại Vườn Quốc gia Yok Đôn để xây dựng thủy điện Đrăng Phốk khiến dư luận thực sự nức lòng.

Nguồn: Đình Đối – Báo Đăk Lăk điện tử

Web: http://www.baodaklak.vn/