Đăk Hà: Làm tốt công tác chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng gắn với tuyên truyền công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn

19/10/2017

Chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ là một chính sách mới được triển khai những năm gần đây, quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, phức tạp, nhưng với sự vào cuộc tích cực của Hạt kiểm lâm nên chính sách đã sớm đi vào cuộc sống, góp phần tạo bước chuyển mới trong công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện

Huyện Đăk Hà có tổng cộng 947 hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, giao rừng với tổng diện tích 10.526,4 ha theo Quyết định 304, Quyết định 178 và Quyết định 1264 của Chính phủ. Hầu hết các hộ dân được nhận đất rừng để quản lý bảo vệ là những hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức về pháp luật lâm nghiệp hạn chế, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng; diện tích rừng được chi trả là rừng sản xuất chủ yếu nằm ở những khu vực xa khu dân cư, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn gây áp lực lớn trong công tác quản lý bảo vệ.

Nhận thức rõ vị trí, ý nghĩa to lớn của chính sách là động lực, đòn bẩy đưa công tác quản lý bảo vệ rừng đạt kết quả tốt nên Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm địa bàn tham mưu chính quyền làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị định 99 của Chính phủ về Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; tập trung tuyên truyền cho người dân nhận thức được ý nghĩa, quyền lợi, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng trong việc chung tay quản lý bảo vệ rừng.

Hình ảnh: Các nhóm hộ cùng nhau đi kiểm tra rừng

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây đối với những diện tích rừng đã giao cho các hộ gia đình quản lý bảo vệ thì công tác quản lý bảo vệ rừng rất tốt. Qua các đợt kiểm tra, rà soát thực tế của Hạt Kiểm lâm và cơ quan chức năng cho thấy các hộ gia đình rất ý thức trong việc bảo quản lưu trữ các hồ sơ liên quan đến việc giao đất, giao rừng của hộ mình, các hộ nắm được diện tích, vị trí rừng được giao quản lý, đã biết tổ chức thành từng nhóm 3-5 hộ có diện tích rừng được giao gần nhau để hàng tháng đi tuần tra, kiểm tra nhằm phát hiện kịp thời các diễn biến liên quan đến diện tích rừng được giao quản lý.

Từ năm 2013 được sự ủy thác của Qũy Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kon Tum, Hạt Kiểm lâm Đăk Hà đã chủ động phối hợp với UBND các xã hàng năm tổ chức kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá hiện trạng rừng sau giao đất giao rừng, tiến hành chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng kết hợp với tuyên truyền, hướng dẫn quyền lợi và trách nhiệm bảo vệ rừng của cộng đồng, hộ gia đình được giao đất, giao rừng trên địa bàn.



Hình ảnh: Làm công tác tuyên truyền trước một buổi chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Việc tổ chức chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng được Hạt Kiểm lâm tổ chức công khai, minh bạch. Trước khi chi trả tổ chức Đoàn kiểm tra, nghiệm thu gồm đại diện chính quyền xã, thôn và Hạt Kiểm lâm nghiệm thu diện tích rừng được giao. Tại mỗi buổi chi trả đại diện Hạt Kiểm lâm, chính quyền xã phối hợp với nhau tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con trách nhiệm, quyền lợi trong QLBVR, đánh giá tình hình thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn từng thôn, đối với những hộ để xảy ra vi phạm Luật BV&PTR trên diện tích được giao mà không kịp thời phát hiện thì thông báo công khai cho toàn thôn biết, tạm thời giữ lại một phần hoặc tất cả số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng trong năm của hộ đó, cho hộ ký cam kết trong một thời gian khi tổ chức kiểm tra lại thực tế, hộ đã khắc phục hậu quả và thực hiện tốt hơn thì mới tổ chức chi trả lại số tiền đó cho hộ. Tại các buổi tuyền truyền lồng ghép như thế, lực lượng Kiểm lâm cũng có thể thu thập thêm một số thông tin về các khu vực có dấu hiệu vi phạm Luật BV&PTR, các hộ dân chưa làm tốt công tác QLBVR trên diện tích được giao, một số khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng, đề xuất của bà con nhân dân do chính người dân phản ánh, từ đó có các biện pháp tăng cường kiểm tra, xử lý, nâng cao hiệu quả công tác QLBVR.

Tổng cộng từ năm 2013 đến nay, Hạt Kiểm lâm đã tổ chức chi trả tổng cộng số tiền hơn 18, 8 tỉ đồng cho các đối tượng nhận quản lý bảo vệ rừng là các hộ gia đình cá nhân trên địa bàn huyện.

Hình ảnh: Người dân thu hoạch sản phẩm, thực phẩm từ rừng

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn do lực lượng kiểm lâm đảm nhận đã mang lại hiệu quả đáng khích lệ về cả môi trường, kinh tế và hiệu ứng xã hội. Điều dễ nhận thấy, người dân được hưởng thụ chính sách tạo điều kiện tăng thu nhập cải thiện đời sống. Ngoài số tiền chi trả mỗi ha trung bình 300.000 đồng/năm, các hộ còn được tận thu các lâm sản phụ (măng, nứa, luồng, dược liệu) dưới tán rừng với mức thu nhập 3 - 5 triệu đồng để cải thiện đời sống.

Từ 01/01/2017, Nghị định số 147/2016/NĐ-CP ngày 02/11/2016 của Chính phủ có hiệu lực đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với những quy định mới về mức chi trả tiền DVMTR đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng, cụ thể đối với cơ sở sản xuất thủy điện là 36 đồng/kwh điện thương phẩm (so với mức quy định cũ là 20 đồng/kwh); đối với các cơ sở sản xuất và cung cấp nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm (so với mức quy định cũ là 40 đồng/m3). Như vậy, với mức chi trả mới này, nguồn thu của ngân sách từ tiền DVMTR tăng lên đồng nghĩa với thu nhập của người dân từ DVMTR cũng tăng lên trung bình từ 1,7-1,8 lần/ha/năm, góp phần nâng cao chất lượng đời sống, góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện thu nhập, sinh kế nhất là đối với đồng bào dân tộc nghèo vùng rừng núi nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng; giúp họ có thêm động lực tham gia giữ rừng, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng có những quy định mới để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong thực hiện chính sách, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc nảy sinh thời gian qua, và là cơ sở quan trọng để tiếp tục triển khai hiệu quả chính sách hơn nữa trong thời gian tới, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng của Đảng và Nhà nước. Ngoài ra, việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng thực sự đã đưa lực lượng kiểm lâm gắn bó chính quyền và bà con thôn bản, đặc biệt đã tạo thuận lợi để Hạt Kiểm lâm nắm chắc tình hình tham mưu các giải pháp quản lý bảo vệ rừng, kịp thời ngặn chặn nạn khai thác lâm sản, đốt phát rừng trái phép trên địa bàn./.

Nguồn: Trần Hằng – Hạt KL Đăk Hà –Kon Tum