Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Bảo
tồn voi đã thực hiện 15 đợt khám và điều trị bệnh cho các cá thể voi nhà trong
tỉnh, qua đó đã nắm bắt được tình trạng sức khỏe và chữa trị
kịp thời một số chứng bệnh thường gặp ở voi như tiêu hóa, vết thương ngoài da…
Bác sĩ của Trung tâm Bảo tồn voi đang điều trị vết thương ở
đuôi cho một con voi nhà
Trung tâm cũng đã ban hành văn
bản hướng dẫn các chủ voi quan tâm chăm sóc sức khỏe và hạn chế thời gian cho
voi phục vụ du lịch nhằm hồi phục sức khỏe cho voi, góp phần nâng cao ý thức
trách nhiệm của các chủ voi trong việc chăm sóc, bảo vệ loài động vật này.
Đặc biệt, Trung tâm đang tiến
hành nhiều nghiên cứu khoa học để tìm phương pháp phù hợp cho đàn voi nhà có
thể sinh sản theo con đường tự nhiên. Trong đó, đã hoàn thành việc lấy mẫu và
kiểm tra mẫu để xác định chu kỳ sinh sản của 8 cá thể voi cái trên địa bàn,
việc làm này giúp các bác sĩ của Trung tâm biết được thời điểm rụng trứng của
voi cái để đưa voi cái và voi đực vào khu rừng phù hợp cho chúng giao phối tự
nhiên. Ngoài ra, Trung tâm cũng đang triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp
tỉnh: “Nghiên cứu đánh giá khả năng sinh sản của voi thuần dưỡng trên địa bàn
tỉnh” với tổng kính phí 1,8 tỷ đồng.
Được biết, hiện nay toàn tỉnh còn
44 voi nhà (25 voi cái, 19 voi đực), trong đó, có 25 con nằm trong đội tuổi từ
20-40 còn khả năng sinh sản (16 voi cái; 9 voi đực), 19 con (10 voi đực; 9 voi
cái) còn lại đã hơn 40 tuổi không còn khả năng sinh sản.
Nguồn: Vạn Tiếp - Báo Đăk Lăk
Web: http://www.baodaklak.vn/