Chuyển đổi mô hình giao khoán rừng từ nhóm hộ cho cộng đồng thôn bản

13/02/2019

Trước bất cập của mô hình giao khoán quản lý bảo vệ rừng (BVR) theo nhóm hộ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), từ tháng 7.2018, các chủ rừng đã phối hợp với UBND các xã rà soát và tổ chức họp thôn, nhóm hộ để từng bước chuyển sang giao khoán BVR cho cộng đồng dân cư và thành lập Tổ bảo vệ rừng chuyên trách tại các thôn bản. Hình thức này nhận được sự đồng tình của nhân dân các thôn bản và chính quyền địa phương có chi trả dịch vụ môi trường rừng.



Tại Gươi truyền thống thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang) có đông đúc đồng bào Cơ Tu đến dự họp quanh nội dung phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ rừng, thay đổi mô hình giữ rừng và nhận tiền chi trả DVMTR theo Nghị định 99 năm 2010. Chị Alăng Thời, người dân thôn Bút Tưa sau khi ký xong đã nhận gần 800 nghìn đồng tiền chi trả cho quý 4.2017. Chị bộc bạch: “Số tiền tuy không lớn, nhưng mỗi năm có hơn vài triệu đồng cũng cải thiện thêm đời sống. Ngoài nhận tiền từ Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, người dân còn được nhận thêm khoản tiền BVR do bên Ban Quản lý khu bảo tồn Sao La chi trả”.

Từ năm 2013 đến nay, tại địa bàn thôn Bút Tưa, việc giao khoán rừng thực hiện theo nhóm hộ nên tất cả người dân đều được hưởng quyền lợi như nhau. Ông Alăng Phân – Trưởng thôn Bút Tưa, đồng thời là nhóm trưởng BVR nhóm 3 của thôn, cho biết: “Trên địa bàn có 3 nhóm hộ nhận khoán bảo vệ với diện tích 181,5ha. Hàng tháng nhóm phối hợp với Trạm BVR số 3 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn tổ chức 3 đợt tuần tra. Khó khăn nhất là nhóm hộ nhận rừng xa dân cư, dùng ghe thuyền di chuyển đi lại trong khi chế độ tiền chi trả thấp”. Tại xã Sông Kôn, tuy đơn giá chi trả DVMTR vào loại cao nhất tỉnh (458 nghìn đồng/ha/năm) nhưng do rừng ở đây có diện tích nhỏ nên bình quân mỗi hộ mỗi năm chỉ nhận được trên dưới 2 triệu đồng.

Tại thôn Bút Tưa, từ 53 hộ (năm 2013) đến nay đã tăng lên 73 hộ nhận khoán BVR. Ông Phan Thanh Minh - Trạm trưởng Trạm BVR số 3 cho biết, số tiền chi trả không thay đổi nhưng số hộ lại tăng lên, nếu vận dụng mô hình giao khoán rừng theo nhóm hộ thì chắc chắn người dân sẽ nhận ít tiền hơn trước đây. Tuy nhiên, từ tháng 7.2018 sẽ áp dụng giao khoán rừng cho cộng đồng dân cư. “Người dân nào đi tuần tra rừng sẽ được chấm công, được nhận tiền nhiều hơn ở nhà. Hoàn toàn không có chuyện cào bằng về chế độ chi trả DVMTR” – ông Minh khẳng định:



Để đảm bảo tính công bằng và nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và tránh việc người ở nhà quanh năm suốt tháng mà vẫn hưởng lợi, người trực tiếp đi tuần tra rừng sẽ được chi trả tiền công xứng đáng. Ông Phan Quang Tĩnh, cán bộ Quỹ bảo vệ phát triển rừng cho rằng, đơn vị đang phối hợp với các chủ rừng, chính quyền thôn giám sát việc chi trả DVMTR. Toàn bộ tiền chi trả sẽ trao cho cộng đồng dân cư, chỉ sử dụng vào một mục đích duy nhất là quản lý BVR.

Chủ rừng là các Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, Sông Kôn, Đắc Mi đánh giá, mô hình giao khoán rừng theo cộng đồng phù hợp với văn hóa truyền thống của đồng bào, được cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư ủng hộ thống nhất cao. Cộng đồng xây dựng quy ước BVR cho từng cộng đồng riêng.

Tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Vương, hiện cộng đồng thống nhất chi như sau: trích 15 - 25% chi trả công cho công tác tuần tra; 10 - 15% dùng để phát triển sinh kế (làm vốn đối ứng, cho các hộ khó khăn vay tăng gia sản xuất) và phần còn lại chi theo sự định đoạt của cộng đồng. Quỹ bảo vệ phát triển rừng đánh giá, mô hình này đã tăng đáng kể quyền lực cho cộng đồng, phát huy được tinh thần đoàn kết của cả cộng đồng, đặc biệt có tổ tuần tra hưởng lương và chịu trách nhiệm thực sự chứ không còn chung chung như những mô hình trước đây.

Từ giữa năm nay, nhiều địa phương đồng loạt thay đổi không giao cho nhóm hộ mà giao cho cộng đồng; thành lập các đội quản lý rừng chuyên trách. Đồng thời thay vì quản lý theo lưu vực, sẽ tính đến chuyện quản lý theo đơn vị hành chính, tách riêng công tác quản lý nhà nước về thực thi pháp luật BVR (kiểm lâm) ra khỏi ban quản lý rừng; các ban quản lý rừng sẽ hoạt động như một đơn vị sự nghiệp gắn với chính quyền địa phương. Từ tháng 6.2018, Quảng Nam sẽ triển khai dự án giám sát, cảnh báo sớm tình trạng phá rừng bằng công nghệ cao.

Tác giả: Huỳnh Thị Ngọc Anh – TH

Nguồn: Web (http://chicuckiemlam.snnptnt.quangnam.gov.vn)